Saturday, December 9, 2023

J.M. SMTT #7 2.2 Sức mạnh lớn lao của sự gợi ý


Ý thức của bạn là người canh gác cổng.

 SỨC MẠNH LỚN LAO CỦA SỰ GỢI Ý 

Bạn hẳn đã nhận ra rằng ý thức của bạn là ‘người canh gác cổng’ và chức năng chính của nó là bảo vệ tiềm thức của bạn khỏi những dấu ấn sai lầm. Bây giờ bạn đã nhận thức được một trong những quy luật cơ bản của tâm trí: Tiềm thức của bạn có thể tuân theo gợi ý.

Như bạn đã biết, tiềm thức của bạn không so sánh hay đối chiếu, nó cũng không lý luận hay tự mình suy nghĩ thấu đáo mọi việc. Chức năng cuối cùng này thuộc về ý thức của bạn. Nó chỉ đơn giản phản ứng lại những dấu ấn được truyền đạt bởi ý thức. Nó không tỏ ra ưu ái hành động này hay hành động khác.

Sau đây là một ví dụ kinh điển về sức mạnh to lớn của sự gợi ý. Giả sử bạn tiếp cận một hành khách có vẻ rụt rè trên tàu và nói với anh ta điều gì đó đại loại thế này: 'Trông bạn ốm nặng lắm. Bạn xanh xao quá! Tôi chắc chắn bạn sẽ bị say sóng. Hãy để tôi giúp đưa bạn về cabin'. Vị hành khách tái mặt. Gợi ý của bạn về chứng say sóng gắn liền với nỗi sợ hãi và dự đoán của chính anh ấy. Anh ấy để bạn giúp đi về giường, và ở đó lời gợi ý tiêu cực của bạn, mà anh ấy chấp nhận, liền trở thành hiện thực.

CÁC PHẢN ỨNG KHÁC NHAU ĐỐI VỚI CÙNG MỘT GỢI Ý 

Đúng là những người khác nhau sẽ phản ứng khác nhau với cùng một gợi ý, do thái độ hoặc niềm tin trong tiềm thức của họ. Ví dụ, nếu bạn đến gần một thủy thủ trên tàu và nói với anh ta một cách thông cảm: 'Anh bạn thân mến, trông anh ốm quá. Anh cảm thấy ổn chứ? Nhìn anh như thể sắp bị say sóng vậy’. 

Tùy theo tính khí, anh ấy sẽ cười trước ‘trò đùa’ của bạn, hoặc tỏ ra khó chịu nhẹ. Trong trường hợp này, lời đề nghị của bạn bị bỏ ngoài tai vì trong tâm trí anh ấy gợi ý của bạn về chứng say sóng gắn liền với khả năng miễn dịch của chính anh với nó. Vì vậy, nó gợi lên không phải sự sợ hãi hay lo lắng mà là sự tự tin.

Từ điển nói rằng gợi ý là hành động hoặc lời đề nghị đưa một điều gì đó vào tâm trí của một người, là quá trình tâm trí mà qua đó suy nghĩ hoặc ý tưởng đề xuất được hoan nghênh, chấp nhận hoặc đưa vào thực thi. Bạn phải nhớ rằng một lời gợi ý không thể áp đặt điều gì đó vào tiềm thức trái với ý muốn của ý thức. Nói cách khác, tâm trí có ý thức của bạn có khả năng từ chối gợi ý được đưa ra. Trong trường hợp của người thủy thủ, anh ta không hề sợ say sóng. Anh ta đã thuyết phục bản thân về khả năng miễn dịch của mình, và gợi ý tiêu cực hoàn toàn không có khả năng khơi dậy nỗi sợ hãi.

Việc gợi ý về tình trạng say sóng với người hành khách kia đã khơi dậy nỗi sợ hãi sâu thẳm trong anh ta về chứng say sóng. Mỗi người trong chúng ta đều có những nỗi sợ hãi, niềm tin, quan điểm bên trong của riêng mình, và những giả định bên trong này chi phối và kiểm soát cuộc sống của chúng ta. Một lời đề nghị tự nó không có sức mạnh trừ khi bạn chấp nhận nó trong tâm trí. Điều này khiến sức mạnh tiềm thức của bạn tuôn chảy một cách có giới hạn và hạn chế tùy theo bản chất của gợi ý.

ANH ẤY ĐÃ MẤT CÁNH TAY CỦA MÌNH THẾ NÀO

Cứ hai hoặc ba năm một lần, tôi lại có một loạt bài giảng tại Diễn đàn Sự thật London ở Caxton Hall. Đây là Diễn đàn mà tôi đã thành lập cách đây vài năm. Tiến sĩ Evelyn Fleet, giám đốc, kể cho tôi nghe về một bài báo xuất hiện trên các tờ báo tiếng Anh bàn về sức mạnh của sự gợi ý. Đây là lời gợi ý mà một người đàn ông đã truyền vào tiềm thức của mình trong thời gian khoảng hai năm: ‘Tôi sẵn sàng hy sinh cánh tay phải của mình để thấy con gái tôi khỏi bệnh’. Hóa ra con gái ông bị một dạng bệnh viêm khớp gây tàn tật, cùng một dạng bệnh ngoài da được gọi là không thể chữa khỏi. Điều trị bằng thuốc không làm giảm bớt tình trạng bệnh, và người cha rất mong con gái mình được chữa lành, và bày tỏ mong muốn của mình bằng những lời vừa trích dẫn.

Tiến sĩ Evelyn Fleet nói bài báo cho biết một ngày nọ, gia đình này đang lái xe đi chơi thì xe của họ va chạm với một chiếc xe khác. Cánh tay phải của người cha bị đứt lìa ở vai, và ngay lập tức chứng viêm khớp và tình trạng da của cô con gái biến mất. 

Bạn phải chắc chắn chỉ đưa ra cho tiềm thức của mình những gợi ý có thể chữa lành, ban phước, nâng đỡ truyền cảm hứng cho bạn về mọi mặt. Hãy nhớ rằng tiềm thức của bạn không chấp nhận những trò đùa. Nó tin lời bạn.

TỰ ÁM THỊ XUA TAN NỖI SỢ HÃI THẾ NÀO 

Minh họa về tự ám thị: Tự ám thị có nghĩa là gợi ý một điều gì đó rõ ràng và cụ thể cho chính mình. Herbert Parkyn, trong cuốn cẩm nang tuyệt vời về tự ám thị của mình, đã ghi lại sự việc sau đây. Nó có khía cạnh hài hước khiến người ta nhớ đến nó. ‘Một du khách New York ở Chicago nhìn đồng hồ của mình, được đặt sớm hơn giờ Chicago một giờ, và nói với một người bạn Chicago rằng bây giờ là 12 giờ. Người bạn Chicago, không tính đến chênh lệch múi giờ giữa Chicago và New York, nói với người bạn New York rằng anh ấy đói và anh ấy phải đi ăn trưa’.

Tự ám thị có thể được sử dụng để loại bỏ những nỗi sợ hãi khác nhau và những tình trạng tiêu cực khác.  Một ca sĩ trẻ được mời đến thử giọng. Cô rất mong chờ được phỏng vấn nhưng ba lần trước đó cô đều bị trượt thảm hại vì sợ thất bại. Cô gái trẻ này có giọng hát rất hay nhưng cô lại tự nhủ: ‘Khi đến lượt mình hát, có thể họ sẽ không thích mình. Mình sẽ cố gắng nhưng lòng mình đầy sợ hãi và lo lắng'. 

Tiềm thức của cô chấp nhận những tự gợi ý tiêu cực này như một yêu cầu, và bắt đầu thể hiện chúng và đưa chúng vào trải nghiệm của cô. Nguyên nhân là do sự tự ám thị không chủ ý, tức là những suy nghĩ sợ hãi thầm lặng được cảm xúc hóa và chủ thể hóa.

Cô đã vượt qua nó bằng kỹ thuật sau: Ba lần một ngày cô tự cô lập mình trong phòng. Cô ngồi thoải mái trên ghế bành, thả lỏng cơ thể và nhắm mắt lại. Cô làm tĩnh lặng tâm trí và cơ thể mình một cách tốt nhất có thể. Sức ỳ của cơ thể tạo điều kiện cho sự thụ động về tinh thần và khiến tâm trí dễ tiếp thu những lời gợi ý hơn.

Cô chống lại nỗi sợ hãi bằng cách tự nhủ: ‘Mình hát rất hay. Mình đĩnh đạc, bình tĩnh, tự tin và thanh thản’. Cô lặp lại câu nói này một cách chậm rãi, lặng lẽ và với cảm xúc năm đến mười lần mỗi lần mỗi phiên. Cô thực hiện ba phiên ‘ngồi’ như vậy mỗi ngày và một phiên ngay trước khi đi ngủ. Vào cuối tuần cô đã hoàn toàn bình tĩnh và tự tin. Khi có lời mời thử giọng, cô đã có một buổi thử giọng nổi bật và tuyệt vời.

BÀ ẤY ĐÃ PHỤC HỒI TRÍ NHỚ CỦA MÌNH  RA  SAO  

Một người phụ nữ bảy mươi lăm tuổi có thói quen tự nhủ: ‘Tôi đang mất trí nhớ’. Bà đảo ngược quy trình và thực hành tự ám thị nhiều lần trong ngày như sau::
 'Kể từ hôm nay, trí nhớ của tôi được cải thiện về mọi mặt. Tôi sẽ luôn ghi nhớ mọi thứ tôi cần biết tại mọi điểm của không gian và thời gian. Những dấu ấn nhận được sẽ rõ ràng và dứt khoát hơn. Tôi sẽ lưu giữ chúng một cách tự động và dễ dàng. Bất cứ điều gì tôi muốn nhớ lại sẽ lập tức hiện diện một cách chính xác trong tâm trí tôi. Tôi đang tiến bộ nhanh chóng mỗi ngày, và chẳng bao lâu nữa trí nhớ của tôi sẽ tốt hơn bao giờ hết'.
 Sau ba tuần, trí nhớ của bà đã trở lại bình thường và bà rất hài lòng.

ANH ẤY ĐÃ KHẮC PHỤC TÍNH CÁU KỈNH THẾ NÀO  

Nhiều người đàn ông phàn nàn về sự cáu kỉnh và tính khí nóng nảy tỏ ra rất dễ tự ám thị và đạt được những kết quả tuyệt vời bằng cách sử dụng những câu nói sau đây ba hoặc bốn lần một ngày – sáng, trưa và tối trước khi đi ngủ trong khoảng một tháng.
‘Từ nay trở đi, tôi sẽ trở nên vui tính hơn. Niềm vui, hạnh phúc và sự vui vẻ giờ đây đang trở thành trạng thái tâm trí bình thường của tôi. Càng ngày tôi càng trở nên đáng yêu và hiểu biết hơn. Bây giờ tôi đang trở thành trung tâm của niềm vui và thiện chí của tất cả những người xung quanh tôi, khiến họ bị lây nhiễm sự hài hước vui vẻ. Tâm trạng hạnh phúc, vui vẻ, và hân hoan này giờ đây đang trở thành trạng thái tâm hồn bình thường, tự nhiên của tôi. Tôi vô cùng biết ơn’. 

StarGate dịch từ cuốn 
Sức mạnh của tiềm thức
Tác giả Joseph Murphy

*****

Bài tiếp theo #8 Sưc mạnh xây dựng và phá hủy của sự gợi ý 

MỤC LỤC (SÁCH ĐỌC

SÁCH NÓI (AudioBook) 

No comments:

Post a Comment