BÀI 3: TẦNG HẦM CỦA TÂM TRÍ
Ở các tầng thấp hơn của Ý Thức Bên Trong, nhiều hình thức hoạt động tinh thần khác nhau liên quan đến việc xây dựng, bảo tồn, sửa chữa v.v. cơ thể vật lý được thực hiện. Mỗi tế bào đều có phần tâm trí riêng, và mọi sự kết hợp của các tế bào thành các nhóm tế bào và cơ quan của cơ thể cũng có tâm trí nhóm hay cơ quan. Cái mà chúng ta gọi là ‘Bản năng’ (Instinct) hay ‘Bản chất’ (Nature) ở con người hoặc động vật là sự biểu hiện của Tâm trí trên một số tầng thấp hơn của Ý Thức Bên Trong.
Và những tầng thấp hơn này dễ bị ảnh hưởng bởi những gợi ý (sugestion) hoặc mệnh lệnh (order) từ những tầng khác của tâm trí, và sẽ tiếp nhận những ý tưởng (idea) hoặc khái niệm (conception) được gợi ý, kết quả là chúng ta thường phát ốm vì những ý tưởng được hấp thụ hoặc gợi ý theo cách này; và chúng ta cũng được chữa khỏi các căn bệnh thể chất theo cách tương tự, bằng cách đặt ý tưởng được gợi ý lên tầng thích hợp bằng các phương tiện ‘tự ám thị’, ‘các ý tưởng được truyền đạt’ và nhiều loại 'chữ bệnh' tinh thần khác nhau. Tâm trí thấm vào mọi bộ phận của cơ thể vật lý, và luôn có khả năng bị ảnh hưởng bởi những mệnh lệnh hoặc gợi ý xuất phát từ những phần chiếm ưu thế hơn trong tâm trí của cá nhân.
Ở một số tầng thấp hơn của Ý Thức Bên Trong có thể tìm thấy không gian và vùng đất của cái gọi là hành động ‘tự động’ hay ‘theo thói quen’ của tâm trí. Tâm trí Thói quen được tạo thành từ nhiều thứ khác nhau được cá nhân đặt vào đó, những thứ này từng được thực hiện trên phương diện ý thức, nhưng dần dần trở nên gần như tự động do trải nghiệm, sự lặp lại v.v., cho đến khi việc thực hiện chúng chuyển từ phương diện ý thức xuống một số tầng thấp hơn của Ý Thức Bên Trong, do đó trở thành ’bản chất thứ hai’ và có thể được lặp lại mà chỉ cần ít hoặc không cần sự chú ý của tâm trí có ý thức.
Bạn đã quen với sự thật này—tất cả các bạn đều thực hiện một số công việc gần như tự động. Bạn vận hành máy may, máy đánh chữ hoặc chơi piano gần như tự động, và đồng thời có thể đang nghĩ đến những việc khác. Ban đầu, những nhiệm vụ này chỉ được thực hiện nhờ tập trung nhiều sự chú ý và nỗ lực từ phía bạn, nhưng việc luyện tập thường xuyên đã giúp bạn có thể ủy thác công việc cho một số tầng nhất định của Ý Thức Bên Trong trong của mình, cho đến bây giờ chúng hầu như ‘tự hoạt động’, với sự chú ý và tập trung ở mức tối thiểu từ phía bạn.
Một số tác giả tin rằng không ai thực sự học được cách thực hiện một nhiệm vụ một cách chính xác cho đến khi người đó có thể chuyển nó xuống phần não bộ, nơi nó được thực hiện gần như tự động. Các nhạc sĩ và những người khác nhận thức được rằng tác phẩm tốt nhất của họ được thực hiện bởi phần tâm lý này của họ, như đôi khi vẫn xảy ra, khi sự chú ý có ý thức của họ hướng vào tác phẩm, thì có thể xảy ra ‘sơ suất’ và một màn trình diễn kém hoàn hảo hơn.
Người nghệ sĩ biết thế nào là 'đánh mất chính mình' trong tác phẩm của mình và những thành công lớn nhất của anh ta đến vào những thời điểm như vậy. Mọi nhà văn đều biết điều này, và hiện tượng này xảy ra ở mọi cách thức và loại hình sáng tạo. Có bao nhiêu người trong chúng ta lạc lối trong 'mơ màng' khi thực hiện các công việc thường ngày của mình? Có bao nhiêu người trong chúng ta dường như đứng sang một bên và quan sát mình thực hiện những công việc quen thuộc theo thói quen.
Chúng ta thường băng qua đường mà không chú ý đến hành động của mình, và nhiều người trong chúng ta đã từng có trải nghiệm 'quên mất mình đang đi đâu' và sau một thời gian nhận ra mình đang đứng ở trước nơi mình đã xuất phát. Chúng ta mặc quần áo theo cách này, cùng một cánh tay luồn vào cùng một ống tay áo, v.v., mà không cần suy nghĩ về chuyện này. Nếu bạn để ý xem mình đưa cánh tay nào vào áo khoác vào lần mặc quần áo tiếp theo, và sau khi lại cởi chiếc áo khoác ra, hãy thử đưa cánh tay còn lại vào trước (đảo ngược trình tự thông thường), bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mình lúng túng đến mức nào, và 'tâm trí thói quen' nổi loạn trước sự thay đổi như thế nào. Điều tương tự cũng đúng với việc cài cúc cổ áo - bạn luôn cài cúc trên một tab nhất định trước, và việc đảo ngược quy trình sẽ là khó nhất.
Chúng ta quen nghĩ rằng những việc này ‘tự được làm’ hay ‘tự chúng làm’, nhưng một chút suy ngẫm sẽ cho bạn thấy rằng không gì có thể biểu hiện hoạt động đó ngoại trừ thông qua tâm trí thuộc loại nào đó và ở mức độ nào đó. Hoạt động này là kết quả của các quá trình và sự định hướng của tâm trí, và không có tâm trí thì không thể thực hiện được. Chúng ta có thể gọi nó là 'tự động' hay 'máy móc' nếu muốn, nhưng nó thực sự là kết quả của tâm trí – tâm trí hỗ trợ và hiện diện trong mọi hành động 'tự động' của cá nhân. Nhưng vì nó nằm dưới phạm vi của ý thức bên ngoài, chúng ta không nhận ra hoạt động của tâm trí. Nó là một phần của hiện tượng của các tầng thấp hơn của Ý Thức Bên Trong.
Và có những tầng khác của khu vực tuyệt vời này, trong đó một số ‘thói quen’ nhất định đã được cài cắm nhưng không phải do chính chúng ta làm. Chúng tôi ám chỉ đến phạm vị ảnh hưởng di truyền đã được truyền xuống chúng ta từ những người sống trước chúng ta qua vô vàn thế hệ. Có những tầng của Ý Thức Bên Trong chứa đầy những ấn tượng, ý tưởng, thói quen, cảm xúc, cảm tưởng (feeling), mong muốn và thôi thúc mà chúng ta đã thừa hưởng từ quá khứ.
Từ thời của những thượng cổ và thậm chí trước đó, một số hạt giống và sức mạnh tinh thần đã đến với chúng ta, chúng nằm im lìm trong những ngóc ngách sâu thẳm của các tầng thấp hơn của Ý thức Bên trong. Chúng ta có thể kiểm soát, kìm nén hoặc sử dụng những xung lực tiềm ẩn này thông qua các khả năng tâm trí cao hơn của mình, nhưng chúng vẫn hiện diện ở đó. Như một số nhà văn đã nói, chúng ta có ‘toàn bộ bầy thú bên trong mình’ - hổ, vượn, công, lừa, linh cẩu, dê, cừu, sư tử và tất cả những loài còn lại của bộ sưu tập. Chúng ta đã đạt được những điều này môt cách trung thực, và không có lý do gì phải xấu hổ về chúng cả - chỉ phải xấu hổ khi thả những con thú hoang dã này vào những hành động không xứng đáng với trạng thái cao hơn của chúng ta, đã đạt được nhờ quá trình tiến hóa gian khổ.
Như Luther Burbank đã nói: 'Di truyền có ý nghĩa rất lớn, nhưng di truyền là gì? Không phải một bóng ma tổ tiên gớm ghiếc nào đó, mãi mãi đi ngang qua con đường của con người. Di truyền đơn giản là tổng hợp tất cả những ảnh hưởng của tất cả các môi trường của tất cả các thế hệ trước đối với các năng lượng sự sống liên tục chuyển động và đáp ứng nhanh nhạy’. Và tất cả những tác động của tất cả các môi trường trong quá khứ của tất cả các thế hệ trong quá khứ đều được ghi lại, dù yếu hay mạnh, trên một số tầng nhất định của Ý Thức Bên Trong của chúng ta.
Hiểu được thực tế này sẽ giúp chúng ta quy phục được những khuynh hướng như vậy khi thỉnh thoảng chúng thò đầu ra khỏi hang tối để đáp lại tiếng gọi quen thuộc nào đó đã đánh thức chúng khỏi giấc ngủ—và sự hiểu biết sẽ cho phép chúng ta gọi về quá khứ trong mình để được giúp đỡ và hỗ trợ khi chúng ta cần điều đó để thực hiện một số công việc nhất định của cuộc sống. Chúng ta có nhiều thứ bên trong mình, những thứ này có thể và sẽ biểu hiện ra ý thức bên ngoài khi được yêu cầu. Chúng ta có thể sử dụng những thứ này, hoặc để chúng sử dụng chúng ta, tùy theo mức độ hiểu biết và sức mạnh ý chí của mình. Nhưng hãy để chúng tôi luôn nhắc bạn rằng không có gì đủ tốt để cho phép nó ‘sử dụng’ bạn - hãy sử dụng nhiều thứ, nhưng không cho phép thứ gì sử dụng bạn.
Có những tầng khác của Ý Thức Bên Trong, trên đó còn lại nhiều gợi ý đã được đưa vào bởi ý thức bên ngoài của bạn hoặc của những người khác. Bạn có một kho lưu trữ kỳ lạ của những Gợi ý có được, một số tốt, một số xấu, và một số thì không tốt không xấu hoặc cả hai. Và từ kho lưu trữ này xuất hiện ‘suy nghĩ theo thói quen’ tạo nên phần lớn các quá trình tinh thần của chúng ta.
Được gói lại trong kho lưu trữ này là vô số những ấn tượng, ý tưởng, ý kiến (opinion), thành kiến (prejudice), ý niệm (notion), những điều thích và không thích, và những đồ đạc tinh thần tương tự. Phần lớn điều này đã được chúng ta đặt vào đó như là kết quả của suy nghĩ quá khứ hoặc suy nghĩ nửa vời. Và phần lớn đã được đưa vào đó bởi những ý kiến, tuyên bố và đề xuất của người khác, mà chúng ta đã chấp nhận đưa vào Ý Thức Bên Trong của mình không có sự cân nhắc và tìm hiểu thích đáng. Như chúng ta sẽ thấy sau này, kho lưu trữ này là một phần quan trọng trong ngôi nhà tinh thần của chúng ta, và chúng ta nên cẩn thận với những gì mình chấp nhận cho vào.
Chúng ta cũng sẽ thấy rằng thông qua khả năng Tự Ám thị, chúng ta có thể đặt vào đó chính xác những gì có thể giúp ích và hỗ trợ chúng ta trong cuộc sống, và bằng cách tương tự, chúng ta có thể chống lại tác động của nhiều gợi ý bất lợi và có hại cũng như những ‘thói quen tinh thần’ mà chúng ta đã cho phép tìm thấy ngôi nhà và kho chứa đồ trên những tầng quan trọng này trong ý thức của chúng ta. Hiểu biết về những sự thật này sẽ có tầm quan trọng và lợi ích lớn nhất đối với chúng ta.
Trên các tầng khác của Ý Thức Bên Trong, người ta có thể tìm thấy những ấn tượng và bản ghi tạo nên cái mà chúng ta gọi là ‘Ký ức’. Phần Ký ức trong tâm lý của chúng ta giống như một bộ sưu tập khổng lồ các đĩa than, trên đó ghi lại vô số ấn tượng mà chúng ta đã nhận được trong suốt cuộc đời. Một số bản ghi này mang những ấn tượng sâu sắc, rõ ràng và riêng biệt mà khi đặt vào cỗ máy ‘Hồi ức’ sẽ gửi đi bản sao rõ ràng của bản gốc đã tạo ra ấn tượng. Những bản khác chứa những ấn tượng kém rõ ràng hơn—một số có những ấn tượng rất không rõ ràng, là những ấn tượng khó tái tạo nhất. Nhưng có sự khác biệt này giữa những bản ghi ký ức và những bản ghi của máy quay đĩa. Các đĩa than ngày càng mờ nhạt và kém hoàn hảo tùy theo tần suất sử dụng, trong khi các bản ghi ký ức ghi lại ấn tượng ngày càng sâu sắc và rõ ràng hơn khi được sao chép thường xuyên hơn. Nếu một người tập trung trí nhớ vào những sự kiện nào đó trong quá khứ, anh ta sẽ thấy rằng mỗi lần tái hiện sẽ cho một hồi đáp rõ ràng hơn.
Tất nhiên, cũng đúng là trong một số trường hợp, người ta có thể trộn lẫn các sự kiện bên ngoài và các sự kiện tưởng tượng với những hồi ức có thật, để trong những lần tái tạo sau, cái thật và cái giả xuất hiện cùng nhau. Nhưng đây chỉ là một bằng chứng khác của quy luật. Người ta có thể (và nhiều người thường làm vậy) thêm vào một câu chuyện trong mỗi lần kể, cho đến khi cuối cùng câu chuyện được kể lại có rất ít điểm chung với câu chuyện gốc —khi làm như vậy, người ta trộn lẫn những ấn tượng mới với ấn tượng cũ vào bản ghi âm thanh trong đầu mình, và ở lần sao chép tiếp theo, cả nội dung gốc và nội dung bổ sung đều được phát ra cùng nhau.
Đây là lý do tại sao một số người 'nói dối thường xuyên đến mức họ thực sự tin vào điều đó'—những ấn tượng lặp đi lặp lại trên tấm bảng ký ức trở nên sâu hơn và rõ ràng hơn, và những ghi chú về thông tin sai lệch xen lẫn với những ghi chú về sự thật. Người ta phải luôn cố gắng lưu giữ một bộ sưu tập trung thực các bản ghi nhớ và cẩn thận để tránh thêm những ấn tượng sai lệch vào những ấn tượng gốc.
Điều đáng ngạc nhiên là bất cứ ai quen thuộc với hiện tượng Ký ức đều có thể nghi ngờ trong giây lát về sự tồn tại của các tầng ý thức nằm dưới mức ý thức bên ngoài thông thường. Mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, chúng ta đang rút ra từ những tầng Ý Thức Bên Trong rất nhiều thứ được lưu giữ ở đó – ở sâu hơn nhiều so với ý thức bên ngoài hàng ngày.
Chúng ta không chỉ rút từ những tầng này theo cách này, mà trong những khoảnh khắc căng thẳng tột độ - nguy hiểm bất ngờ - và những giai đoạn quan trọng khác của cuộc đời, những cánh cổng giữa những tầng này sẽ mở rộng và một dòng hồi ức tuôn trào từ chúng. Nó liên quan đến nhiều trường hợp mà như một nhà văn đã diễn đạt rất hay: ‘Những hành động quan trọng của cả cuộc đời, cũng như nhiều hành động không quan trọng, sẽ lóe lên trên màn hình ký ức với tốc độ nhanh như chớp và rõ ràng đến mức trông giống như một bức tranh toàn cảnh rộng lớn mà mọi chi tiết đều được tâm trí nắm bắt ngay lập tức.
Một vận động viên nhảy cầu cao nổi tiếng, khi mô tả cảm tưởng (feeling) của mình khi thực hiện cú nhảy nổi tiếng từ cầu Brooklyn, đã nói rằng dường như trong vài giây cần thiết để anh rơi xuống mặt nước bên dưới, đã trôi qua trí nhớ của anh tất cả các hành động của cuộc đời, theo đúng thứ tự của chúng - một số trong đó đã không xuất hiện trong hồi ức của anh trong nhiều năm, và có lẽ suốt cuộc đời anh vẫn ngủ im lìm nếu không có một số kích thích kỳ diệu như thế này.
Đó là trải nghiệm gần như phổ biến của những người chết đuối được cứu vào giây phút cuối cùng và được hồi sức, là trong một vài khoảnh khắc ngay trước khi mất ý thức, trí nhớ đột nhiên nắm bắt một cách mạnh mẽ những hành động của cuộc đời dường như sắp kết thúc, và bằng một trực giác thôi thúc bí ẩn nào đó, người bị nạn có khả năng và buộc phải nhận ra cùng một lúc và đầy đủ hơn bao giờ hết, sự đúng hay sai của từng hành động cụ thể’.
Các trích dẫn dưới đây sẽ cho bạn thấy, một cách tóm tắt, vài trò quan trọng của khả năng Trí nhớ của Ý Thức Bên Trong trong lĩnh vực hiểu biết, theo quan điểm của các chuyên gia tài ba:
‘Mọi kiến thức chỉ là ký ức’.—Bacon.
‘Cái tạo nên hồi ức (recollection) hoặc hành động trí nhớ (memory) là hình ảnh hiện tại mà cảm giác trong quá khứ đã để lại trong chúng ta, hình ảnh mà đối với chúng ta dường như chính là cảm giác đó’.—Taine.
‘Trí nhớ là năng lực sơ đẳng và cơ bản mà thiếu nó thì không năng lực nào khác có thể hoạt động được; là xi măng, nhựa đường, chất nền trong đó các năng lực khác được gắn vào. Không có nó, toàn bộ cuộc sống và tư duy sẽ là sự nối tiếp không liên quan’. — Emerson.
‘Không khả năng nào của tâm trí có thể biến năng lượng của mình thành hành động nếu không có những ý tưởng được lưu giữ trong ký ức để nó xem xét’. —Burke.
‘Thật ra, mọi cơ quan—mọi khu vực và mọi thành phần—của hệ thần kinh đều có trí nhớ riêng’.—Ladd.
‘Trí nhớ là sợi dây vàng gắn kết mọi năng khiếu tinh thần và sự xuất sắc với nhau’.—Hood.
‘Trí nhớ là chiếc tủ của trí tưởng tượng, kho báu của biện luận, danh bạ của lương tâm và phòng hội đồng của tư tưởng’. (Bazil).
‘Tài sản thực sự của một người là trí nhớ của họ; Anh ta không giàu ở điều gì khác, anh ta không nghèo ở điều gì khác’ (Alexander Smith).
‘Tôi thà có một hồi ức hoàn hảo về tất cả những gì tôi đã suy nghĩ và cảm nhận trong một ngày hoặc một tuần hoạt động tích cực còn hơn là đọc tất cả những cuốn sách đã được xuất bản trong một thế kỷ’.—Emerson.
Và, sau khi đọc phần trên, hãy nhớ rằng tất cả các bản ghi của Ký ức đều được lưu trữ trên các tầng của Ý Thức Bên Trong, mà sự tồn tại của nó đã bị đa số mọi người phủ nhận cho đến rất gần đây.
Khi xem xét những hiện tượng kỳ diệu của Trí nhớ, người có tư duy có thể nghi ngờ rằng Tâm trí và cái Tôi của mình lớn hơn rất nhiều so với phạm vi nhỏ bé, chật hẹp của ý thức bên ngoài, vốn không là gì so với thị kính của kính viễn vọng hay kính hiển vi tinh thần của họ, dùng để xem xét những vật thể xuất phát từ, hoặc bị chồng lên bởi, các tầng của Ý Thức Bên Trong.
Ý thức bên trong
No comments:
Post a Comment