Monday, February 26, 2024

W.A. TTCB #6 Sự cảm nhận (Perception)

6. SỰ CẢM NHẬN 

Một sai lầm phổ biến là cho rằng chúng ta cảm nhận (perceive) được mọi thứ mà giác quan thông báo cho tâm trí. Trên thực tế, chúng ta chỉ cảm nhận được một phần rất nhỏ thông báo của giác quan. Mỗi ngày trong cuộc sống, có hàng ngàn cảnh tượng được mắt thông báo, âm thanh được tai thông báo, mùi hương được lỗ mũi thông báo và những tiếp xúc được dây thần kinh xúc giác thông báo, nhưng tâm trí không cảm nhận (perceive) hoặc quan sát được. 

Chúng ta chỉ cảm nhận và quan sát khi sự chú ý, theo phản xạ hoặc có chủ ý, hướng đến thông báo của các giác quan, và khi tâm trí diễn giải thông báo đó. Trong khi sự cảm nhận phụ thuộc vào thông báo của các giác quan để có nguyên liệu thô, thì nó lại hoàn toàn phụ thuộc vào việc vận dụng tâm trí để được thể hiện đầy đủ.

Học viên thường gặp khó khăn lớn trong việc phân biệt giữa cảm giác (sensation) và sự cảm nhận (perception). Cảm giác là một thông báo đơn giản của giác quan, được tiếp nhận trong ý thức. Cảm nhận ý nghĩ (thought) phát sinh từ cảm tưởng (feeling) về cảm giác (sensation). Cảm nhận thường kết hợp nhiều cảm giác thành một ý nghĩ hoặc cảm nhận.

Nhờ cảm giác (sensation), tâm trí có cảm tưởng (feels); nhờ cảm nhận (perception), nó biết rằng mình có cảm tưởng (feels) và nhận ra đối tượng gây ra cảm giác đó. Cảm giác chỉ mang đến một thông báo từ các đối tượng bên ngoài, trong khi cảm nhận đồng nhất thông báo với đối tượng đã gây ra nó. 

Cảm nhận diễn giải các thông báo của cảm giác. Cảm giác thông báo một tia sáng từ trên cao; cảm nhận diễn giải ánh sáng như ánh sao, hay ánh trăng, hay ánh sáng mặt trời, hay như tia chớp của sao băng. Cảm giác thông báo một sự tiếp xúc sắc, nhọn, gây đau; cảm nhận diễn giải nó như một mũi kim đâm. Cảm giác thông báo một đốm đỏ trên nền xanh; cảm nhận diễn giải nó như một quả mọng trên bụi cây.

Hơn nữa, trong khi chúng ta có thể cảm nhận (perceive) được một cảm giác đơn độc đơn giản, nhận thức của chúng ta thường là về một nhóm cảm giác. Cảm nhận thường được sử dụng để nhóm các cảm giác và đồng nhất chúng với đối tượng hoặc các đối tượng gây ra chúng. Trong sự nhận dạng của mình, nó dựa trên bất kỳ ký ức nào về những trải nghiệm trong quá khứ mà tâm trí có thể sở hữu.

Trí nhớ (memory), trí tưởng tượng (imagination), cảm tưởng (feeling) và ý nghĩ (thought) đều được đưa vào hoạt động ở một mức độ nào đó trong mọi cảm nhận rõ ràng. Trẻ sơ sinh chỉ có khả năng cảm nhận yếu ớt, nhưng khi có được trải nghiệm, nó bắt đầu biểu hiện sự cảm nhận và hình thành các đối tượng cảm nhận. Các cảm giác (sensations) giống với các chữ cái trong bảng chữ cái, và cảm nhận (perception) giống như sự hình thành các từ và câu từ các chữ cái. Giống như m, è, và o tượng trưng cho cảm giác, trong khi từ ‘mèo’ được hình thành từ chúng tượng trưng cho cảm nhận về đối tượng.

Người ta cho rằng mọi kiến thức đều bắt đầu bằng cảm giác (sensation); rằng lịch sử tinh thần của chủng tộc hoặc cá nhân bắt đầu từ cảm giác đầu tiên của nó. Tuy nhiên, trong khi thừa nhận điều này, cần nhớ rằng cảm giác chỉ đơn giản cung cấp nguyên liệu mộc mạc, thô sơ, sơ đẳng cho ý nghĩ. Quá trình đầu tiên của ý nghĩ (thought) thực sự, hay kiến thức, bắt đầu bằng cảm nhận (perception). Từ cảm nhận, tất cả các khái niệmý tưởng cao hơn của chúng ta đều được hình thành. Cảm nhận phụ thuộc vào sự liên kết của cảm giác với những cảm giác khác đã trải qua trước đó; nó dựa trên kinh nghiệm. Trải nghiệm càng lớn thì khả năng cảm nhận càng lớn, tất cả những điều khác đều như nhau.

Khi cảm nhận (perception) bắt đầu, tâm trí không còn nhìn thấy cảm giác (sensation) nữa vì nó xác định cảm giác đó là đặc tính của vật tạo ra nó. Cảm giác về ánh sáng được coi là đặc tính của ngôi sao; cảm giác châm chích được coi là đặc tính của một chiếc đinh ghim hoặc gai quả hạt dẻ; cảm giác về mùi được coi là đặc tính của hoa hồng. Trong trường hợp hoa hồng, một vài cảm giác về thị giác, xúc giác và khứu giác, trong ấn tượng của chúng về các đặc tính màu sắc, hình dạng, độ mềm và hương thơm, được nhóm lại với nhau trong cảm nhận về đối tượng hoàn chỉnh của bông hoa.

Một đối tượng cảm nhận (percept) là ‘cái được cảm nhận; đối tượng của hành vi cảm nhận’. Tất nhiên, đối tượng cảm nhận là một trạng thái tinh thần tương ứng với đối tượng bên ngoài của nó. Nó là sự kết hợp của một số cảm giác (sensation) được coi là đặc tính của đối tượng bên ngoài, được kết hợp với ký ức về những trải nghiệm, ý tưởng, cảm tưởng (feeling) và ý nghĩ trong quá khứ. Khi đó, một đối tượng cảm nhận, tuy là dạng ý nghĩ đơn giản nhất, vẫn được coi là một trạng thái tinh thần

Sự hình thành một đối tượng cảm nhận bao gồm ba giai đoạn tuần tự, đó là: 

(1) sự chú ý tạo ra những cảm giác có ý thức cụ thể từ những thông báo thần kinh mơ hồ; 

(2) tâm trí diễn giải những cảm giác có ý thức rõ ràng này và gán chúng cho đối tượng bên ngoài gây ra chúng; 

(3) các cảm giác liên quan được nhóm lại với nhau, sự thống nhất của chúng được cảm nhận và chúng được coi là đặc tính của một đối tượng bên ngoài.

Sự phân biệt rõ ràng giữa cảm giác và đối tượng cảm nhận có thể được in sâu trong tâm trí bằng cách ghi nhớ những điều sau: Cảm giác (sensation) là một cảm tưởng (feeling); đối  tượng cảm nhận (percept) là một ý nghĩ đơn giản định danh một hoặc nhiều cảm giác. Cảm giác chỉ là sự nhận biết có ý thức về sự kích thích của một đầu dây thần kinh; đối tượng cảm nhận là kết quả của một quá trình tinh thần riêng biệt liên quan đến cảm giác.

Phát triển sự cảm nhận 

Điều quan trọng nhất là chúng ta phải phát triển và rèn luyện năng lực cảm nhận của mình. Bởi vì nền giáo dục của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào khả năng cảm nhận của con người. Có nghĩa lý gì với chúng ta việc thế giới bên ngoài tràn ngập những vật thể đa dạng, nếu chúng ta không cảm nhận được sự tồn tại của chúng? 

Vật liệu của thế giới tinh thần phụ thuộc vào cảm nhận. Nhiều người đi khắp nơi trên thế giới mà không cảm nhận được ngay cả những sự kiện rõ ràng nhất. Mắt và tai của họ là những công cụ hoàn hảo, dây thần kinh của họ truyền đạt những thông báo chính xác, nhưng khả năng cảm nhận của tâm trí không thể quan sát diễn giải thông báo của các giác quan. Họ nhìn và nghe rõ ràng, nhưng những thông báo của giác quan không được họ quan sát hay ghi nhận; chúng chẳng có ý nghĩa gì với họ. Người ta có thể nhìn thấy nhiều thứ nhưng chỉ quan sát được rất ít. Kho kiến thức của chúng ta không phụ thuộc vào những gì chúng ta thấy hay nghe được mà phụ thuộc nhiều vào những gì chúng ta cảm nhận, để ý hoặc quan sát.

Không chỉ kho kiến thức thực tế của một người chủ yếu dựa vào cảm nhận đã phát triển, mà sự thành công của một người cũng phụ thuộc đáng kể vào cùng năng lực đó. Trong kinh doanh và đời sống nghề nghiệp, người thành công thường là người phát triển được năng lực cảm nhận; người đã học cách cảm nhận, quan sát và ghi nhận (note). Một người cảm nhận và ghi lại trong đầu những gì xảy ra trong thế giới của mình là người có khả năng biết mọi thứ khi cần đến kiến thức đó. Trong thời đại ‘giáo dục sách vở’ này, chúng ta thấy rằng những người trẻ tuổi gần như không có khả năng quan sát tốt như những đứa trẻ đã phải dựa vào khả năng cảm nhận để có được kiến thức. Một đứa trẻ Ả Rập hay Ấn Độ trong một giờ sẽ quan sát được nhiều hơn một đứa trẻ văn minh quan sát trong một ngày. Việc sống trong thế giới sách vở nhiều khi làm suy yếu khả năng quan sát và cảm nhận.

Cảm nhận có thể được phát triển bằng thực hành. Bắt đầu bằng cách chú ý đến những điều bạn nhìn thấy và nghe thấy khi đi dạo hàng ngày. Hãy mở rộng đôi mắt của tâm trí. Hãy chú ý đến khuôn mặt của mọi người, bước đi, đặc điểm của họ. Hãy tìm kiếm những điều thú vị và khác thường, bạn sẽ thấy chúng. Đừng trải qua cuộc đời trong trạng thái mơ mộng mà hãy luôn để ý kỹ những điều thú vị và có giá trị. Việc dành thời gian và công sức quan sát kỹ lưỡng những sự việc nào đó khiến chúng trở nên hết sức thân thuộc sẽ đển đáp xứng đáng cho bạn, và thói quen thu được từ những bài tập này sẽ rất giá trị trong sự phát triển cảm nhận của bạn.

Một chuyên gia nhận xét rằng rất ít người, ngay cả những người sống ở nông thôn, biết được tai của con bò ở trên, ở dưới, đằng sau hay đằng trước sừng của nó; cũng như liệu con mèo trèo xuống khỏi cây thì đi đầu trước hay đuôi trước. Rất ít người có thể phân biệt được lá của các loại cây quen thuộc ở khu vực mình sinh sống. Tương đối ít người có thể mô tả ngôi nhà nơi họ sống, ít nhất là ngoài những đặc điểm chung nhất - các chi tiết không được biết đến. 


Vị trí của tai bò so với sừng của nó. 

Houdin, nhà ảo thuật người Pháp, có thể đi ngang qua cửa sổ một cửa hàng và cảm nhận từng món đồ trong đó, rồi nhắc lại những gì anh đã thấy. Nhưng anh ấy chỉ có được kỹ năng này nhờ luyện tập liên tục và dần dần. Bản thân anh cũng chê bai kỹ năng của mình và cho rằng nó chẳng là gì so với kỹ năng của một người phụ nữ hợp thời trang có thể đi ngang qua một người phụ nữ khác trên phố và ‘ghi nhận’ toàn bộ trang phục của cô ấy, từ đầu đến chân, chỉ trong nháy mắt, và ‘có thể mô tả không chỉ thời trang và chất lượng của đồ mà còn cho biết ren là thật hay chỉ được làm bằng máy’. Một cựu hiệu trưởng trường Đại học Yale được cho là có thể liếc qua một cuốn sách và đọc được một phần tư trang mỗi lần. 

Bất kỳ nghiên cứu hoặc nghề nghiệp nào đòi hỏi sự phân tích sẽ phát triển khả năng cảm nhận. Do đó, nếu chúng ta phân tích những sự vật chúng ta nhìn thấy, phân chia chúng thành các phần hoặc thành phần, chúng ta cũng sẽ phát triển được các khả năng cảm nhận. Có một bài tập tốt là nghiên cứu một vật thể nhỏ và cố gắng khám phá càng nhiều điểm riêng biệt của cảm nhận càng tốt, ghi chú chúng trên một tờ giấy. Đồ vật quen thuộc nhất, nếu được xem xét cẩn thận, sẽ mang lại lợi ích dồi dào.  

Nếu hai người tham gia vào một cuộc thi kiểu này, tinh thần ganh đua và cạnh tranh sẽ đẩy nhanh khả năng quan sát. Những người có đủ kiên nhẫn và kiên trì để thực hành các bài tập loại này một cách có hệ thống cho biết họ nhận thấy sự cải thiện ổn định ngay từ đầu. Nhưng ngay cả khi một người không cảm thấy muốn thực hành theo cách này, người đó vẫn có thể bắt đầu chú ý đến các chi tiết của những thứ mà họ nhìn thấy, nét mặt của mọi người, chi tiết về trang phục của họ, giọng nói của họ, chất lượng hàng hóa chúng ta sử dụng và đặc biệt là những điều nhỏ nhặt. Cảm nhận, giống như sự chú ý, theo sau sự quan tâm; nhưng, tương tự như vậy, sự quan tâm về các sự vật có thể được tạo ra bằng cách quan sát chi tiết, đặc thù và đặc điểm của chúng.

Kiến thức tốt nhất mà một người có được là kiến thức xuất phát từ cảm nhận cá nhân của chính mình. Có một sự gần gũi và chân thật trong những gì một người biết theo cách này, là thứ bị thiếu trong những gì một người chỉ tin vì đã đọc hoặc nghe thấy nó. Kiến thức như vậy có thể được coi là một phần của chính anh ta. Không chỉ kiến thức của một người phụ thuộc vào những gì anh ta cảm nhận được, mà chính tính cách người đó cũng bắt nguồn từ bản sắc của các cảm nhận của anh ta.

Ảnh hưởng của môi trường rất lớn - và môi trường là gì nếu không phải những thứ được cảm nhận xung quanh một người? Vấn đề không phải là cái gì nằm bên ngoài con người, mà là phần nào của nó đi vào bên trong con người thông qua cảm nhận. Bằng cách hướng sự chú ý của mình đến các đối tượng mong muốn, và cảm nhận chúng càng nhiều càng tốt, một người thực sự có thể xây dựng tính cách của riêng mình theo ý muốn.

Thế giới cần những ‘người cảm nhận’ giỏi trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Thế giới thiếu những người này và có nhu cầu cao về họ, sẵn sàng trả giá cao cho dịch vụ của họ. Người có thể cảm nhận và quan sát một cách có chủ ý các chi tiết của bất kỳ ngành nghề, hoạt động kinh doanh hoặc thương mại nào sẽ tiến xa trong nghề nghiệp đó. Việc giáo dục trẻ em cần tích cực quan tâm đến khả năng cảm nhận. Trường mẫu giáo đã thực hiện một số bước theo hướng này, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm.

StarGate dịch từ cuốn 
Tâm trí của bạn và cách sử dụng nó 
Tác giả William Walker Atkins 

*****

Bài tiếp theo: #7 Trí nhớ

MỤC LỤC 

No comments:

Post a Comment