Kẻ cố tình buộc tội người khác, giống như tay súng bắn tỉa, bắn trúng tim người kia và hân hoan nhìn kẻ thù gục ngã. Một lời buộc tội vô căn cứ có sức tàn phá mạnh. Nó có thể giết chết một người tận tâm, có trái tim ấm áp. Trong mọi cuộc cãi vã gia đình, kết tội là vũ khí giết người phổ biến.
Người tự mình không cảm thấy có lỗi sẽ không bao giờ kết tội người khác. Người kết tội mạnh mẽ nhất là người mang cảm giác có lỗi nhiều nhất. Nỗi sợ bị buộc tội khiến người ta phải chủ động công kích. Người đi kết tội không biết rằng anh ta sẽ nhận được gấp đôi cho mỗi hành động của mình.
Hệ thống tư pháp nhà nước cũng được xây dựng dựa trên cơ sở sự buộc tội được cân nhắc kỹ lưỡng và có trọng lượng. Nếu một người mang theo từ những kiếp trước cảm giác tội lỗi to lớn, thì tại tòa người ta có thể dễ dàng buộc tội anh ta ngay cả khi người này không có tội. Vậy thì ai có lỗi trong sự bất hạnh này? Nạn nhân (tự mình không hề hay biết), bằng cảm giác tội lỗi, đã tự hút về mình những bất hạnh, và thẩm phán (cũng không hề hay biết) đã cho anh ta một bài học nhớ đời.
Vì vậy hãy giải phóng cảm giác tội lỗi của mình, khi đó bạn sẽ không bị lên án và bản thân bạn cũng sẽ không kết tội ai cả. Không bao giờ và không ở đâu.
Tại tòa, công tố viên đảm nhận công việc khó khăn nhất. Nếu tính khách quan không thiên vị của người này bị ảnh hưởng bởi cảm xúc thì việc xét xử sẽ bị đảo lộn. Cả tội phạm và quan tòa đều bị ảnh hưởng. Ai thừa nhận sai lầm của mình sẽ nhận được hình phạt nhẹ hơn. Ai thành thật với chính mình sẽ nhận được hình phạt nhẹ nhất, có thể không nhận thấy ở bên ngoài, cần hiểu rằng chúng ta sống trước hết là vì bản thân mình.
Sự buộc tội cũng có thể diễn ra theo cách khác. Ví dụ, một người bị ngã và bị thương nặng hoặc bị chó tới cắn. Người đồng cảm và tỏ lòng trắc ẩn với nạn nhân không biết rằng bất hạnh này được gọi tới bởi sự tức giận, và họ bắt đầu than thở: ‘Ôi, bác thật tội nghiệp và bất hạnh, họ đã làm gì bác vậy! Lẽ ra người ta phải sửa đường và xích chó lại. Chẳng ai quan tâm tới người già. Vâng, và tôi cũng chẳng dễ dàng gì…’.
Tiếng than khóc kéo dài hàng giờ này cũng chỉ là cuộc truy tìm thủ phạm. Mọi người đều đáng trách, chỉ mỗi nạn nhân là không. Một khi tất cả đều có lỗi thì sự đồng thuận tuyệt đối sẽ có đó. Nhưng chỉ cần buông lời: ‘Mà sao bác lại không cẩn thận cơ chứ?’, thì lập tức sự phản đối sẽ diễn ra và tình bằng hữu mới đây có thể kết thúc bằng một cuộc cãi vã.
Nếu mọi chuyện chưa dẫn đến cãi lộn thì người ta cũng bắt đầu nhìn xéo nhau, coi nhau là vô tình, không thấu hiểu hoặc nghiệt ngã.
Một người đang ở trong trạng thái kích động sẽ bị kích thích bởi những âm thanh nhỏ nhất, từ một mảnh giấy bị gió cuốn đi, từ tiếng vo ve của chú ruồi hoặc từ một giai điệu không ưa thích, hay vì chuyện một đồ vật sao lại nằm chỗ này, hay ngược lại sao không nằm ở đây. Có vô vàn kiểu cách. Căng thẳng có xu hướng tích tụ như một trận tuyết lở, và sau đó bạn chẳng thể hiểu chuyện gì với chuyện gì nữa.
***
Có ích gì việc khám tim tổng thể và kết luận một người là khỏe mạnh, nếu sau vài ngày, vài tuần hay vài tháng người ấy lên cơn đau tim?
Căn bệnh này bị thu hút bởi nỗi sợ bị kết tội. Nếu một người trong sâu thẳm tâm hồn tự biện minh cho bản thân, nếu anh ta tìm kiếm kẻ có tội và tưới đẫm họ bằng sự khinh bỉ, nếu anh ta tìm kiếm trong sợ hãi một lối thoát và vẽ ra trong trí tưởng tượng những ác mộng tương lai, thì điều này sẽ dẫn đến hủy diệt.
Cảm giác có lỗi bằng cách này hay cách khác sẽ dẫn đến bệnh tim. Ban đầu chỉ là sự mệt mỏi, muốn được nghỉ ngơi nhiều hơn, vậy mà như để trêu ngươi công việc lại ngập đầu. Sau đó xuất hiện thêm cảm giác nặng nề trong lồng ngực, nhưng họ không để ý đến điều này mà mở toang cửa sổ để hít thở không khí trong lành, than phiền về những nguồn gây ô nhiễm không khí. Họ dần quen với cảm giác nặng nề - vì có đau đâu. Không ai thấy rằng một trái tim như vậy đã làm việc với năng suất kém hơn.
Một người như vậy không còn có thể làm nhiều điều tốt như anh ta muốn nữa. Anh ta không hài lòng với chính mình, vì không còn có thể phục vụ gia đình và xã hội một cách đầy đủ nhất. Sự buộc tội âm thầm tăng lên, tạo cớ để kết tội những người khác. Sức lực tiếp tục tan rã.
Con người bắt đầu lên dây cót cho bản thân, bận rộn, vội vàng, làm thêm giờ. Lúc đầu, tình hình có vẻ thay đổi, nhưng đó chỉ là vẻ ngoài.
Mục đích của cuộc sống là đi đến tương lai. Những người lo sợ cho tương lai đang cố gắng ngay bây giờ đạt được nhiều nhất và nhanh nhất có thể. Nỗi sợ hãi ‘mình không kịp’, cũng như cảm giác tội lỗi ‘mình không kịp’ gia tăng, và vào một thời điểm kịch tính, khả năng tự vệ sẽ được kích hoạt - đó là sự bướng bỉnh, sự phản kháng, sự tức giận tột cùng.
Chúng ta cần hiểu rằng mong muốn tiến lên đó trước hết là nhu cầu về mặt tinh thần. Nhu cầu vật chất chỉ là phản ánh sự vận động của tinh thần. Nếu chúng ta hiểu được bản chất của cuộc sống, tính đến những nhu cầu vật chất của cơ thể và thỏa mãn chúng một cách hợp lý, thì cuộc sống sẽ trở nên cân bằng và sự chuyển động về phía trước diễn ra nhanh chóng và dễ dàng. Thành tích sẽ gia tăng và ngày càng trở nên tối ưu. Khi đó thì cả sức khỏe của chúng ta cũng trở nên bền vững.
Nếu chúng ta mắc bệnh vì theo đuổi giá trị vật chất thì nên hiểu là cơ thể đã ra tín hiệu rằng chúng ta đang hành động sai. Cơ thể sẽ không lắng nghe bạn giải thích rằng đó là việc mà người khác muốn, người khác cần, người khác yêu cầu, còn bạn thì đang làm tốt. Nếu cơ thể bị bệnh thì có nghĩa là bạn đã làm chưa tốt.
Chúng ta không biết nghĩ sao cho đúng, làm việc sao cho đúng, chúng ta không biết cách đặt mục tiêu sao cho đúng, không biết cách sống sao cho đúng, bời vì chúng ta không biết rõ chính mình.
Mỗi linh hồn làm việc không ngừng vì những điều tốt đẹp thực sự trên phạm vi toàn cầu. Nếu một người với suy nghĩ sai lầm của mình không biết linh hồn đang làm gì, không biết rằng có sự giúp đỡ thường xuyên và chỉ cần sử dụng nó, thì anh ta sẽ nhận vào mình cảm giác tội lỗi, cảm giác này sẽ tìm cách thoát ra, cho đến khi nó lớn thành cuộc chiến khốc liệt vì cái thiện. Còn linh hồn vẫn chờ đợi và vui vẻ đề xuất một giải pháp đơn giản hơn.
Ai học được cách suy nghĩ đúng đắn sẽ không còn phải đóng vai người chăn cừu, dùng roi lùa đàn cừu nữa.
Một người khôn khéo sẽ giống như con thú đầu đàn, dẫn đầu cả bầy.
No comments:
Post a Comment