Wednesday, April 10, 2024

W.A. YTBT #6 Bài 6: Suy nghĩ tự động (Automatic thinking)


BÀI 6: SUY NGHĨ TỰ ĐỘNG 

Các tác giả tiên tiến về chủ đề tâm lý học đã cho chúng ta nhiều ví dụ về hoạt động của tâm trí trên các tầng (plane) mà một số người gọi một cách khéo léo là ‘Suy nghĩ tự động’. Chúng tôi nghĩ sẽ hữu ích khi trích dẫn một vài trường hợp để minh họa cho giai đoạn này của chủ đề. 

Có nhiều trường hợp được nêu về những người đã nỗ lực hết sức để giải quyết một số vấn đề và câu hỏi nhất định, nhưng lại buộc phải đặt những vấn đề này sang một bên vì chưa thể giải quyết được vào thời điểm đó. Trong một số trường hợp như vậy, người ta kể rằng trong khi nghĩ về một điều gì đó hoàn toàn xa lạ với chủ đề, câu trả lời được tìm kiếm từ lâu đột nhiên lóe lên trong phạm vi ý thức, tất nhiên là không có bất kỳ nỗ lực có ý thức nào từ phía người đó. Một nhà văn nổi tiếng, khi đưa ra ví dụ loại này từng xảy ra với cá nhân ông, nói rằng khi câu trả lời đến với ông theo cách này, ông run rẩy như thể đang trong sự hiện diện của một thực thể khác, người đã truyền bí mật cho ông một cách huyền bí.

Hầu hết mọi người đều từng trải qua việc cố gắng nhớ một cái tên, một từ, một ngày tháng hoặc một cái gì đó tương tự nhưng không thành công, và sau khi câu hỏi bị loại ra khỏi tâm trí, ý tưởng hoặc từ còn thiếu đột nhiên lóe lên từ Ý Thức Bên Trong đi vào phạm vi của ý thức thông thường. Một phần nào đó của Ý Thức Bên Trong đã hoạt động, cố gắng đáp ứng nhu cầu và khi tìm thấy, nó sẽ trình bày kết quả cho người đó.

Một nhà văn nổi tiếng khác đưa ra một số trường hợp mà ông gọi là ‘suy tưởng vô thức’ (unconscious rumination), trong đó tâm trí hoạt động âm thầm, ở dưới phạm vi của ý thức thông thường, sau khi một người đọc những tác phẩm liên quan đến chủ đề mới, hoặc đưa ra những quan điểm mới về cơ bản trái ngược với các ý kiến và quan điểm được hình thành trước đó. Ông nói rằng theo kinh nghiệm của bản thân, ông nhận thấy sau nhiều ngày, nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng, ông sẽ thức tỉnh để nhận ra rằng những quan điểm cũ của mình đã được sắp xếp lại hoàn toàn, và những quan điểm mới đã thay thế chúng. Một số người gọi quá trình này là 'tiêu hóa và đồng hóa tinh thần trong tiềm thức', và quả thực quá trình này giống với công việc của cơ thể vật lý trong việc tiêu hóa và đồng hóa thức ăn vật chất.

Ngài William Hamilton được cho là đã khám phá ra một nguyên lý toán học quan trọng trong một lần đi dạo ở Đài thiên văn Dublin. Ông kể rằng lần đó ông ‘cảm thấy một vòng tròn tư duy đột ngột và mạnh mẽ đang ở rất gần’, và những tia lửa rơi ra từ quá trình suy nghĩ là những mối quan hệ toán học cơ bản của bài toán của ông, mà như tất cả học sinh bây giờ đều biết, tạo thành một định luật quan trọng trong toán học.

Nhà tâm lý học Thompson đã viết như sau về chủ đề này: 'Đôi khi tôi cảm thấy mọi nỗ lực tự nguyện đều vô ích, và vấn đề tự nó được làm rõ trong tâm trí tôi. Nhiều lúc, tôi thấy dường như tôi thực sự là một công cụ thụ động trong tay một người không phải chính tôi. Vì phải chờ đợi kết quả của những quá trình vô thức này, tôi đã hình thành thói quen thu thập tài liệu trước, rồi để khối đó tự tiêu hóa cho đến khi tôi sẵn sàng viết về nó. Tôi đã trì hoãn việc viết cuốn sách 'Hệ thống tâm lý học' của mình trong một tháng, nhưng vẫn tiếp tục đọc các chuyên gia có uy tín. Tôi sẽ không cố gắng nghĩ về cuốn sách. Tôi thích thú quan sát những người đi ngang qua cửa sổ. Một buổi tối khi đang đọc báo, nội dung của phần còn thiếu của cuốn sách chợt lóe lên trong đầu tôi và tôi bắt đầu viết. Đây chỉ là một ví dụ về những trải nghiệm như vậy'.

Berthelot, nhà hóa học nổi tiếng người Pháp, người sáng lập ra hệ thống Hóa học Tổng hợp hiện nay, đã nói rằng các thí nghiệm dẫn đến những khám phá đáng chú ý của ông trong ngành khoa học này hiếm khi là kết quả của những dòng suy nghĩ có ý thức được vạch ra cẩn thận hoặc các quá trình lý luận thuần túy, mà thay vào đó, có thể nói là tự chúng đến, từ một bầu trời quang đãng. 

Mozart, nhà soạn nhạc vĩ đại, đã từng nói: 'Tôi thực sự không thể nói rằng tôi có thể giải thích được các sáng tác của mình. Ý tưởng của tôi tuôn trào, và tôi không thể nói chúng đến từ đâu hoặc như thế nào. Tôi không nghe thấy trong trí tưởng tượng của mình các phần một cách tuần tự, mà tôi nghe thấy chúng, như thể chúng đến, tất cả cùng một lúc. Phần còn lại chỉ là nỗ lực tái tạo những gì tôi đã nghe thấy’. 

Ngoài trải nghiệm đã được đề cập ở trên, Tiến sĩ Thompson còn nói rằng: ‘Khi viết tác phẩm của mình, tôi đã không thể sắp xếp kiến thức của mình về chủ đề này trong nhiều ngày và nhiều tuần, cho đến khi tôi cảm thấy đầu óc sáng suốt, khi tôi cầm lấy bút và không do dự viết ra kết quả. Tôi đã hoàn thành tốt nhất điều này bằng cách dẫn tâm trí ra khỏi chủ đề mà tôi đang viết càng xa càng tốt.

Oliver Wendell Holmes đã nói: 'Dòng suy nghĩ tự động thường được ưu ái đặc biệt bởi việc nghe một bài diễn thuyết nhạt nhẽo, không ngừng, với vừa đủ ý tưởng để khiến tâm trí bận rộn. Dòng suy nghĩ được gợi lên thường nhanh và sống động, tỷ lệ nghịch với lực gợi ra dòng suy nghĩ này'. Wundt cũng đã nói về chủ đề này: 'Các quá trình logic vô thức được thực hiện một cách tin cậy và đều đặn, điều này không thể xảy ra nếu đã có khả năng xảy ra sai sót. Tâm trí của chúng ta được thiết kế tài tình đến mức nó chuẩn bị cho chúng ta những nền tảng nhận thức quan trọng nhất, trong khi chúng ta không hề có chút hiểu biết nào về phương thức hoạt động. Linh hồn vô thức, giống như một người xa lạ nhân từ, làm việc và cung câp lương thực vì lợi ích của chúng ta, chỉ đổ những trái chín vào lòng chúng ta’. 

Một nhà văn người Anh đã nói: ‘Những lời nói ngầm đến với ý thức của chúng ta từ vô thức, rằng tâm trí đã sẵn sàng làm việc, tươi mới, tràn đầy ý tưởng. Cơ sở của những phán đoán của chúng ta thường là những kiến thức quá xa vời với ý thức đến mức chúng ta không thể nhìn ra được’.

Tâm trí con người bao gồm một phần vô thức; những sự kiện vô thức xảy ra ở phần đó là những nguyên nhân gần gũi của ý thức; phần lớn hành động trực giác của con người là kết quả của một nguyên nhân vô thức- sự thật của những lời tuyên bố này có thể dễ dàng được luận ra từ các sự kiện tinh thần thông thường, và gần bề mặt đến mức thất bại trong suy diễn để ngăn chặn phép quy nạp trong nhận thức về nó có thể gây ngạc nhiên.

Hành vi của chúng ta bị ảnh hưởng bởi những giả định vô thức, tương ứng với cấp độ trí tuệ và tầng lớp xã hội của chúng ta, cũng như của người mà chúng ta đang nói chuyện với. Trong công ty, chúng ta vô thức áp dụng những hành vi hoàn toàn khác với hành vi ở gia đình mình. Sau khi được nâng lên một cấp độ cao hơn, toàn bộ hành vi sẽ thay đổi một cách tinh tế và vô thức phù hợp với cấp độ mới. Bình luận về điều trên, một nhà văn khác nói thêm: ‘Điều này đúng ở một mức độ nhỏ đối với các phong cách, chất lượng trang phục khác nhau và những môi trường khác nhau. Hoàn toàn vô thức, chúng ta thay đổi hành vi, dáng đi và phong cách của mình cho phù hợp với hoàn cảnh’. 

Jensen đã viết: ‘Khi chúng ta nghĩ về điều gì đó bằng tất cả sức mạnh của tâm trí, chúng ta có thể rơi vào trạng thái hoàn toàn vô thức, trong đó chúng ta không chỉ quên mất thế giới bên ngoài, mà cũng không nhận thức được gì về bản thân và những suy nghĩ đang trôi qua bên trong chúng ta sau một thời gian. Sau đó, chúng ta đột nhiên tỉnh dậy, như thể từ một giấc mơ, và thường cùng lúc đó, kết quả sự ngẫm nghĩ của chúng ta xuất hiện rõ ràng trong ý thức, mặc dù chúng ta không biết mình đạt được điều đó bằng cách nào’.

Một nhà văn khác đã nói: ‘Không thể giải thích được làm thế nào mà các tiền đề nằm bên dưới ý thức lại có thể hỗ trợ cho các kết luận trong ý thức; làm thế nào tâm trí có thể tiếp nhận một cách có ý thức một chuyển động tinh thần ở giai đoạn nâng cao, khi đã bỏ lỡ các bước đầu tiên của nó’. Một số nhà tâm lý học, Hamilton và những người khác, đã so sánh hoạt động của các quá trình tinh thần với hoạt động của một hàng bóng bi-a, trong đó có một quả được đánh và xung lực truyền qua cả hàng, kết quả là quả bóng cuối cùng di chuyển, những quả còn lại giữ nguyên vị trí của mình.

Quả bóng cuối cùng tượng trưng cho tầng ý thức thông thường bên ngoài, những quả bóng còn lại tượng trưng cho các giai đoạn hoạt động khác nhau của Ý Thức Bên Trong. Nhà tâm lý học Lewis, khi bình luận về khái niệm trên, nói thêm: ‘Điều gì đó như thế này, Hamilton nói, dường như thường xảy ra trong một dòng suy nghĩ, một ý tưởng ngay lập tức gợi ý một ý tưởng khác đi vào ý thức - gợi ý này đi qua một hoặc nhiều ý tưởng mà bản thân chúng không nổi lên ý thức. Việc chúng ta không ý thức được sự hình thành các nhóm, mà chỉ ý thức về nhóm đã hình thành, có thể làm sáng tỏ sự tồn tại của những phán đoán vô thức, những suy luận vô thức và những ghi nhận vô thức về trải nghiệm’. 

Liên quan đến các quá trình này của tâm trí, trên các tầng bên dưới các tầng của ý thức bên ngoài, nhiều tác giả đã lưu ý đến sự khó chịu và không thoải mái xảy ra trước sự ra đời trong ý thức của những ý tưởng được phát triển trên các tầng vô thức. Maudsley nói về chủ đề này: ‘Thật đáng ngạc nhiên là một người có thể cảm thấy khó chịu đến thế nào bởi ý tưởng mơ hồ về điều gì đó mà lẽ ra họ đã phải nói hoặc làm, và điều mà họ không thể nhớ được trong cả cuộc đời mình. Có sự nỗ lực của ý tưởng bị lãng quên để đi vào ý thức, mang lại cảm giác nhẹ nhõm ngay khi ý tưởng đó xâm nhập vào ý thức’. 

Oliver Wendell Holmes nói: ‘Có những suy nghĩ không bao giờ xuất hiện trong ý thức, nhưng vẫn khiến người ta cảm nhận được ảnh hưởng của chúng trong các dòng cảm nhận (perceptive currents), giống như các hành tinh vô hình ảnh hưởng đến chuyển động của những hành tinh đã biết’. Ông nói thêm: ‘Tôi được biết có một doanh nhân ở Boston đã từ bỏ việc suy nghĩ về một câu hỏi quan trọng đối với anh ấy vì quá tải. Nhưng trong đầu anh ấy vẫn cảm thấy khó chịu đến mức anh sợ mình có nguy cơ bị tê liệt. Sau vài giờ, giải pháp tự nhiên cho câu hỏi đã đến với anh, đã được giải quyết, như anh tin tưởng, trong khoảng thời gian khó khăn đó’. 

Những trải nghiệm trên là phổ biến đối với nhân loại, và hầu như tất cả những ai đọc những dòng trên sẽ ngay lập tức nhận ra những sự kiện này là quen thuộc trong trải nghiệm tinh thần của chính mình.

Trong số rất nhiều trường hợp thú vị liên quan đến việc minh họa nguyên lý 'sự việc tự động' hay ‘suy tưởng vô thức’ (unconscious rumination), trường hợp của thần đồng toán học nổi tiếng Zerah Colburn có lẽ là một trong những trường hợp nổi bật nhất. Cá nhân này sở hữu một khả năng đáng kinh ngạc là ‘tự động giải được những bài toán khó nhất’. Người ta kể rằng khi còn là một đứa trẻ bảy tuổi, và dù chưa hề có kiến thức trước đó về các quy tắc chung của số học, nhưng nhờ một số khả năng trực giác, Ý thức Bên trong, cậu vẫn có thể giải được những bài toán khó nhất mà không cần sự trợ giúp của các hình vẽ, bút chì hoặc giấy—bằng một hệ thống Số học Tình nhẩm nào đó của Ý thức Bên trong. Ngay từ độ tuổi đó, theo cách này, cậu đã có thể ngay lập tức đưa ra số phút và số giây của bất kỳ khoảng thời gian nào, và nói chính xác kết quả của phép nhân bất kỳ số nào gồm hai, ba hoặc bốn chữ số, với bất kỳ số nào khác có cùng số chữ số. Các ghi chép thời đó đưa ra nhiều ví dụ tuyệt vời về sức mạnh kỳ lạ của cậu bé, mà từ đó chúng tôi trích dẫn những điều sau đây để minh họa:

‘Tại một cuộc họp mặt bạn bè được tổ chức nhằm thống nhất những phương pháp tốt nhất để truyền bá quan điểm của cha mình, cậu bé này đã đảm nhận và khá thành công trong việc nâng dần số 8 lên lũy thừa mười sáu. Và khi gọi tên kết quả cuối cùng, con số 281.474.976.710.656, cậu bé đã đúng ở tất cả các con số. Sau đó, cậu bé được thử bằng các số khác bao gồm một chữ số, tất cả đều được cậu bé nâng lên đến lũy thừa mười, dễ dàng và nhanh chóng đến mức người được chỉ định ghi lại kết quả buộc phải ra lệnh cho cậu không được nhanh thế. Người ta hỏi cậu căn bậc hai của 106,929; và trước khi con số được viết ra, cậu đã trả lời ngay: 327. Sau đó cậu được yêu cầu gọi tên căn bậc ba của 268.336.125; và với sự dễ dàng và nhanh chóng tương tự, cậu đã trả lời: 645. Nhiều câu hỏi khác có tính chất tương tự, liên quan tới phép khai căn và lũy thừa của những con số rất lớn, đã được đề xuất, và cậu đều trả lời theo cách tương tự. Một trong những quý ông hỏi cậu có bao nhiêu phút trong bốn mươi tám năm, và trước khi câu hỏi được viết ra, cậu trả lời: 25.228.800; rồi nói thêm ngay rằng số giây trong cùng khoảng thời gian đó là 1.513.728.000. Cậu kiên trì khẳng định rằng  không biết làm thế nào mà câu trả lời lại xuất hiện trong đầu mình. Hơn nữa, cậu hoàn toàn không biết gì về các quy tắc số học thông thường, và không thể thực hiện trên giấy một phép tính đơn giản như nhân hoặc chia. Khi rút căn và đề cập đến các thừa số của số lớn, cậu đã đưa ra câu trả lời ngay lập tức hoặc sau vài giây; trong khi điều này đòi hỏi, theo phương pháp tính toán thông thường, công việc rất khó khăn, vất vả và tốn nhiều thời gian’. Đoạn tiếp theo đặc biệt nhất đã được ghi nhận trong trường hợp này, vì đứa trẻ được dạy thực hiện các phép tính toán học theo quy tắc và theo cách thông thường, nên khả năng tuyệt vời của cậu suy giảm, và cuối cùng nó không hơn gì một đứa trẻ được rèn luyện tốt thông thường, xét về mặt toán học.

Trường hợp của nghệ sĩ piano Tôm Mù (Blind Tom) cũng là một minh họa cho ‘suy nghĩ tự động’, vì con người mù lòa tội nghiệp này – nhưng chỉ hơn mức ngu ngốc một chút xét về mặt kiến thức thông thường – sở hữu một thứ gì đó trong Ý thức Bên trong của mình, cho phép anh chơi bất kỳ bản nhạc nào mà anh từng nghe, thậm chí từ nhiều năm trước, với khả năng tái tạo hoàn hảo các chi tiết; cũng như ứng tác những giai điệu và hòa âm tuyệt vời. Có điều gì đó đã hoạt động trên các tầng Ý thức Bên trong trong tâm trí của người đàn ông da đen đáng thương này - như thể để cho một thế giới đầy nghi ngờ và duy vật thấy những khả năng của tâm trí và tâm hồn con người trong các giai đoạn ẩn giấu của nó.

Nghệ sĩ piano và nhà soạn nhạc người Mỹ 
Thomas Wiggins 'Tôm Mù' (1849 – 1908).

Khi xem xét những trường hợp trên và nhiều trường hợp tương tự khác, bạn có còn nghi ngờ rằng có những tầng hoạt động tinh thần, nằm bên ngoài ý thức thông thường, mà trên đó, công việc tinh thần có thể được thực hiện và được thực hiện một cách kỳ diệu? Ngay cả khi kinh nghiệm của hầu hết mọi người không cung cấp được bằng chứng, chắc chắn các trường hợp được ghi lại sẽ đặt vấn đề lên trên mức độ nghi ngờ. Thế nhưng, tinh thần Nghi ngờ mạnh mẽ đến mức nhiều người sẽ nói: ‘Đúng, nhưng—!’


 StarGate dịch từ cuốn 
Ý thức bên trong (The Inner Consciousness) 

Tác giả William Walker Atkins  


No comments:

Post a Comment