Monday, April 8, 2024

W.A. YTBT #1 Bài 1: Ý thức bên trong (Inner consciousness)

 

BÀI 1 - Ý THỨC BÊN TRONG 

Trước đây trong trường học người ta dạy rằng toàn bộ Tâm trí (Mind) của một cá nhân đều nằm trong giới hạn của Ý thức (Consciousness) thông thường, nhưng trong nhiều năm, ý tưởng cũ này đã dần được thay thế bởi những khái niệm tiến bộ hơn. 

Leibnitz là một trong những người đầu tiên đưa ra ý tưởng mới hơn và công bố học thuyết cho rằng có những năng lượng và hoạt động tinh thần biểu hiện (manifest) trên tầng tâm trí (plane of mind) vượt ra ngoài phạm vi ý thức thông thường. Từ thời của ông, các nhà tâm lý học đã dạy ngày càng kiên trì hơn rằng hầu hết công việc tinh thần của chúng ta được thực hiện bên ngoài phạm vi ý thức thông thường. Và ở thời điểm hiện tại, ý tưởng về ‘Ý thức bên trong’ được các nhà tâm lý học chấp nhận rộng rãi.

Lewes nói: ‘Lời dạy của hầu hết các nhà tâm lý học hiện đại là ý thức chỉ hình thành một phần nhỏ trong tổng thể các quá trình vật lý. Những cảm giác (sensation), ý tưởng (idea) và phán đoán (judgment) vô thức (unconscious) đóng vai trò quan trọng trong việc giải thích chúng. Rất chắc chắn rằng trong mọi ý muốn (volition) có ý thức - mọi hành động có đặc trưng như vậy - có phần lớn hơn thuộc về vô thức

Một điều chắc chắn không kém là trong mọi cảm nhận (perception) đều có những quá trình tái tạo (reproduction) và suy đoán (inference) vô thức—có một trung cảnh (middle distance) là tiềm thức và một hậu cảnh (background) là vô thức’. 

Và Ngài William Hamilton tuyên bố: ‘Tôi không ngần ngại khẳng định rằng những gì chúng ta ý thức được đều được xây dựng từ những gì chúng ta không ý thức được—rằng toàn bộ kiến thức của chúng ta trên thực tế được tạo thành từ những điều chưa biết và không thể nhận thức được. Phạm vi ý thức của chúng ta chỉ là một vòng tròn nhỏ ở trung tâm của phạm vi hành động và đam mê rộng lớn hơn nhiều, mà chúng ta chỉ nhận thức được thông qua tác động của nó’.

Và Taine đã có suy nghĩ tương tự về vấn đề này: ‘Các sự kiện tinh thần, mà ý thức không thể cảm nhận được (imperceptible), nhiều hơn nhiều so với những sự kiện khác, và từ thế giới tạo nên con người chúng ta, chúng ta chỉ cảm nhận được những điểm cao nhất - những đỉnh được chiếu sáng của một lục địa mà các tầng thấp hơn vẫn còn trong bóng tối. Bên dưới những cảm giác (sensation) thông thường là các thành phần của chúng, tức là những cảm giác sơ đẳng (elmentary), chúng phải được kết hợp thành nhóm để đến được ý thức của chúng ta. Bên ngoài vòng tròn nhỏ sáng chói là một vòng tròn lớn của ánh sáng mờ ảo, và bên ngoài nó là đêm đen vô định; nhưng những sự kiện trong ánh sáng mờ ảo và trong màn đêm này cũng thật như những sự kiện bên trong vòng tròn sáng chói’. 

Về điều này, Maudsley bổ sung thêm lời chứng thực của mình như sau: ‘Hãy xem xét kỹ lưỡng và không thiên vị các hoạt động tinh thần thông thường của cuộc sống, và bạn chắc chắn sẽ phát hiện ra rằng trong đó ý thức không có được một phần mười chức năng mà nó thường được gán cho. Trong mọi trạng thái ý thức đều có các năng lượng có ý thức (conscious), tiềm thức (subconscious) và dưới tiềm thức (infra-conscious) đang hoạt động, cái sau cũng cần thiết như cái đầu’. 

Ngày nay người ta biết rằng những ý tưởng, ấn tượng và suy nghĩ của ‘Ý Thức Bên Trong’ đóng vai trò quan trọng nhất trong thế giới tư duy của mỗi cá nhân. Vượt ra ngoài mọi hành động có ý thức bên ngoài, có thể tìm thấy một nền tảng ý thức bên trong rộng lớn. Người ta tin rằng trong toàn bộ quá trình tinh thần của chúng ta, chưa đến 10% được thực hiện trong lĩnh vực ý thức bên ngoài. Như một nhà văn nổi tiếng đã diễn đạt rất hay: 'Bản thân chúng ta vĩ đại hơn những gì chúng ta biết; nó có những đỉnh cao ở trên và những vùng đất thấp ở dưới bình nguyên của trải nghiệm có ý thức của chúng ta'. 

Giáo sư Elmer Gates đã nhấn mạnh điều đó: 'Ít nhất 90% đời sống tinh thần của chúng ta là tiềm thức. Nếu phân tích các hoạt động tinh thần của mình, bạn sẽ thấy rằng suy nghĩ có ý thức không bao giờ là một dòng ý thức liên tục, mà là một chuỗi dữ liệu có ý thức với những cách quãng lớn của tiềm thức. Chúng ta ngồi và cố gắng giải quyết một vấn đề nhưng lại thất bại. Chúng ta đi loanh quanh, thử lại và thất bại. Đột nhiên một ý tưởng nảy ra dẫn đến giải pháp cho vấn đề. Các quá trình tiềm thức đã hoạt động. Chúng ta không cố ý tạo ra suy nghĩ của riêng mình. Nó diễn ra trong chúng ta. Chúng ta ít nhiều là những người tiếp nhận thụ động. Chúng ta không thể thay đổi bản chất của suy nghĩ hay sự thật, nhưng chúng ta có thể dẫn dắt con tàu bằng cách di chuyển bánh lái’.

Nhưng, có lẽ, cách diễn đạt đẹp nhất về sự thật tiềm ẩn này là của Ngài Oliver Lodge, người đã nói khi xem xét chủ đề này: ‘Hãy tưởng tượng một tảng băng trôi đang khoe khoang vẻ rắn chắc sinh động và những đỉnh nhọn lấp lánh của nó, phật ý vì sự chú ý được dành cho phần chìm của nó, hoặc vùng hỗ trợ, hoặc cho nước mặn mà từ đó nó sinh ra, và một ngày nào đó sẽ quay trở về. Hoặc, đảo ngược ẩn dụ, chúng ta có thể so sánh trạng thái hiện tại của mình với trạng thái của thân một con tàu đắm mình trong đại dương mờ ảo giữa những con quái vật kỳ lạ, di chuyển một cách đui mù trong không gian; có thể là đang tự hào vì đã tích lũy được vô số hàu biển trang trí, chỉ nhận ra đích đến của mình bởi cú va vào tường bến tàu; và không hề hay biết về boong tàu và cabin phía trên, hoặc những cột buồm và những cánh buồm—chẳng hề nghĩ đến kính lục phân, la bàn, và người thuyền trưởng—không có cảm nhận về điểm quan sát từ cột buồm —về đường chân trời xa xôi. Không nhìn thấy những vật thể ở xa phía trước—những nguy hiểm cần tránh—những đích đến cần đạt được—những con tàu khác để giao tiếp bằng những phương tiện khác ngoài sự tiếp xúc cơ thể—một vùng của ánh nắng và mây, của không gian hoặc cảm nhận (perception), và của trí thông minh hoàn toàn không thể tiếp cận nằm dưới mực nước’. 

Tiến sĩ Schofield đã minh họa một cách khéo léo và đẹp đẽ ý tưởng này bằng những lời sau: ‘Tâm trí có ý thức của chúng ta, so với tâm trí vô thức, được ví như quang phổ hữu hình của tia sáng mặt trời, so với phần vô hình, trải dài vô tận về hai phía. Ngày nay chúng ta biết rằng phần chính của nhiệt đến từ tia hồng ngoại* (ultra-red) không phát ra ánh sáng; và hầu hết những thay đổi hóa học trong thế giới thực vật là kết quả của tia tử ngoại* (ultra-violet) ở đầu kia của quang phổ, cũng vô hình đối với mắt và chỉ được nhận ra bởi tác dụng mạnh mẽ của chúng. 

Quang phổ ánh sáng.

Chú thích:
* 'Hồng ngoại' (ultra-red) có nghĩa là 'ngoài mức đỏ', màu đỏ là màu sắc có bước sóng dài nhất trong ánh sáng nhìn thấy.
* 'Tử ngoại' (ultra-violet) có nghĩa là 'ngoài mức tím', cũng được gọi là 'cực tím'. Màu tím là màu sắc có bước sóng ngắn nhất trong ánh sáng nhìn thấy.

*****
Thật vậy, vì những tia vô hình này kéo dài vô tận trên cả hai phía của quang phổ nhìn thấy được, nên chúng ta có thể nói rằng tâm trí không chỉ bao gồm phần hữu hình hoặc phần ý thức (conscious), và cái mà chúng ta đã gọi là tiềm thức (sub-conscious), cái nằm bên dưới đường màu đỏ, mà cũng gồm cả tâm trí trên ý thức (supra-conscious) nằm ở đầu bên kia — tất cả những vùng của cuộc sống tâm hồn và tâm linh cao hơn mà đôi khi chúng ta chỉ nhận thức được một cách mơ hồ, nhưng luôn tồn tại và liên kết chúng ta với những chân lý vĩnh cửu, ở một phía, cũng chắc chắn như cách tiềm thức liên kết chúng ta với cơ thể, ở phía bên kia’. 

Frederic W. H. Myers quá cố, sau nhiều năm tìm hiểu và nghiên cứu cẩn thận lĩnh vực các trạng thái ‘ngoài ý thức’ (out-of-consciousness), đã đưa ra giả thuyết về 'cái tôi thứ cấp' (secondary self), hay như ông gọi nó là ‘Cái Tôi Tiềm thức’ (Subliminal Self), trong đó ‘cái tôi’ mà ông nhắc tới có những quyền lực nhất định mà nó thực thi ở một mức độ độc lập với ‘cái tôi’ có ý thức thông thường. 

Có lẽ lời giải thích tốt nhất cho giả thuyết của ông đã được chính ông Myers đưa ra trong cuốn sách có tựa đề ‘Nhân cách con người’, trong đó ông nói: ‘Ý tưởng về một ngưỡng của ý thức - về một cấp độ mà cảm giác (sensation) hoặc suy nghĩ (thought) phải vượt qua trước khi có thể đi vào đời sống ý thức của chúng ta—là một từ đơn giản và quen thuộc. Từ Tiềm thức (Subliminal) —có nghĩa là 'dưới ngưỡng'—đã được sử dụng để định nghĩa những cảm giác quá yếu ớt để có thể nhận ra một cách riêng lẻ'. Tôi đề nghị mở rộng ý nghĩa của thuật ngữ này, để nó bao hàm tất cả những gì diễn ra bên dưới ngưỡng thông thường, hay cũng có thể gọi là giới hạn thông thường (ordinary margin), của ý thức - không chỉ những kích thích mờ nhạt mà chính sự yếu ớt của chúng khiến chúng bị chìm bên dưới, mà còn nhiều điều khác mà tâm lý học hiếm khi nhận ra; những cảm giác (sensation), ý nghĩ (thought), cảm xúc (emotion), có thể rất rõ ràng và độc lập, nhưng theo cấu tạo ban đầu của con người, hiếm khi hòa nhập vào dòng Trên ngưỡng (Supraliminal) của ý thức mà chúng ta thường đồng nhất với chính mình.

Nhận thấy rằng những suy nghĩ và cảm xúc chìm bên dưới này sở hữu những đặc điểm mà chúng ta liên kết với đời sống ý thức, tôi cảm thấy buộc phải nói về tiềm thức (Subliminal) hay ý thức ngoài mức giới hạn (Ultra-marginal) - một ý thức mà chúng ta sẽ thấy, nói hoặc viết được những câu hoàn toàn phức tạp và mạch lạc như Ý thức trên ngưỡng (Supraliminal) có thể tạo ra. 

Nhận thức xa hơn rằng đời sống ý thức dưới ngưỡng hoặc ngoài giới hạn này dường như là thứ gì đó không liên tục hoặc bị gián đoạn; rằng ngoài việc những quá trình tiềm thức/dưới ngưỡng (subliminal) biệt lập này có thể so sánh được với các quá trình trên ngưỡng (supraliminal) biệt lập (như khi một vấn đề được giải quyết bằng một phương thúc bí ẩn nào đó trong giấc mơ), mà còn có một chuỗi ký ức tiềm thức/dưới ngưỡng liên tục (hoặc nhiều hơn một chuỗi) chỉ liên quan đến loại cá nhân này và liên tục làm sống lại những ấn tượng cũ và phản ứng với những ấn tượng mới, mà chúng ta thường gọi là cái Tôi - tôi nghĩ được phép nói về những cái Tôi tiềm thức, hay nói ngắn gọn hơn là cái Tôi tiềm thức (Subliminal self)

Thực sự, khi sử dụng thuật ngữ này, tôi không cho rằng có hai cái tôi tương quan và song song luôn tồn tại trong mỗi chúng ta. Đúng hơn, khi nói đến cái Tôi tiềm thức, tôi muốn nói đến phần của cái Tôi thường thuộc về tiềm thức; và tôi quan niệm rằng có thể có - không chỉ nhiều sự phối hợp giữa những dòng suy nghĩ gần như độc lập này - mà còn có những biến động và sự thay đổi tính cách thuộc nhiều loại, do đó những gì từng ở dưới bề mặt có thể nổi lên trên bề mặt trong một thời gian, hoặc vĩnh viễn. Và tôi cũng quan niệm rằng không có cái Tôi nào mà chúng ta có thể nhận thức được ở đây thực sự nhiều hơn một mảnh của cái tôi lớn hơn - được bộc lộ theo cách cùng lúc vừa thay đổi vừa bị giới hạn thông qua một sinh vật không bị đóng khung quá để có thể biểu hiện đầy đủ’. 

Chúng tôi đã cung cấp cho bạn những quan điểm khác nhau của các chuyên gia uy tín, không phải để áp dụng độc quyền bất kỳ lý thuyết hoặc giả thuyết nào trong số được đưa ra, mà đơn giản để bạn có thể thấy rằng câu hỏi về ‘Ý thức bên trong’ không phải chỉ là một lý thuyết mơ hồ của một số nhà thần bí và các nhà siêu hình học nhất định, mà trái lại là lý thuyết đã thu hút được sự chú ý và cân nhắc nghiêm túc của các nhà khoa học cũng như các nhà nghiên cứu cẩn trọng trong lĩnh vực tâm lý học. Chúng tôi sẽ chỉ đề cập rất ít đến các lý thuyết trong cuốn sách này - Các sự việc về chủ đề này khiến chúng ta quan tâm nhiều hơn.

StarGate dịch từ cuốn 
Ý thức bên trong  

No comments:

Post a Comment