Friday, May 3, 2024

CL. TBCN #7 Chương 3: Những bước tiến tới Tâm linh (Phần 1) - Thế giới tâm linh không đồng nghĩa với thế giới vô hình


 CHƯƠNG 3 - NHỮNG BƯỚC TIẾN TỚI TÂM LINH (Phần 1) 
Thế giới tâm linh không đồng nghĩa với thế giới vô hình

Trước hết, khi quan tâm một cách khoa học đến việc nghiên cứu thế giới tâm linh, cần nhận thấy rằng những gì chúng ta nói đến như là thế giới tâm linh không nhất thiết đồng nghĩa với thế giới vô hình. Và ở đây chúng ta khám phá ra một trong những trở ngại chính cho sự tiến bộ tâm linh; nghĩa là, trong quá nhiều trường hợp, chúng ta đã coi các thuật ngữ ‘tâm linh’ và ‘vô hình’ là đồng nghĩa, và từ đó kết luận rằng trải nghiệm trong thế giới vô hình cũng là một trải nghiệm tâm linh, hoặc tiến bộ đạt được trong hiểu biết của chúng ta về điều vô hình cũng có nghĩa là sự cải thiện hiểu biết của chúng ta về tâm linh. 

Tuy nhiên, thực tế là hai thuật ngữ này không đồng nghĩa với nhau: cái vô hình không nhất thiết chứa đựng nhiều nội dung tâm linh hơn cái hữu hình; nhưng bất cứ khi nào chúng ta hành động trong niềm tin rằng cái vô hình đồng nghĩa với tâm linh, chúng ta rất có khả năng chuyển sự chú ý của mình khỏi tâm linh, thay vì đi vào những nhận thức cao hơn về tâm linh.

Trước tiên, chúng ta phải bắt đầu nghiên cứu này bằng cách hiểu rằng cái gọi là thế giới vô hình chỉ là một phần mở rộng của thế giới hữu hình; và do đó những gì chúng ta gọi là vũ trụ vô hình chỉ đơn giản là những yếu tố và lực được tìm thấy trong vũ trụ vật chất, biểu hiện ở những mức độ rung động cao hơn.

Để minh họa, chúng ta có thể dùng lực ánh sáng, được biểu hiện ở dạng hữu hình thông qua một số mức độ rung động nhất định, nhưng cũng biểu hiện ở một số mức độ rung động cao hơn, được gọi là quãng tám ánh sáng cao hơn; nhưng sự khác biệt duy nhất giữa ánh sáng nhìn thấy được và ánh sáng ở quãng tám cao hơn là rung động của cái sau nhanh hơn của cái trước. Vì vậy, chúng ta không thể nói những tia sáng vô hình là tâm linh, cũng hệt như không thể nói những tia sáng hữu hình là tâm linh. Sự khác biệt duy nhất giữa cái hữu hình và cái vô hình là vấn đề tốc độ rung động.

Chúng ta được bao quanh tứ phía bởi các yếu tố thuần túy vật chất, nhưng lại vô hình đối với giác quan vật lý, bầu khí quyển là một ví dụ;  nhưng chúng ta đã biết, qua các thí nghiệm, rằng cũng có những bầu khí quyển tinh tế hơn, tinh tế và có thang rung động cao đến mức không thể phân biệt được bằng bất kỳ giác quan vật lý nào của chúng ta. Tuy nhiên, những bầu khí quyển ở mức độ tinh tế hơn đó không nhất thiết mang tính tâm linh chỉ vì chúng vượt quá khả năng nhận biết của giác quan vật lý.

Chúng ta có thể phân tích toàn bộ vũ trụ hữu hình theo cách tương tự, và tìm thấy trong mọi trường hợp rằng các lực và yếu tố biểu hiện trong vũ trụ vật chất có thể và thực sự biểu hiện thông qua các mức độ biểu hiện cao hơn và tinh tế hơn, ở quy mô cao nhất có thể mà chúng ta muốn; nhưng không có trường hợp nào cái gọi là những biểu hiện cao hơn của lực hoặc chất lại mang tính tâm linh hơn những biểu hiện của lực và chất mà chúng ta có thể cảm nhận, cân và đo lường trên tầng vật chất.

Lý do cho điều này nằm ở chỗ tâm linh là một cái gì đó hoàn toàn khác với sự biểu đạt đơn thuần của sự sống (life), lực (force), chất (substance) hay sức mạnh (power) ở bất kỳ tầng (plane) nào, bất kể tầng đó có thể cao, tinh tế hay tuyệt vời đến đâu.

Chúng ta có thể minh họa nguyên tắc này bằng cách so sánh hai con người, một người rất thô thiển tong biểu hiện và ngoại hình, trong khi người kia rất tinh tế và phát triển cao về tâm trí và nhân cách; nhưng điều này không chứng minh rằng một nhân cách tinh tế nhất thiết phải có tính tâm linh cao hơn một nhân cách thô thiển, mặc dù nếu một người tinh tế đi vào con đường phát triển tâm linh, họ sẽ tiến tới những đỉnh cao tâm linh nhanh hơn nhiều so với một người vẫn còn thiếu sự tinh tế trong nhân cách, tư duy và trí tuệ.

Bạn có thể xem xét theo cách tương tự hai dạng trí tuệ (intellect) khác nhau, một dạng đã phát triển ở mức độ rất cao về mặt trí tuệ, trong khi dạng kia rõ ràng là chưa phát triển trong thế giới trí tuệ; nhưng một lần nữa, một trí tuệ có trình độ phát triển cao không nhất thiết sẽ đánh giá cao tâm linh, hay thậm chí đạo đức cũng không tốt hơn một trí tuệ thiếu sự phát triển trí tuệ thuần túy. Nhưng cũng như trong ví dụ trước, liên quan đến khả năng phát triển tâm linh, cũng xảy ra tương tự; nghĩa là, trí tuệ càng tinh tế thì tâm trí càng có thể phát triển nhanh hơn về mọi mặt, thậm chí cả về mặt tâm linh, nếu sự phát triển đó được thực hiện.

Tuy nhiên, chúng ta biết rằng rất nhiều người tài trí cao hoàn toàn thiếu hiểu biết về tâm linh và ý thức vũ trụ; mặc dù tâm trí của họ rất tuyệt vời trong thế giới tri thức, nhưng thực tế họ lại đui mù khi liên quan tới những điều tâm linh. Mặt khác, chúng ta thấy rất nhiều người không phát triển về mặt trí tuệ nhưng có thể có một mức độ hiểu biết cao nhất định về tâm linh. Tuy nhiên, điều này không chứng tỏ rằng trí tuệ là trở ngại cho sự phát triển tâm linh. Ngược lại, nó là điều thiết yếu quan trọng nhất, nếu chúng ta thực hiện sự phát triển tâm linh một cách nghiêm túc. Nhưng, khi biết tất cả những điều này, chúng ta nhận ra rằng trí tuệ, cho dù nó có tinh tế hay tuyệt vời đến đâu, bản thân nó không cấu thành tâm linh.

Sự thật là một cá nhân có thể phát triển một cách tuyệt vời về nhân cách, tâm trí, tài năng, thiên tài cũng như mọi yếu tố và phẩm chất cao hơn và tinh tế hơn của cuộc sống, tuy nhiên lại hoàn toàn không ý thức được khía cạnh tâm linh của cuộc sống.

Theo cách tương tự, một cá nhân có thể phát triển cao trong cái gọi là thế giới ngoại cảm (psychic) và thực sự làm chủ tất cả các khía cạnh của giác quan thứ sáu, nhờ đó có khả năng nhìn vào thế giới vô hình như thể nó là một cuốn sách mở, tuy nhiên lại hoàn toàn vô thức về thế giới tâm linh và không có chút phát triển tâm linh nào.

Tất cả những sự kiện này chứng tỏ rằng những gì chúng ta nói đến như cái cao hơn, cái tinh tế hơn hay cái vô hình, không tạo ra hay cấu thành nên tâm linh. Sự thật là chúng ta có thể đạt đến những trạng thái thành tựu cao nhất trong cái gọi là vũ trụ vô hình mà không tiến thêm một bước nào vào thế giới tâm linh. Và chúng ta hiểu ra lý do tại sao khi nhận ra rằng tâm linh là một cái gì đó hoàn toàn khác với bất cứ thứ gì xuất hiện ở bất kỳ đâu trong vũ trụ biểu đạt, bất kể hiện tượng đó có biểu hiện cao đến đâu.

Bất kể sự phát triển của chúng ta đi theo hướng nào, chúng ta phải bổ sung điều gì đó hoàn toàn khác nếu chúng ta mong muốn tâm linh, hoặc nếu chúng ta mong muốn bước vào thế giới tâm linh. Trong nhiều trường hợp, điều gì đó khác xuất hiện trong những tâm trí chưa tinh tế và cũng chưa phát triển; nhưng những tâm trí thiếu sự tinh tế và phát triển thì không thể tiến xa vào tâm linh; vì vậy chúng ta nên coi đó là một lợi thế để tiếp tục phát triển bản thân theo mọi hướng, khi mục tiêu là đạt được những thành tựu tâm linh cao hơn.

Chúng ta có thể biết đôi điều về tâm linh mà chưa cần tiến quá xa trong việc phát triển trí tuệ, nhân cách, cuộc sống hay tính cách; nhưng càng tiến xa trong quá trình phát triển nhân cách, cuộc sống, trí tuệ và tính cách thì chúng ta càng có thể vươn cao hơn trong sự phát triển tâm linh, nếu chúng ta tìm được chìa khóa dẫn vào thế giới tâm linh.

Nhưng trong mọi trường hợp, chúng ta phải có chiếc chìa khóa này; bởi vì nếu chúng ta không có chìa khóa vào thế giới tâm linh, chúng ta sẽ không tìm thấy tâm linh, cho dù chúng ta có thể phát triển tuyệt vời đến đâu về mọi lĩnh vực khác, kể cả sự hiểu biết về vũ trụ vô hình.

Ở khắp mọi nơi, chúng ta đều thấy những người nghiên cứu về điều vô hình, nghĩ rằng thông qua nguồn này, họ có thể đạt được kiến thức tuyệt đối về cuộc sống, và bằng cách đó tìm ra giải pháp thực sự cho mọi vấn đề của cuộc sống. Nhưng ở đây chúng ta phải nhớ lại một lần nữa rằng cái gọi là vũ trụ vô hình không hề chứa đựng điều bí mật, bởi vì cái vô hình cũng như cái hữu hình chỉ đơn thuần là một kết quả. Nguyên nhân của mọi biểu hiện chỉ được tìm thấy ở cái bên trong vĩ đại của thế giới tâm linh. Bạn sẽ không tiến gần hơn đến nguyên tắc thực sự của sự sống hay trí tuệ bằng cách tiếp tục nghiên cứu về cái gọi là lực và yếu tố vô hình của cuộc sống, bạn cũng sẽ không nhận thức được sâu sắc hơn về sự hiện diện của Đấng Vô hạn thông qua sự phát triển theo những con đường vô hình này.

Lý do là trong mọi trường hợp, bạn sẽ chỉ làm việc với cái biểu hiện; và bạn sẽ không bước vào điều gì đó kỳ diệu tồn tại đằng sau sự biểu hiện cho đến khi bạn bước vào ý thức thực sự của thế giới tâm linh. Sức mạnh của tâm linh chỉ được tìm thấy trong thế giới tâm linh, và nó không thể được tìm thấy trong vật chất hay lực, cho dù vật chất, chất hoặc lực có thể biểu hiện ở thế giới vô hình cao đến đâu.

Để tìm thấy linh hồn của sự vật, chúng ta phải đi vào linh hồn của sự vật; và chúng ta đi vào linh hồn của sự vật chỉ khi chúng ta ý thức được thế giới tâm linh, thế giới của thực tại, nguyên lý và sự sống tồn tại trong toàn bộ vũ trụ, nhưng không xuất hiện dưới dạng riêng biệt ở bất kỳ đâu trong thế giới biểu hiện.

Chúng ta cũng nhận ra rằng chúng ta chỉ có thể hiểu được nguyên nhân khi đi vào ý thức về nguyên nhân; nhưng ở đây cần nhớ rằng nguyên nhân không tồn trong cái vô hình cũng như trong cái hữu hình. Ngược lại, nguyên nhân tồn tại đằng sau cái vô hình cũng như đằng sau cái hữu hình, cả hai sự tồn tại này, trong mọi hoàn cảnh, chỉ đơn thuần là kết quả của Nguyên nhân Thực sự của mọi thứ, vốn chỉ có thể tìm thấy trong thế giới tâm linh.

Do đó, rõ ràng là chúng ta không thể hiểu được thế giới tâm linh chỉ bằng cách nghiên cứu những điều vô hình. Chúng ta phải chuyển sự chú ý của mình sang hướng khác; và khi làm vậy, chúng ta sẽ thấy rằng bên trong chất hữu hình cũng có nhiều linh hồn như bên trong chất vô hình; và ngoài ra, chúng ta sẽ thấy sức mạnh của linh hồn được biểu hiện đầy đủ trong lực hữu hình cũng như trong lực vô hình, mặc dù đôi khi người ta thấy mức độ lớn hơn của sức mạnh này thể hiện ở những cấp độ cao hơn của sự sống vô hình, sự khác biệt ở đó sẽ không phải về mặt thể loại mà về số lượng. 

Khi xem xét chủ đề từ góc nhìn đúng đắn về cuộc sống này, một cách tự nhiên chúng ta sẽ tự hỏi liệu mình thực sự biết gì về thế giới tâm linh. Đúng là chúng ta biết rất nhiều về thế giới vô hình. Khoa học hiện đại giúp con người có thể nhận được thông tin trực tiếp về những gì chúng ta nói đến như những điều vô hình. Chúng ta cũng có thể đo những rung động cao hơn của âm thanh mà tai vật lý không thể nghe được nếu không có sự trợ giúp. Theo cách tương tự, chúng ta có thể phát hiện các chất và yếu tố cao hơn trên cấp độ biểu hiện, những yếu tố có vẻ như không nhận biết được đối với giác quan vật lý, nhưng lại được chứng minh thông qua các thí nghiệm là cũng nhận biết được như tảng đá rắn mà tất cả chúng ta đều quen thuộc. 

Chúng ta đang khám phá những điều chưa biết trong mọi thực tại của vũ trụ vô hình, và tìm thấy những sự thật và thông tin có giá trị vô giá; nhưng thông tin này hoàn toàn không cung cấp cho chúng ta điều gì về thế giới tâm linh, lý do đã được chứng minh một cách thuyết phục qua phân tích trước đây của chúng ta. Một nhà khoa học có thể sử dụng Tia-X và Tia-N, cũng như bất kỳ số tia sáng cao hơn và tinh tế hơn nào, hiểu chúng một cách hoàn hảo, hiểu các quy luật mà chúng biểu hiện, nhưng sức mạnh này không khiến họ trở nên tâm linh.

Nhà khoa học huyền bí có thể có khả năng nhận biết một số lực tinh tế nhất trong thế giới vô hình và có thể phát hiện được qua giác quan thứ sáu tất cả các loại biểu hiện và phương thức sống trên các tầng (plane) cao hơn; nhưng điều này không làm cho họ trở nên tâm linh và không mang lại cho họ chút hiểu biết bổ sung nào về thế giới tâm linh. Trong nhiều trường hợp, cái gọi là kiến thức cao hơn về những thứ vô hình này, đôi khi trở thành một trở ngại cho sự hiểu biết tâm linh thực sự trong một thời gian, bởi vì một người có thể tưởng tượng trong một thời gian rằng mình đã tìm ra được bí mật thực sự của những điều tâm linh nhờ kiến thức về những thứ vô hình.

Điều tương tự cũng có thể đúng với nhà khoa học vật lý. Họ có thể trở nên say mê với khả năng thâm nhập vào cái chưa biết bằng những công cụ tuyệt vời của mình, đến mức họ có thể trong một thời gian tưởng tượng rằng cái chưa biết không gì khác hơn là một phần mở rộng của cái đã biết, và rằng xét cho cùng thì tất cả đều là lực và vật chất, biểu hiện dưới những cấp độ rung động khác nhau. Họ định nghĩa cái vô hình, hay cái chưa biết, đơn giản là những rung động nhanh hơn của lực và vật chất; nhưng, theo suy nghĩ của họ, tất cả chỉ là lực và vật chất; và do đó, trong quan niệm của mình về sự vật, họ vẫn duy vật như trước đây.

Chúng ta nhận thấy rằng kiến thức về mọi mặt về lâu dài sẽ tỏ ra có lợi, cả về khả năng làm chủ cái hữu hình và cái vô hình cũng như khả năng nhận ra tâm linh của chúng ta. Tuy nhiên, như đã nói trước đây, chúng ta phải tìm ra chìa khóa của thế giới tâm linh trước khi có thể bước vào thế giới đó; tuy nhiên, chìa khóa đó không thể được tìm thấy đơn giản thông qua kiến thức về các yếu tố hoặc lực hữu hình hoặc vô hình. Chúng ta phải tìm kiếm theo một hướng hoàn toàn khác.


StarGate dịch từ cuốn 
Những bước tiến bộ của con người
(Steps in human progress) 
 

Tác giả Christian D. Larson  


No comments:

Post a Comment