1. TÂM TRÍ LÀ GÌ?
Tâm lý học thường được hiểu là khoa học về tâm trí, mặc dù đúng hơn nó là khoa học về các trạng thái tinh thần (mental states) - các ý nghĩ (thoughts), có cảm tưởng (feelings) và hành động thể hiện nguyện vọng (acts of willing). Trước đây, các tác giả về đề tài tâm lý học có thói quen bắt đầu bằng việc cố gắng xác định và mô tả bản chất của tâm trí, trước khi tiến hành xem xét đề tài về các trạng thái và hoạt động tinh thần khác nhau.
Nhưng gần đây các chuyên gia đã phản đối yêu cầu này và tuyên bố: quan điểm cho rằng tâm lý học cần giải thích về bản chất tối thượng của tâm trí chẳng hợp lý gì hơn quan điểm cho rằng khoa học vật lý cần giải thích về bản chất tối thượng của vật chất. Cố gắng giải thích bản chất tối thượng của tâm trí hay vật chất đều là vô ích - trong cả hai trường hợp việc giải thích là không thực sự cần thiết. Vật lý có thể giải thích các hiện tượng của vật chất và tâm lý học có thể giải thích các hiện tượng của tâm trí mà không quan tâm đến bản chất tối thượng của tâm trí và vật chất.
Khoa học vật lý đã tiến bộ đều đặn trong thế kỷ qua, bất chấp thực tế là các lý thuyết về bản chất tối thượng của vật chất đã trải qua một cuộc cách mạng trong thời kỳ này. Sự thật về các hiện tượng của vật chất vẫn còn đó, mặc dù có sự thay đổi về lý thuyết liên quan đến bản chất của vật chất.
Khoa học đòi hỏi sự thật và bám sát chúng, trong khi coi các lý thuyết là những giả thuyết cơ sở tốt nhất. Có người nói rằng ‘các lý thuyết chỉ là những chiếc bong bóng để lũ trẻ khoa học đã trưởng thành chơi đùa’. Khoa học nắm giữ một số lý thuyết vững chắc, mặc dù đối lập nhau, về bản chất của điện, nhưng sự thật về các hiện tượng điện, và ứng dụng của chúng, đã được các nhà lý thuyết đối lập nhất trí.
Và tâm lý học cũng vậy; các sự kiện liên quan đến trạng thái tinh thần đã được nhất trí và các phương pháp phát triển năng lực tinh thần được áp dụng một cách hiệu quả, bất kể tâm trí là sản phẩm của não bộ hay não chỉ là một cơ quan của tâm trí. Tất cả mọi người đều thừa nhận rằng não và hệ thần kinh tham gia vào các hiện tượng tư duy, và đó là tất cả những gì cần thiết để làm cơ sở cho khoa học tâm lý học.
Những tranh cãi về bản chất tối thượng của tâm trí ngày nay thường được chuyển sang cho các triết gia và các nhà siêu hình học, trong khi tâm lý học dành toàn bộ sự chú ý cho việc nghiên cứu các quy luật hoạt động tinh thần, và khám phá các phương pháp phát triển tinh thần. Ngay cả triết học cũng bắt đầu mệt mỏi với câu hỏi ‘tại sao’ vĩnh cửu và dành sự chú ý của mình cho giai đoạn ‘như thế nào’ của sự vật.
Tinh thần thực dụng đã xâm chiếm lĩnh vực triết học, được thể hiện qua câu nói của Giáo sư William James: ‘Chủ nghĩa thực dụng là thái độ ngoảnh mặt khỏi những sự vật đầu tiên, các nguyên tắc, phạm trù, những nhu cầu giả định; và mong chờ những sự vật cuối cùng, các thành quả, hậu quả, sự thật'. Tâm lý học hiện đại về cơ bản là thực dụng trong việc xử lý chủ đề tâm trí.
Bỏ lại cho siêu hình học những lập luận và tranh cãi cũ kỹ liên quan đến bản chất tối thượng của tâm trí, tâm lý học hướng toàn bộ năng lượng của mình vào việc khám phá các quy luật về hoạt động và trạng thái tinh thần, đồng thời phát triển các phương pháp mà nhờ đó tâm trí có thể được huấn luyện để thực hiện công việc tốt hơn và nhiều hơn, để bảo tồn năng lượng và tập trung sức lực của mình. Đối với tâm lý học hiện đại, tâm trí là thứ để sử dụng chứ không chỉ đơn thuần là thứ để suy đoán và lý thuyết hóa. Trong khi các nhà siêu hình học phàn nàn về xu hướng này thì những người thực tiễn trên thế giới lại vui mừng.
Tâm trí được định nghĩa
Tâm trí được định nghĩa là ‘khả năng hoặc sức mạnh nhờ đó các sinh vật có tư duy có thể có cảm tưởng (feel), suy nghĩ (think) và có nguyện vọng (will)’. Định nghĩa này về bản chất là không đầy đủ và lòng vòng, nhưng điều này là không thể tránh khỏi, vì tâm trí chỉ có thể được định nghĩa theo thuật ngữ riêng của nó và bằng cách tham khảo các quá trình của chính nó. Tâm trí không thể được định nghĩa hay thấu hiểu, nếu không dựa vào các hoạt động của chính nó. Nó chỉ được biết đến thông qua các hoạt động của mình.
Tâm trí thiếu trạng thái tinh thần chỉ đơn thuần là một khái niệm trừu tượng - một từ ngữ không đi kèm hình ảnh hoặc khái niệm tinh thần tương ứng. Ngài William Hamilton đã trình bày vấn đề một cách rõ ràng nhất có thể khi nói: ‘Điều chúng ta gọi là tâm trí chỉ đơn giản là thứ mà cảm nhận (perceive), suy nghĩ (think), có cảm tưởng (feel), có nguyện vọng (will) và mong muốn (desire)’. Nếu không có cảm nhận, suy nghĩ, có cảm tưởng, nguyện vọng và mong muốn thì không thể hình thành một ý niệm hay hình ảnh tinh thần rõ ràng về tâm trí; bị tước bỏ hiện tượng của mình, nó trở thành sự trừu tượng đơn thuần.
‘Hãy nghĩ về thứ mà suy nghĩ’
Có lẽ phương pháp đơn giản nhất để truyền đạt ý tưởng về sự tồn tại và bản chất của tâm trí đã đến từ một giảng viên tâm lý học nổi tiếng người Đức, người thường bắt đầu khóa học của mình bằng cách yêu cầu các sinh viên suy nghĩ về một điều gì đó, chẳng hạn như cái bàn làm việc của ông. Sau đó ông sẽ nói, ‘Bây giờ hãy nghĩ về thứ nghĩ về cái bàn’. Rồi sau khi dừng lại một lúc, ông sẽ nói thêm, ‘Cái thứ nghĩ về cái bàn, và về thứ mà bạn đang nghĩ đến lúc này, là chủ đề của nghiên cứu tâm lý học của chúng ta’. Vị giáo sư cũng không thể nói nhiều hơn nếu như ông có cả tháng để giảng dạy.
Giáo sư Gordy đã nói rất hay về điểm này: ‘Tâm trí phải là thứ mà suy nghĩ (think), có cảm tưởng (feel) và có nguyện vọng (will), hoặc nó phải là những ý nghĩ (thoughts), cảm tưởng (feelings) và hành động thể hiện nguyện vọng (acts of willing) mà chúng ta ý thức được - tóm lại là những sự kiện tinh thần. Nhưng chúng ta có thể biết gì về thứ mà suy nghĩ, có cảm tưởng và có nguyện vọng, và chúng ta có thể tìm hiểu gì về nó? Nó ở đâu? Bạn có thể sẽ nói, ở trong não. Nhưng, nếu bạn nói theo nghĩa đen, nếu bạn nói rằng nó ở trong não giống như một cây bút chì ở trong túi của bạn, thì bạn phải muốn nói rằng nó chiếm chỗ, nó chiếm không gian, và điều đó sẽ khiến nó rất giống một thứ vật chất. Thực ra, càng xem xét kỹ càng, bạn sẽ càng thấy rõ điều mà những người có tư duy đã biết từ lâu - rằng chúng ta không biết và không thể biết bất cứ điều gì về thứ mà suy nghĩ, có cảm tưởng và có nguyện vọng. Nó vượt xa tầm hiểu biết của con người.
Những cuốn sách định nghĩa tâm lý học là khoa học về tâm trí không có một từ nào để nói về thứ mà suy nghĩ, có cảm tưởng và có nguyện vọng. Họ hoàn toàn bị cuốn hút bởi các ý nghĩ, có cảm tượng và hành động thể hiện nguyện vọng, — nói ngắn gọn là các sự kiện tinh thần — cố gắng cho chúng ta biết chúng là gì, phân chúng thành các loại, đồng thời cho chúng ta biết những hoàn cảnh hoặc điều kiện ở đó chúng tồn tại. Đối với tôi, có vẻ như sẽ tốt hơn nếu định nghĩa tâm lý học là khoa học về các trải nghiệm (experiences), hiện tượng (phenomena) hoặc sự kiện (facts) của tâm trí (mind), tâm hồn (soul) hoặc bản thể (self) - nói một cách ngắn gọn là về các sự kiện tinh thần (mental facts).
Xét tình tiết sự việc và noi gương các chuyên gia hiện đại uy tín nhất, trong cuốn sách này chúng tôi sẽ để dành việc xem xét vấn đề bản chất tối thượng của tâm trí cho các nhà siêu hình học, và sẽ giới hạn bản thân vào các sự kiện tinh thần, những quy luật chi phối chúng, những phương pháp tốt nhất để chi phối và sử dụng chúng trong ‘công việc của cuộc sống’.
Việc phân loại và phương pháp phát triển được áp dụng trong cuốn sách này là:
I. Cơ chế của các trạng thái tinh thần, tức là não, hệ thần kinh, các cơ quan cảm giác, v.v.
II. Sự thật về Ý thức và các tầng của nó.
III. Các quá trình hoặc năng lực tinh thần, tức là
(1) Cảm giác (sensation) và Cảm nhận (Perception);
(2) Tái hiện (Representation), hay Trí tưởng tượng (Immagination) và Trí nhớ (Memory);
3) Cảm tưởng (Feeling) hoặc Cảm xúc (Emotion);
(4) Trí tuệ (Intellect), hay Biện luận (Reason) và Sự hiểu biết (Understanding);
(5) Ý Chí (Will) hay Ý nguyện (Volition).
Các trạng thái tinh thần phụ thuộc vào cơ chế thể chất để biểu hiện, bất kể bản chất tối thượng của tâm trí là gì. Các trạng thái tinh thần, bất kể tính chất đặc biệt gì, sẽ tương ứng với một trong năm loại hoạt động tinh thần tổng quát được đề cập ở trên.
Tâm trí của bạn và cách sử dụng nó
Tác giả William Walker Atkinson
*****
Bài tiếp theo: #2 Cơ chế của các trạng thái tinh thần
MỤC LỤC
No comments:
Post a Comment