Sự thật về ý thức là bí ẩn lớn của tâm lý học. Thậm chí rất khó để định nghĩa thuật ngữ này, mặc dù mọi người bình thường đều hiểu được nó muốn truyền tải điều gì. Từ điển Webster định nghĩa nó là 'kiến thức về sự tồn tại (existance), cảm giác (sensations), hoạt động tinh thần (mental operations) của chính mình, v.v.; kiến thức (knowledge) hoặc cảm nhận (perception) tức thời về bất kỳ đối tượng, trạng thái hoặc cảm giác nào; có thể nhận biết được’.
Một chuyên gia uy tín khác định nghĩa thuật ngữ này là ‘trạng thái nhận thức được (being aware of) cảm giác (sensations) của một người; sức mạnh, khả năng hoặc trạng thái nhận thức được sự tồn tại, điều kiện hiện tại, suy nghĩ, xúc cảm (feeling) và hành động của chính mình’. Định nghĩa của Halleck là: ‘Đặc điểm không thể xác định được của các trạng thái tinh thần khiến chúng ta nhận thức được chúng’.
Chúng ta sẽ thấy rằng ý niệm ‘nhận thức’ (awareness) chính là bản chất của ý niệm ý thức (consciousness). Tuy nhiên, cuối cùng, chúng ta buộc phải thừa nhận rằng không thể định nghĩa sát sao ý thức, vì nó là một thứ hoàn toàn độc đáo và khác biệt với bất kỳ thứ gì khác đến nỗi chúng ta không có thuật ngữ nào khác đồng nghĩa với nó. Chúng ta chỉ có thể định nghĩa nó bằng những thuật ngữ riêng của nó, như sẽ thấy khi tham khảo các định nghĩa đã nêu ở trên.
Và cũng không thể giải thích rõ ràng diện mạo và bản chất của nó. Huxley đã nói rất hay: ‘Làm thế nào mà một thứ tuyệt vời như trạng thái ý thức lại phát sinh từ kết quả của việc kích thích mô thần kinh, cũng không thể giải thích được giống như sự xuất hiện của thần đèn khi Aladdin cọ vào cây đèn của mình’.
Tất cả những gì chúng ta có thể biết về bản chất của ý thức phải được nghiên cứu bằng cách hướng ý thức về chính bản thân mình trở lại với chính nó - nhờ tập trung ý thức vào các hoạt động tinh thần của chính nó thông qua tự xem xét nội tâm. Bằng cách hướng cái nhìn có ý thức vào bên trong, chúng ta có thể cảm nhận được dòng chảy của ý nghĩ từ khi nó xuất hiện ở vùng tiềm thức của tâm trí cho đến khi nó biến mất hoàn toàn ở cùng khu vực đó.
Một sai lầm phổ biến là cho rằng chúng ta trực tiếp ý thức được các đối tượng bên ngoài mình. Điều này là không thể, vì không có kiến thức trực tiếp về những đối tượng bên ngoài như vậy. Chúng ta chỉ ý thức được những cảm giác (sensations) hoặc hình ảnh tinh thần (mental images) của mình về các đối tượng bên ngoài. Tất cả những gì chúng ta có thể trực tiếp ý thức được là những trải nghiệm hoặc trạng thái tinh thần của chính chúng ta. Chúng ta không thể trực tiếp ý thức bất cứ điều gì bên ngoài tâm trí của mình.
Chúng ta không trực tiếp ý thức được cái cây mà chúng ta nhìn thấy; chúng ta chỉ trực tiếp ý thức được cảm giác của các dây thần kinh phát sinh từ tác động của sóng ánh sáng mang hình ảnh của cái cây. Chúng ta không trực tiếp ý thức được cái cây khi chạm vào nó và cảm nhận đặc tính của nó theo cách đó; chúng ta chỉ trực tiếp ý thức được cảm giác đã được gửi tới bởi các dây thần kinh ở đầu ngón tay khi tiếp xúc với cây. Chúng ta thậm chí cũng trực tiếp ý thức về cơ thể của chính mình theo cách tương tự. Điều cần thiết cho tâm trí là trải nghiệm thứ mà nó có thể sẽ ý thức được. Chúng ta chỉ ý thức được (1) điều mà tâm trí chúng ta đang trải nghiệm tại thời điểm này, hoặc (2) điều mà nó đã trải nghiệm trong quá khứ và đang được trải nghiệm lại vào thời điểm này bởi ký ức, hoặc đang được kết hợp lại hoặc sắp xếp lại tại thời điểm này bởi trí tưởng tượng.
Các tầng (planes) của tiềm thức (subconscious)
Nhưng không nên nghĩ rằng mọi trạng thái tinh thần hay sự kiện tinh thần đều nằm trong phạm vi ý thức. Lỗi này đã được phơi bày trong nhiều năm. Hiện nay người ta đã thừa nhận một thực tế là phạm vi của ý thức rất hẹp và có giới hạn, còn phạm vi rộng lớn của hoạt động tinh thần thì nằm ngoài giới hạn hạn hẹp của ý thức.
Ở bên ngoài và vượt xa phạm vi ý thức hạn hẹp là kho ký ức tiềm thức vĩ đại, trong đó lưu giữ những trải nghiệm trong quá khứ, được đưa trở lại vào phạm vi ý thức nhờ nỗ lực của ý chí trong hành động hồi tưởng, hoặc bằng sự liên tưởng trong ký ức thông thường. Cũng trong khu vực rộng lớn đó, tâm trí thể hiện nhiều hoạt động và thực hiện phần lớn công việc của nó. Trong khu vực rộng lớn này phát triển những cảm xúc (emotions) và xúc cảm (feelings), đóng vai trò hết sức quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, và thường biểu hiện ra tình trạng bất ổn mơ hồ đáng lo ngại từ rất lâu trước khi chúng lên đến tầng ý thức. Trong khu vực rộng lớn này sản sinh những ý tưởng , cảm tưởng và khái niệm (conception), sẽ vươn lên tầng ý thức và biểu hiện điều mà người ta gọi là ‘thiên tài’.
Ở tầng tiềm thức, trí tưởng tượng thực hiện phần lớn công việc của mình, và khiến chủ nhân của nó ngạc nhiên khi mang đến cho người này kết quả đạt được tại tầng ý thức. Trong phạm vi tiềm thức diễn ra quá trình nhai, tiêu hóa và đồng hóa đặc biệt trong tâm trí, rất quen thuộc với tất cả những người hoạt động trí óc, và quá trình này hấp thụ nguyên liệu tinh thần thô được cung cấp, tách rời, tiêu hóa và đồng hóa nó, rồi sau đó trình bày lại với các năng lực ý thức dưới dạng một chất đã được biến đổi. Người ta ước tính rằng ít nhất 85% hoạt động tinh thần của chúng ta được thực hiện bên dưới hoặc bên ngoài phạm vi ý thức. Tâm lý học ngày nay rất quan tâm tới khu vực hoặc các khu vực rộng lớn này của tâm trí mà trước đây đã bị bỏ quên. Tâm lý học của ngày mai sẽ còn quan tâm nhiều hơn tới điều đó.
Những người giỏi nhất trong số các chuyên gia hiện đại đều đồng ý rằng trong lĩnh vực rộng lớn của trạng thái tâm lý tiềm thức, có thể tìm ra lời giải thích cho nhiều điều không thể giải thích được bằng cách khác. Trên thực tế, có thể không lâu nữa ý thức sẽ được coi là sự tập trung chú ý đơn thuần vào các trạng thái tinh thần, và đối tượng của ý thức chỉ đơn thuần là phần nội dung của tâm trí trong lĩnh vực hình ảnh tinh thần được tạo ra bởi sự tập trung đó.
*****
Bài tiếp theo: #5 Sự chú ý
No comments:
Post a Comment