7. TRÍ NHỚ
Các nhà tâm lý lần lượt xếp trí nhớ và trí tưởng tượng vào loại ‘các quá trình tinh thần tái hiện (representative)’. Thuật ngữ ‘tái hiện’ được sử dụng trong tâm lý học để chỉ các quá trình tái-hiện hoặc trình bày lại cho ý thức những gì trước đây đã được trình bày cho nó, nhưng sau đó đã rời khỏi phạm vi của nó.
Như Hamilton nói: ‘Năng lực tổng quát của sự hiểu biết nhất thiết đòi hỏi rằng, ngoài khả năng gợi lại từ vô thức một phần kiến thức lưu trữ được ưu tiên so với những phần khác, chúng ta còn có khả năng tái hiện trong ý thức những gì được gợi lên’.
Trí nhớ là khả năng hay sức mạnh tái hiện cơ bản của tâm trí. Trí tưởng tượng phụ thuộc vào trí nhớ để có chất liệu của mình, như chúng ta sẽ thấy khi xem xét khả năng này. Mọi quá trình tinh thần liên quan đến ký ức(remembrance), hồi tưởng (recollection) hoặc tái hiện (representation) một cảm giác (sensation), cảm nhận (perception), hình ảnh tinh thần, ý nghĩ hoặc ý tưởng đã được trải nghiệm trước đó đều phụ thuộc vào trí nhớ để có chất liệu của mình.
Trí nhớ là kho lưu trữ lớn của tâm trí, lưu giữ những bản ghi về các trải nghiệm tinh thần trước đó. Nó là một phần của phạm vi (field) tiềm thức rộng lớn của hoạt động tinh thần, và phần lớn công việc của nó được thực hiện bên dưới tầng ý thức. Chỉ khi kết quả của nó được truyền vào phạm vi ý thức thì chúng ta mới nhận thức được sự tồn tại của nó. Chúng ta chỉ biết đến ký ức qua hoạt động của nó. Chúng ta biết rất ít về bản chất của nó, mặc dù một số quy luật và nguyên tắc cơ bản của nó đã được khám phá.
Trước đây người ta thường xếp trí nhớ vào nhóm các khả năng khác nhau của tâm trí, nhưng sau này ngành tâm lý học không còn nhìn nhận như vậy nữa. Trí nhớ ngày nay được coi là sức mạnh của tâm trí nói chung, biểu hiện trong mối liên hệ với mọi khả năng của tâm trí. Hiện nay nó được coi là thuộc về lĩnh vực tiềm thức rộng lớn của hoạt động tinh thần, và lời giải thích về nó phải được tìm kiếm ở đó. Nó hoàn toàn không thể giải thích được bằng cách khác.
Tầm quan trọng của trí nhớ là vô cùng lớn. Không chỉ tính cách và trình độ học vấn của một người phụ thuộc chủ yếu vào nó, mà chính bản thể tinh thần (mental being) của anh ta cũng gắn liền với nó. Nếu không có trí nhớ, con người sẽ không bao giờ tiến bộ về mặt tinh thần vượt quá trạng thái tinh thần của một đứa trẻ sơ sinh. Người đó sẽ không bao giờ có thể hưởng lợi nhờ trải nghiệm. Họ sẽ không bao giờ có thể hình thành những cảm nhận (perception) rõ ràng. Họ sẽ không bao giờ có thể lập luận (reason) hoặc hình thành phán đoán (judgment). Các quá trình suy nghĩ (thought) dựa vào ký ức về những trải nghiệm trong quá khứ để có vật liệu; thiếu vật liệu này thì không thể có ý nghĩ.
Trí nhớ có hai chức năng chung quan trọng, đó là:
(1) Lưu giữ (retention) những ấn tượng và trải nghiệm; và
(2) Tái tạo (reproduction) những ấn tượng và trải nghiệm được lưu giữ như vậy.
Trước đây người ta cho rằng trí nhớ chỉ giữ lại một phần ấn tượng và trải nghiệm mà nó ghi lại ban đầu. Nhưng lý thuyết hiện nay cho rằng nó lưu giữ mọi ấn tượng và trải nghiệm được nó ghi nhận. Đúng là nhiều ấn tượng này không bao giờ được tái tạo trong ý thức, tuy nhiên, các thí nghiệm có xu hướng chứng minh rằng các bản ghi vẫn còn trong trí nhớ và những kích thích thích hợp và đủ mạnh sẽ đưa chúng vào phạm vi ý thức. Các hiện tượng mộng du, mơ, cuồng loạn, mê sảng, cận kề cái chết, v.v. cho thấy tiềm thức có một kho tàng khổng lồ những sự kiện dường như đã bị lãng quên, có thể được gợi lại nhờ sự trợ giúp của những kích thích bất thường.
Khả năng của trí nhớ gợi lại những ấn tượng và trải nghiệm đã lưu giữ được gọi theo nhiều cách khác nhau là ký ức (remembrance), hồi tưởng (recollection) hoặc trí nhớ (memory). Năng lực này thay đổi đáng kể ở mỗi cá nhân, nhưng một tiên đề của tâm lý học cho rằng trí nhớ của bất kỳ người nào cũng có thể được phát triển và rèn luyện bằng thực hành.
Khả năng hồi tưởng phụ thuộc rất nhiều vào độ rõ ràng và chiều sâu của ấn tượng ban đầu, điều này về phần mình lại phụ thuộc vào mức độ chú ý dành cho nó tại thời điểm nó xuất hiện. Sự hồi tưởng cũng được hỗ trợ rất nhiều bởi quy luật liên tưởng, hay nguyên tắc theo đó một sự kiện tinh thần được liên kết với một sự kiện tinh thần khác. Càng nhiều sự thật được liên kết với một sự kiện nhất định thì việc hồi tưởng hoặc ghi nhớ nó càng dễ dàng hơn. Sự hồi tưởng cũng được hỗ trợ rất nhiều nhờ sử dụng và luyện tập. Giống như các ngón tay, các tế bào trí nhớ của não trở nên thành thạo và hiệu quả nhờ sử dụng và luyện tập, hoặc trở nên cứng nhắc và kém hiệu quả do thiếu những điều trên.
Ngoài các giai đoạn lưu giữ và tái hiện, còn có hai giai đoạn quan trọng của trí nhớ, đó là:
(3) Nhận biết (recognition) ấn tượng hoặc trải nghiệm đã được tái hiện; và
(4) Định vị (localization) ấn tượng hoặc gắn kết ấn tượng đó với một thời gian và địa điểm ít nhiều rõ ràng.
Nhận biết ấn tượng đã được hồi tưởng là khá quan trọng. Chỉ lưu giữ và hồi tưởng một ấn tượng thôi chưa đủ. Nếu chúng ta không thể nhận ra rằng ấn tượng được gợi lên đã từng được trải nghiệm trước đây, thì ký ức này sẽ ít có tác dụng đối với chúng ta trong quá trình suy nghĩ của mình; mục tiêu của suy nghĩ đòi hỏi chúng ta phải có khả năng đồng nhất ấn tượng được gợi lại với ấn tượng ban đầu.
Sự nhận biết thực chất là sự 'nhận thức lại' - 'biết lại'. Sự nhận biết giống như cảm nhận (perception). Tâm trí trở nên ý thức về ấn tượng được gợi lại cũng giống như nó ý thức về cảm giác (sensation). Sau đó, nó nhận ra mối liên hệ của ấn tượng được gợi lại với ấn tượng ban đầu, giống như nó nhận ra mối liên hệ của cảm giác với đối tượng của nó.
Việc định vị ấn tượng được gợi lại và được nhận biết cũng rất quan trọng. Ngay cả khi chúng ta nhận biết ấn tượng được gợi lại, sẽ chẳng mấy hữu ích nếu chúng ta không thể xác định được nó đã xảy ra ngày hôm qua, tuần trước, tháng trước, năm ngoái, mười năm trước hoặc vào một thời điểm nào đó trong quá khứ; cũng như nó đã xảy ra tại nơi làm việc, nơi ở của mình, hay một nơi nào đó trên đường phố, hoặc một nơi xa xôi nào đó. Nếu không có khả năng định vị, chúng ta sẽ không thể kết nối và liên kết sự kiện được ghi nhớ với thời gian, địa điểm và những con người mà nó cần được đặt cùng để trở nên hữu ích và có giá trị đối với chúng ta trong quá trình suy nghĩ của mình.
Lưu giữ (Retention)
Việc lưu giữ ấn tượng tinh thần trong trí nhớ phụ thuộc rất nhiều vào độ rõ ràng và chiều sâu của ấn tượng ban đầu. Và sự rõ ràng và chiều sâu này, như chúng tôi đã nêu trước đây, phụ thuộc vào mức độ chú ý dành cho ấn tượng ban đầu. Vì vậy, sự chú ý là một yếu tố quan trọng trong việc hình thành và ghi lại những ấn tượng.
Quy tắc là: Chú ý yếu ớt, bản ghi mờ nhạt; chú ý mạnh mẽ, bản ghi rõ ràng và sâu sắc. Để khắc sâu điều này vào tâm trí, học viên có thể coi các giai đoạn lưu giữ và tái tạo của trí nhớ như một đĩa than (phonographic record).
Ảnh chụp chiếc kèn hát (phonograph) có trụ lăn bằng sáp của Ê-đi-xơn, khoảng năm 1899.
Màng tiếp nhận âm thanh của chiếc kèn hát tượng trưng cho các cơ quan cảm giác, còn kim ghi âm tượng trưng cho sự chú ý. Kim ghi lại trên trụ lăn các rãnh sâu hay nông tùy theo tình trạng của kim. Một âm thanh lớn có thể được ghi lại yếu ớt nếu kim không được điều chỉnh đúng. Và hơn nữa, cần nhớ rằng khả năng tái tạo gần như phụ thuộc hoàn toàn vào độ rõ ràng và độ sâu của đường rãnh ban đầu trên trụ lăn; bản ghi thế nào thì tái tạo như vậy. Học viên sẽ thấy hữu ích khi ghi nhớ biểu tượng chiếc kèn hát này trong tâm trí; điều này sẽ giúp họ phát triển khả năng của trí nhớ.
Về vấn đề này, cần nhớ rằng sự chú ý phụ thuộc phần lớn vào mối quan tâm. Vì vậy, theo lẽ tự nhiên, chúng ta dự đoán thấy mình nhớ những điều thú vị dễ dàng hơn nhiều so với những điều không thú vị. Giả định này được xác nhận bằng kinh nghiệm thực tế. Điều này giải thích cho sự thực là mỗi người đều nhớ một loại sự việc nhất định tốt hơn những sự việc khác. Người này nhớ những khuôn mặt, người kia nhớ ngày tháng, người khác nhớ các cuộc trò chuyện, một người khác nhớ những lời được viết ra, v.v. Người ta thấy rằng mỗi người thường quan tâm đến nhóm sự việc mà người đó ghi nhớ dễ dàng nhất.
Người nghệ sĩ dễ dàng ghi nhớ các khuôn mặt và chi tiết của khuôn mặt, hoặc phong cảnh và các chi tiết của chúng. Người nhạc sĩ dễ dàng nhớ lại những đoạn nhạc hay ô nhạc, thường có tính chất phức tạp nhất. Nhà đầu cơ dễ dàng nhớ lại giá cổ phiếu yêu thích của mình. Một tay đua không gặp khó khăn gì khi nhớ lại 'tỷ lệ cược' được công bố về một con ngựa nào đó vào một ngày nào đó, hoặc những chi tiết về một cuộc đua được tổ chức nhiều năm trước. Bài học là: Hãy khơi dậy và kích thích sự quan tâm đến những điều bạn muốn ghi nhớ. Sự quan tâm này có thể được khơi dậy bằng cách nghiên cứu những vấn đề đang được bàn luận, như chúng tôi đã đề xuất ở chương trước.
Hình dung (visualization) trong trí nhớ
Nhiều chuyên gia giỏi nhất cho rằng ấn tượng ban đầu có thể được thể hiện rõ ràng và sâu sắc, và quá trình tái tạo theo đó sẽ hiệu quả hơn, bằng cách thực hành hình dung điều cần ghi nhớ. Hình dung có nghĩa là sự hình thành một hình ảnh trong tâm trí về sự vật trong trí tưởng tượng. Nếu bạn muốn ghi nhớ hình dáng của bất cứ thứ gì, hãy nhìn nó thật kỹ, một cách chăm chú, rồi quay đi chỗ khác, cố gắng tái tạo hình dáng của nó như một bức tranh tinh thần trong tâm trí.
Nếu điều này được thực hiện, một ấn tượng đặc biệt rõ ràng sẽ được tạo ra trong trí nhớ, và khi bạn nhớ lại sự việc đó, bạn sẽ thấy rằng bạn cũng sẽ nhớ lại hình ảnh rõ ràng về nó trong tâm trí. Tất nhiên số lượng chi tiết được quan sát càng lớn và được đưa vào hình ảnh tâm trí ban đầu thì chi tiết được ghi nhớ càng lớn.
Cảm nhận (perception) trong trí nhớ
Không chỉ sự chú ý là cần thiết trong việc hình thành các bản ghi rõ ràng, mà cảm nhận kỹ lưỡng cũng rất quan trọng. Không có cảm nhận rõ ràng thì bản ghi được lưu giữ sẽ thiếu chi tiết, và thiếu các yếu tố liên kết. Chỉ nhớ bản thân sự việc đó thôi thì chưa đủ; chúng ta cũng cần nhớ nó là gì và mọi chuyện về nó.
Việc thực hành các phương pháp phát triển cảm nhận được đưa ra trong bài học trước sẽ góp phần phát triển và rèn luyện khả năng ghi nhớ, tái tạo, nhận biết và định vị của trí nhớ. Quy tắc là: mức độ cảm nhận về một đối tượng càng cao thì ấn tượng được giữ lại càng chi tiết và việc hồi tưởng càng dễ dàng.
Sự hiểu rõ (understanding) và trí nhớ
Một điểm quan trọng khác trong việc lưu giữ ấn tượng trong trí nhớ là: Càng hiểu rõ hơn về chủ thể hay đối tượng, ấn tượng về nó càng rõ ràng và ký ức về nó càng rõ ràng. Thực tế này đã được chứng minh bằng thực nghiệm và kinh nghiệm.
Một chủ đề khó nhớ trong những hoàn cảnh thông thường sẽ dễ dàng được ghi nhớ nếu nó được giải thích đầy đủ cho người đó và kèm theo một vài minh họa hoặc ví dụ quen thuộc. Rất khó để nhớ một chuỗi từ vô nghĩa, trong khi một câu truyền tải ý nghĩa rõ ràng lại có thể được ghi nhớ dễ dàng. Nếu chúng ta hiểu một vật dùng để làm gì, công dụng và ứng dụng của nó, chúng ta sẽ ghi nhớ nó dễ dàng hơn nhiều so với khi không có sự hiểu biết này. Elbringhaus, người đã thực hiện một số thí nghiệm theo hướng này, thông báo rằng ông có thể ghi nhớ một khổ thơ trong khoảng một phần mười thời gian cần thiết để ghi nhớ cùng một lượng âm tiết vô nghĩa.
Gordy kể rằng ông từng yêu cầu một sinh viên có năng lực của Đại học Johns Hopkins thuật lại bài giảng mà anh ta vừa nghe. ‘Tôi không thể làm được’, người sinh viên trả lời; ‘bài giảng đó thật không logic’. Quy tắc là: Càng biết nhiều về một điều gì đó thì điều đó càng dễ được ghi nhớ. Đây là một điểm đáng lưu ý.
Tâm trí của bạn và cách sử dụng nó
Tác giả William Walker Atkins
*****
Bài tiếp theo: #8 Trí nhớ (tiếp theo)
MỤC LỤC
No comments:
Post a Comment