Saturday, February 24, 2024

W.A. TTCB #3 Các trung tâm thần kinh lớn

 

3. CÁC TRUNG TÂM THẦN KINH LỚN 

Các trung tâm thần kinh lớn đóng vai trò quan trọng trong việc sản sinh và thể hiện các trạng thái tinh thần lần lượt nằm ở não tủy sống.

Tủy sống

Tủy sống là sợi dây của chất thần kinh nằm trong cột sống hay ‘xương sống’. Nó đi ra từ đáy hộp sọ và kéo dài xuống bên trong cột sống khoảng 54 cm. Nó là sự tiếp nối của não, tuy nhiên, rất khó để xác định đâu là chỗ bộ phận này bắt đầu và bộ phận kia kết thúc. Nó bao gồm một khối chất xám được bao quanh bởi một lớp vỏ chất trắng. Từ tủy sống, dọc theo chiều dài của nó, xuất hiện 31 đôi dây thần kinh tủy phân nhánh ra mỗi bên của cơ thể và kết nối với nhiều dây thần kinh nhỏ hơn khác nhau, trải dài đến tất cả các bộ phận của hệ thống

Tủy sống là dây cáp trung tâm lớn của hệ thống điện tín thần kinh, và bất kỳ tổn thương hoặc tắc nghẽn nào của nó sẽ làm què quặt hoặc tê liệt các bộ phận của cơ thể mà các dây thần kinh của chúng đi vào tủy sống bên dưới chỗ bị thương hoặc tắc nghẽn. Chấn thương hoặc tắc nghẽn thuộc loại này không chỉ ức chế các tín hiệu cảm giác từ khu vực bị ảnh hưởng, mà còn ngăn chặn các xung động vận động từ não nhằm mục đích di chuyển các chi hoặc các bộ phận của cơ thể.

Hạch thần kinh (Ganglia) hay ‘Bộ não nhỏ’

Những gì được gọi là hạch thần kinh, hay những bó nhỏ xíu của các tế bào thần kinh, được tìm thấy ở nhiều phần khác nhau của hệ thần kinh, bao gồm cả các dây thần kinh tủy. Những nhóm tế bào thần kinh này đôi khi được gọi là ‘bộ não nhỏ’, và thực hiện các chức năng khá quan trọng trong cơ chế suy nghĩ và hành động. 


Trong nhiều trường hợp, hạch tủy sống nhận các tín hiệu cảm giác và phát ra các xung động vận động mà không cần khuấy động não trung ương về vấn đề này. Những hoạt động này được gọi là 'hành động thần kinh phản xạ'.

Hành động phản xạ

Cái được gọi là hành động thần kinh phản xạ là một trong những hoạt động tuyệt vời nhất của cơ chế thần kinh và tinh thần, và kiến thức về nó thường gây ngạc nhiên cho người bình thường, vì họ thường có ấn tượng rằng những hoạt động này chỉ có thể thực hiện được bởi bộ não trung ương. Có một thực tế là ngoài việc bộ não trung ương thực sự là bộ ba của ba bộ não, thì thêm vào đó, mỗi người còn có một số lượng lớn các 'bộ não nhỏ' được phân bổ trên hệ thống thần kinh của mình, tất cả mọi bộ não đều có khả năng nhận các tín hiệu cảm giác cũng như gửi các xung động vận động. Làm quen với hình thức hoạt động thần kinh-tinh thần tuyệt vời này là rất hữu ích.

Tàn tro bay vào mắt, tín hiệu đi đến hạch, một xung động vận động được gửi đi và mí mắt đóng lại. Kết quả cũng tương tự nếu một vật đến gần mắt nhưng không thực sự đi vào mắt. Trong cả hai trường hợp, người đó không nhận thức được cảm giác và xung động vận động cho đến khi xung dộng vận động đã được hoàn thành. Đây là một hành động phản xạ. Chuyển động bản năng của bàn chân bị cù là một ví dụ. Việc giật tay ra khỏi đầu điếu xì gà đang cháy hoặc bị đầu ghim đâm vào là một ví dụ nữa. Các hoạt động không tự nguyện (involuntary) và những hoạt động được gọi là vô thức (unconscious) là kết quả của hành động phản xạ.

Hơn thế nữa, thực tế là nhiều hoạt động ban đầu mang tính tự nguyện đã trở thành cái gọi là 'phản xạ thu được' hay 'thói quen vận động' nhờ các trung tâm thần kinh nhất định có thói quen gửi đi những xung động vận động nhất định để đáp lại các tín hiệu cảm giác nhất định. Những chuyển động quen thuộc trong cuộc sống của chúng ta phần lớn được thực hiện theo cách này, chẳng hạn như đi bộ, sử dụng dao nĩa, vận hành máy đánh chữ, máy móc các loại, viết chữ, v.v. Sự quằn quại của con rắn bị chặt đầu, chuyển động cơ bắp của con ếch không đầu và những động tác giãy giụa dữ dội, sự vẫy vùng và những cú nhảy vọt của con gà mất đầu là những ví dụ về hành động phản xạ. Các báo cáo y tế chỉ ra rằng trong những trường hợp bị chặt đầu, ngay cả con người cũng có thể biểu hiện hành động phản xạ tương tự trong một số trường hợp. Vì vậy, chúng ta có thể thấy rằng chúng ta có thể xúc cảm (feel)bày tỏ mong muốn (will) thông qua ‘các bộ não nhỏ’ của mình, cũng như thông qua bộ não trung ương hoặc các bộ não trung ương. Dù bản chất tâm trí là gì, chắc chắn rằng trong những quá trình này, nó sử dụng cả các phần khác của hệ thần kinh ngoài bộ não trung ương.

Ba bộ não

Cái được gọi là bộ não của con người thực ra là một bộ ba gồm ba bộ não, được gọi lần lượt là (1) hành não, (2) tiểu não (3) đại não. Nếu một người coi hoạt động tinh thần chỉ là nỗ lực trí tuệ có ý thức, thì khi đó và chỉ khi đó người này mới đúng khi coi đại não hoặc bộ não lớn là ‘bộ não’.


Hành não.— Hành não là sự mở rộng của tủy sống ở đáy não. Chức năng của nó là kiểm soát các hoạt động không tự chủ của cơ thể như hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, v.v. Theo nghĩa rộng, có thể nói các hoạt động của nó mang tính chất của hoạt động phản xạ phát triển cao và phức tạp. Điều này thể hiện chủ yếu thông qua hệ thần kinh giao cảm, làm nhiện vụ kiểm soát các chức năng quan trọng. Thông thường hành não không cần sự tham gia của đại não trong những công việc như thế này, và có thể thực hiện nhiệm vụ của mình mà không cần đến tầng ý thức thông thường.

Tiểu não.—Tiểu não, còn được gọi là ‘bộ não nhỏ’ nằm ngay phía trên hành não, và ngay dưới phần sau của đại não. Nó kết hợp bản chất của trung tâm phản xạ thuần túy ở một phía, và của ‘tâm trí thói quen’ ở phía kia. Nói tóm lại, nó chiếm vị trí nằm giữa các hoạt động của đại não và hành nào, mang đặc tính của mỗi bộ não này. Nó là cơ quan của một số phản xạ thu được quan trọng, chẳng hạn như đi bộ và nhiều chuyển động cơ bắp theo thói quen khác, lúc đầu được thu thập một cách có ý thức và sau đó trở thành thói quen. 

Một vận động viên trượt băng nghệ thuật, người đi xe đạp, người đánh máy hoặc thợ máy điêu luyện phụ thuộc vào tiểu não để có được sự dễ dàng và chắc chắn khi thực hiện các động tác của mình ‘mà không cần nghĩ đến chúng’. Có thể nói, một người sẽ không bao giờ thành thạo hoàn toàn tập hợp các vận động cơ như chúng ta đã đề cập, cho đến khi tiểu não đảm nhận nhiệm vụ và giải phóng đại não khỏi nỗ lực có ý thức. Kỹ thuật của một người sẽ không bao giờ được hoàn thiện cho đến khi tiểu não đảm nhận việc kiểm soát và chỉ đạo các vận động cần thiết và các xung động được gửi đi từ bên dưới bình diện ý thức thông thường.

Đại não.—Đại não, hay ‘bộ não lớn’ (mà người bình thường gọi là ‘bộ não’), nằm ở phần trên của hộp sọ và chiếm phần lớn hơn đáng kể trong khoang sọ. Nó được chia thành hai phần lớn hay hai bán cầu. Các chuyên gia hiện đại giỏi nhất đều đồng ý rằng đại não có các vùng hoặc khu vực hoạt động chuyên biệt, một số trong đó nhận báo cáo cảm giác từ các dây thần kinh và các cơ quan cảm giác, trong khi những vùng khác gửi các xung động vận động, dẫn đến hành động thể chất có chủ ý. Nhiều vùng hoặc khu vực đã được khoa học xác định, trong khi những vùng hay khu vực khác vẫn chưa được khám phá. Khả năng là theo thời gian khoa học sẽ thành công trong việc xác định chính xác vùng hoặc khu vực của tất cả các loại cảm giác và xung động vận động.

Vỏ não 

Vùng ý nghĩ, trí nhớ trí tưởng tượng chưa được xác định rõ ràng, ngoại trừ việc những trạng thái tinh thần này được cho là nằm ở vỏ não, hay lớp vỏ mỏng bên ngoài của chất xám não bao bọc và bao phủ khối chất não. Hơn nữa, người ta cho rằng các quá trình suy luận cao hơn có thể được thực hiện bên trong hoặc bởi vỏ não của thùy trán

Vỏ não của người có trí thông minh trung bình, nếu được trải ra một bề mặt phẳng, có kích thước khoảng 0,372 mét vuông. Mức độ thông minh mà động vật hoặc con người sở hữu càng cao, thì theo quy luật, các nếp gấp hoặc nếp cuộn của vỏ não càng sâu và nhiều hơn, và cấu trúc của nó càng mịn hơn. Có thể xem như một quy luật chung, với rất ít ngoại lệ, rằng mức độ thông minh ở động vật hoặc con người càng cao thì diện tích vỏ não của nó càng lớn so với kích thước của não. Cần nhớ rằng vỏ não được gấp lại thành các rãnh sâu hoặc các nếp cuộn, bộ não có hình dạng, cách phân chia và các nếp cuộn giống như phần bên trong của quả óc chó Anh. Phần bên trong của cả hai bán cầu đại não chủ yếu bao gồm các dây thần kinh liên kết, chắc chắn có tác dụng tạo ra và duy trì sự thống nhất về chức năng của các quá trình tinh thần. 

Mặc dù tâm lý học sinh lý đã làm rất tốt việc khám phá các trung tâm não và giải thích phần lớn cơ chế của các quá trình tinh thần, nhưng nó chỉ chạm đến những quá trình tinh thần cơ bản và đơn giản nhất. Cho đến nay, các quá trình cao hơn vẫn thách thức sự phân tích hoặc giải thích từ quan điểm sinh lý học.


StarGate dịch từ cuốn 
Tâm trí của bạn và cách sử dụng nó 
Tác giả William Walker Atkinson 

*****

Bài tiếp theo: #4 Ý thức

MỤC LỤC 

No comments:

Post a Comment