Sunday, February 25, 2024

W.A. TTCB #5 Sự chú ý (attention)


5. SỰ CHÚ Ý 

Liên quan mật thiết đến đối tượng của ý thức là quá trình của tâm trí mà chúng ta gọi là ‘sự chú ý’. Sự chú ý thường được định nghĩa là ‘ứng dụng của tâm trí vào trạng thái tinh thần’. Nó thường được gọi là ‘ý thức được tập trung’, nhưng một số người đã mạo hiểm đưa ra giả thuyết có phần táo bạo rằng bản thân ý thức là kết quả của sự chú ý, chứ không phải sự chú ý là sự kiện của ý thức.

Chúng tôi sẽ không tìm cách thảo luận câu hỏi này ở đây, mà chỉ nói rằng ý thức phụ thuộc rất nhiều vào mức độ chú ý dành cho đối tượng của nó. Các chuyên gia rất coi trọng việc định hướng sự chú ý một cách hợp lý, và tin rằng nếu không có điều này thì không thể đạt được những dạng kiến thức cao hơn.

Người ta thường tin rằng chúng ta xúc cảm (feel), nhìn, nghe, nếm hoặc ngửi bất cứ khi nào các vật thể ảnh hưởng đến các giác quan này tiếp xúc với các cơ quan cảm giác điều khiển chúng. Nhưng đây chỉ là một phần sự thật. Sự thật thực sự là chúng ta chỉ ý thức được thông điệp của những giác quan này khi sự chú ý hướng đến cảm giác đó, một cách tự nguyện hoặc không tự nguyện. Điều đó có nghĩa là, trong nhiều trường hợp, mặc dù các dây thần kinh giác quan và các cơ quan báo hiệu có sự xáo trộn, nhưng tâm trí không nhận thức được thông điệp, nếu như sự chú ý không được hướng tới nó bằng hành động ý chí hoặc bằng hành động phản xạ.

Chẳng hạn, đồng hồ có thể điểm chuông rất to, nhưng chúng ta có thể không ý thức được sự việc đó, vì chúng ta đang tập trung sự chú ý vào một cuốn sách; hoặc chúng ta có thể ăn món ngon nhất mà không cảm nhận được vị của nó, vì chúng ta đang chăm chú lắng nghe cuộc trò chuyện của người hàng xóm duyên dáng. Chúng ta có thể không nhận thấy một điều gì đó đáng kinh ngạc đang diễn ra ngay dưới mắt mình, vì chúng ta đang chìm đắm trong ý nghĩ sâu xa về một điều gì đó khác xa với khung cảnh hiện tại.

Nhiều trường hợp được ghi lại cho thấy một người có thể quá quan tâm đến việc nói, suy nghĩ hoặc hành động đến mức sẽ không cảm thấy cái đau mà lẽ ra là không thể chịu đựng được. Các nhà văn đã quên đi nỗi đau khi dành sự quan tâm cao độ cho tác phẩm của mình; các bà mẹ không cảm thấy đau đớn khi con mình cần được chăm sóc khẩn cấp; các diễn giả bị cuốn hút bởi tài hùng biện của chính mình đến mức không cảm nhận được mũi châm của kim nhọn mà bạn bè dùng để thu hút sự chú ý của họ. Không chỉ cảm nhận (perception) và xúc cảm (feeling) phụ thuộc rất nhiều vào sự chú ý, mà các quá trình lý luận (reasoning), trí nhớ (memory) và thậm chí cả ý chí (will) cũng phụ thuộc vào sự chú ý cho phần lớn các biểu hiện của mình.

Các nhà tâm lý học chia sự chú ý thành hai loại chung, đó là: (1) sự chú ý có chủ ý và (2) sự chú ý không chủ ý.

Chú ý có chủ ý là sự chú ý do ý chí hướng tới một đối tượng nào đó mà chúng ta ít nhiều đã lựa chọn có chủ ý. Cần có một nỗ lực ý chí rõ rệt để tập trung sự chú ý theo cách này, và nhiều người hầu như không nhận thức được sự tồn tại của nó, nên họ hiếm khi thể hiện nó. Chú ý có chủ ý là kết quả của quá trình rèn luyện và thực hành, và là đặc điểm của một người có ý chí, sự tập trung và tính cách mạnh mẽ. Một số chuyên gia còn đi xa hơn khi nói rằng phần lớn cái thường được gọi là ‘sức mạnh ý chí’ thực ra chỉ là một hình thức phát triển của sự chú ý có chủ ý, người có ‘ý chí mạnh mẽ’ giữ trước mình ý tưởng duy nhất mà anh ta mong muốn hiện thực hóa.

Chú ý không chủ ý, thường được gọi là ‘sự chú ý phản xạ’, là sự chú ý được tạo ra bởi phản ứng thần kinh đối với một số kích thích giác quan. Đây là hình thức chú ý thông thường và cũng là hình thức được biểu hiện mạnh mẽ ở trẻ em, các bé bị thu hút chú ý bởi mọi đồ vật mới, nhưng không thể giữ được sự chú ý đó lâu bởi một đồ vật quen thuộc hoặc không thú vị. 

Điều hết sức quan trọng là mọi người cần trau dồi khả năng chú ý có chủ ý của mình. Bằng cách này, không chỉ sức mạnh ý chí được củng cố và phát triển, mà mọi khả năng tinh thần cũng được phát triển vì lý do này. Việc rèn luyện khả năng chú ý có chủ ý là bước đầu tiên trong quá trình phát triển tinh thần.

Rèn luyện sự chú ý

Quan niệm rằng sự chú ý có chủ ý có thể được rèn luyện và phát triển với chủ tâm là một thực tế mà nhiều vĩ nhân của thế giới đã tự mình chứng minh. Chỉ có một cách để rèn luyện và phát triển bất kỳ sức mạnh tinh thần nào của tài năng – đó là thông qua thực hành và sử dụng.

Bằng thực hành, sự quan tâm có thể được dành cho những đối tượng trước đây không gây hứng thú, và do đó việc sử dụng sự chú ý sẽ phát triển mối quan tâm khiến nó tiếp tục được duy trì. Sự quan tâm là con đường tự nhiên mà trên đó sự chú ý có thể di chuyển dễ dàng, nhưng bản thân sự quan tâm có thể được tạo ra bởi sự chú ý tập trung. Bằng cách nghiên cứu và khám phá một đối tượng, sự chú ý sẽ làm sáng tỏ nhiều đặc điểm mới và lạ liên quan đến đối tượng đó, và những đặc điểm này tạo ra một mối quan tâm mới, về phần mình lại thu hút sự chú ý lớn hơn và liên tục.

Không có con đường hoàng gia cho sự phát triển của sự chú ý có chủ ý. Phương pháp đúng đắn duy nhất là làm, thực hành sử dụng. Bạn phải thực hành trên những điều không thú vị, mối quan tâm hàng đầu là mong muốn phát triển khả năng chú ý có chủ ý của bạn. Nhưng khi bạn bắt đầu làm điều gì đó không thú vị bạn trở nên hứng thú với công việc vì chính nó. Hãy lấy một đối tượng nào đó và ‘đặt tâm trí bạn vào nó’. Hãy nghĩ về bản chất của nó, nguồn gốc của nó, công dụng của nó, các mối liên hệ của nó, tương lai có thể xảy ra của nó, những thứ liên quan đến nó, v.v., v.v. Hãy dồn sự chú ý hướng vào nó, và loại bỏ mọi ý tưởng không liên quan. Thế rồi, sau một chút thời gian thực hành kiểu này, tạm thời đặt đối tượng sang một bên, và tiếp tục thực hiện vào ngày hôm sau, cố gắng khám phá những điểm thú vị mới trong đó. 

Điều quan trọng nhất cần đạt được là ghi nhớ sự việc đó trong tâm trí bạn, và điều này chỉ có thể thực hiện bằng cách khám phá những đặc điểm thú vị trong đó. Sự chú ý ưa-điều-thú-vị lúc đầu có thể chống lại nhiệm vụ này, và sẽ tìm cách rời khỏi con đường để đến những đồng cỏ xanh tươi hai bên đường. Nhưng bạn phải đưa tâm trí trở lại với nhiệm vụ đó, hết lần này đến lần khác. Sau một thời gian, tâm trí sẽ quen với việc tập luyện, và thậm chí sẽ bắt đầu thích thú nó. 

Thêm sự đa dạng cho nó bằng cách thỉnh thoảng lại thay đổi đối tượng tìm hiểu. Đối tượng không nhất thiết phải luôn là cái gì đó để nhìn. Thay vào đó, hãy chọn một chủ đề nào đó trong lịch sử hoặc văn học, và ‘lướt qua nó’, cố gắng làm sáng tỏ tất cả các sự kiện có thể có về nó. 

Bất kỳ điều gì cũng có thể được sử dụng làm chủ đề hoặc đối tượng tìm hiểu của bạn; nhưng những gì được chọn phải được giữ chắc chắn và cố định trong phạm vi chú ý có ý thức. Thói quen này một khi đã hình thành, bạn sẽ thấy việc thực hành rất thú vị. Bạn sẽ phát minh ra các chủ đề hoặc đối tượng mới để tìm hiểu, điều tra và tư duy, những điều này bản thân chúng sẽ hoàn trả xứng đáng cho công sức và thời gian của bạn. Nhưng đừng bao giờ quên điểm chính - phát triển khả năng chú ý có chủ ý.

Khi nghiên cứu các phương pháp phát triển và rèn luyện sự chú ý có chủ ý, học viên nên nhớ rằng bất kỳ bài tập nào phát triển ý chí đều sẽ dẫn đến việc phát triển sự chú ý; và tương tự như vậy, bất kỳ bài tập nào phát triển sự chú ý có chủ ý cũng sẽ có xu hướng củng cố ý chí. Ý chí và sự chú ý liên quan chặt chẽ với nhau đến nỗi điều gì ảnh hưởng đến cái này cũng ảnh hưởng đến cái kia. Cần ghi nhớ điều này cũng như các bài tập và thực hành dựa trên nó.

Khi thực hành tập trung sự chú ý có chủ ý, cần nhớ rằng sự tập trung không chỉ bao gồm việc tập trung sự chú ý vào một đối tượng hoặc chủ đề nhất định, mà còn cả việc loại bỏ ấn tượng từ các đối tượng hoặc chủ đề khác. Một số chuyên gia khuyên học viên nên cố gắng lắng nghe một giọng nói trong số nhiều giọng nói, hoặc một nhạc cụ trong số nhiều nhạc cụ của một ban nhạc hoặc dàn nhạc. Những người khác khuyên bạn nên tập trung đọc sách trong một căn phòng đầy người đang nói chuyện và các bài tập tương tự. Bất cứ điều gì hỗ trợ việc thu hẹp phạm vi chú ý tại một thời điểm nhất định đều có xu hướng phát triển khả năng chú ý có chủ ý.

Nghiên cứu toán học và logic cũng được coi là một phương pháp thực hành tuyệt vời để rèn luyện sự chú ý có chủ ý, vì những hoạt động này đòi hỏi sự tập trung và chú ý cao độ. Sự chú ý cũng được phát triển bởi bất kỳ nghiên cứu hoặc thực hành nào đòi hỏi phải phân tích một tổng thể thành các phần, sau đó tổng hợp hoặc xây dựng tổng thể từ các phần rải rác của nó. Mỗi giác quan phải có vai trò trong các bài tập, và ngoài ra, tâm trí cần được rèn luyện để tập trung vào một ý tưởng nào đó chứa đựng bên trong chính nó—một hình ảnh tinh thần hoặc ý tưởng trừu tượng nào đó tồn tại độc lập với bất kỳ đối tượng nào mà giác quan trực tiếp thông báo.

StarGate dịch từ cuốn 
Tâm trí của bạn và cách sử dụng nó 
Tác giả William Walker Atkins 

*****

Bài tiếp theo: #6 Cảm nhận 

MỤC LỤC 

No comments:

Post a Comment