Cơ chế của các trạng thái tinh thần - cỗ máy tinh thần nhờ đó chúng ta xúc cảm (feel), suy nghĩ (think) và bày tỏ nguyện vọng (will) - bao gồm não, hệ thần kinh và các cơ quan giác quan. Bất kể bản chất thực sự của tâm trí là gì, - bất kể lý thuyết liên quan đến hoạt động của nó là gì, - phải thừa nhận rằng tâm trí phụ thuộc vào cơ chế này để biểu hiện những gì chúng ta gọi là trạng thái tinh thần. Dù tâm trí có tuyệt vời đến đâu chúng ta cũng thấy rằng nó phụ thuộc vào cơ chế vật lý này để biểu hiện các hoạt động của mình. Và sự phụ thuộc này không chỉ liên quan tới não mà còn tới toàn bộ hệ thần kinh.
Những chuyên gia uy tính nhất đồng ý rằng các trạng thái tinh thần cao hơn và phức tạp hơn chỉ là sự tiến hóa của cảm giác (sensation) đơn giản, và chúng phụ thuộc vào cảm giác để có nguyên liệu thô của xúc cảm (feeling) và ý nghĩ (thought). Vì vậy, bắt đầu bằng việc xem xét cơ chế của cảm giác là điều thích hợp. Nó đòi hỏi phải tìm hiểu trước về các dây thần kinh.
Các dây thần kinh
Cơ thể được bao bọc bởi một hệ thống dây thần kinh phức tạp, được ví như một hệ thống điện báo khổng lồ. Các dây thần kinh truyền cảm giác (sensation) từ các bộ phận khác nhau của cơ thể đến cơ quan tiếp nhận lớn nhất của não. Chúng cũng có tác dụng truyền các xung động vận động từ não đến các bộ phận khác nhau của cơ thể, dẫn đến sự vận động của các bộ phận tương ứng của cơ thể. Ngoài ra còn có các dây thần kinh khác mà chúng ta không đề cập đến trong cuốn sách này, nhưng chúng thực hiện một số chức năng sinh lý nhất định như tiêu hóa, nội tiết, bài tiết và tuần hoàn. Mối quan tâm chính của chúng ta lúc này là về các dây thần kinh cảm giác.
Các dây thần kinh cảm giác truyền những ấn tượng của thế giới bên ngoài đến não. Bộ não là trạm trung tâm tuyệt vời của các dây thần kinh cảm giác, những dây thần kinh này có vô số trạm truyền ở tất cả các bộ phận của cơ thể, các ‘dây’ kết thúc ở da. Khi các trạm thần kinh đầu cuối này bị kích thích hoặc kích động, chúng sẽ gửi tới não những thông điệp kêu gọi sự chú ý. Điều này đúng không chỉ với các dây thần kinh xúc giác (touch) hay xúc cảm (feeling), mà còn đúng với các dây thần kinh liên quan lần lượt đến các giác quan: thị giác, khứu giác, vị giác và thính giác. Trên thực tế, các chuyên gia uy tín nhất cho rằng tất cả năm giác quan đều chỉ là sự tiến hóa của xúc giác hay xúc cảm.
Xúc giác (Sense of touch)
Các dây thần kinh xúc giác kết thúc ở lớp phủ bên ngoài, hay da của cơ thể. Chúng báo cáo sự tiếp xúc (contact) với các đối tượng vật lý khác. Nhờ những thông báo này, chúng ta không chỉ biết được sự tiếp xúc với vật thể bên ngoài mà còn biết được nhiều thông tin liên quan đến bản chất của vật thể đó, chẳng hạn như độ cứng, độ nhám, v.v. và nhiệt độ của nó. Một số đầu dây thần kinh này rất nhạy cảm, chẳng hạn ở đầu lưỡi và đầu ngón tay, trong khi những đầu dây thần kinh khác tương đối thiếu nhạy cảm, chẳng hạn ở lưng. Một số dây thần kinh cảm giác tự giới hạn trong việc báo cáo sự tiếp xúc và mức độ áp lực, trong khi những dây thần kinh khác chỉ quan tâm đến việc báo cáo mức nhiệt của các vật thể tiếp xúc với phần đầu của chúng. Một số trong những đầu dây thần kinh này phản ứng với độ nóng cao hơn, trong khi một số khác chỉ phản ứng với độ lạnh thấp hơn. Các dây thần kinh ở một số bộ phận của cơ thể phản ứng với nhiệt độ dễ dàng và rõ ràng hơn các dây thần kinh ở các bộ phận khác. Ví dụ, các dây thần kinh ở má khá nhạy cảm với tác động của nhiệt.
Thị giác
Các dây thần kinh thị giác kết thúc trong một bộ máy quang học phức tạp được gọi bằng thuật ngữ phổ biến là ‘mắt’. Cái được gọi là ‘võng mạc’ là một màng thần kinh rất nhạy cảm, trải lót phần bên trong, phía sau của mắt, và là nơi các sợi của dây thần kinh thị giác kết thúc. Thiết bị quang học của mắt truyền các rung động ánh sáng tập trung đến các dây thần kinh của võng mạc, từ đó xung động được truyền đến não. Tuy nhiên, trái ngược với quan niệm phổ biến, các dây thần kinh của mắt không đo được khoảng cách, cũng không hình thành bất kỳ loại suy luận nào; đó rõ ràng là công việc của tâm trí. Chức năng đơn giản của dây thần kinh thị giác là báo cáo về màu sắc và cường độ của sóng ánh sáng.
Thính giác
Các dây thần kinh thính giác kết thúc ở phần bên trong của tai. Màng nhĩ nhận các rung động âm thanh đi vào các khoang tai, khuếch đại và điều chỉnh chúng, truyền chúng đến các đầu dây thần kinh thính giác ở tai trong, bộ phận này sẽ truyền cảm giác đến não. Dây thần kinh thính giác báo cáo lần lượt cho não mức độ cao độ, cường độ, chất lượng và sự hài hòa của sóng âm thanh đạt đến màng nhĩ. Như đã biết, có một số rung động âm thanh quá thấp để dây thần kinh thính giác ghi lại được, và một số khác thì quá cao để có thể ghi lại được; tuy nhiên, cả hai loại đều có khả năng được ghi lại bằng các thiết bị khoa học. Người ta cũng tin chắc rằng một số động vật bậc thấp nhận thức được những rung động âm thanh mà cơ thể người không ghi nhận được.
Khứu giác
Các dây thần kinh khứu giác kết thúc ở màng nhầy của lỗ mũi. Để các dây thần kinh này có thể gửi tín hiệu mùi của vật thể bên ngoài, cần có sự tiếp xúc thực tế của các hạt nhỏ của vật thể đó với màng nhầy của lỗ mũ. Điều này chỉ có thể xảy ra khi không khí chứa các hạt này đi qua lỗ mũi; chỉ gần lỗ mũi thôi thì chưa đủ. Những hạt này chủ yếu bao gồm các khí loãng. Một số chất tác động lên dây thần kinh khứu giác mạnh hơn nhiều so với những chất khác, sự khác biệt là do thành phần hóa học của các chất đó. Các dây thần kinh khứu giác sẽ gửi tín hiệu đến não.
Vị giác
Các dây thần kinh vị giác kết thúc ở lưỡi, hay đúng hơn là ở các tế bào nhỏ của lưỡi, được gọi là ‘chồi vị giác’. Các chất đi vào miệng sẽ tác động về mặt hóa học lên các tế bào nhỏ bé này, và xung động được truyền đến dây thần kinh vị giác, sau đó báo cáo cảm giác lên não. Các chuyên gia tuyên bố rằng cảm giác vị giác có thể được chia thành năm loại chính, đó là: ngọt, đắng, chua, mặn và cay.
Hộp sọ và cột sống chứa một số trung tâm thần kinh thực hiện các chức năng quan trọng trong việc sản sinh và biểu hiện các trạng thái tinh thần - não và tủy sống - mà chúng ta sẽ xem xét trong chương tiếp theo.
*****
Bài tiếp theo: #3 Các trung tâm thần kinh lớn
No comments:
Post a Comment