Tuesday, February 27, 2024

W.A. TTCB #8 Trí nhớ (tiếp theo)

 

8. TRÍ NHỚ - tiếp theo

Chủ đề về trí nhớ không thể được tiếp cận một cách thông minh nếu không xem xét đến Luật kết hợp , một trong những nguyên tắc tâm lý quan trọng. 

Luật kết hợp (Law of Association)

Điều mà tâm lý học gọi là Luật kết hợp dựa trên thực tế là không có ý tưởng nào tồn tại trong tâm trí mà không liên kết với những ý tưởng khác. Điều này không được chấp nhận rộng rãi và hầu hết mọi người sẽ tranh luận luật này ngay từ suy nghĩ đầu tiên. 

Nhưng sự tồn tại và xuất hiện của các ý tưởng trong tâm trí bị chi phối bởi một quy luật tinh thần cố định và bất biến như định luật vật lý về lực hấp dẫn. Mỗi ý tưởng đều có sự liên kết với những ý tưởng khác. Các ý tưởng di chuyển theo nhóm, và một nhóm được liên kết với một nhóm khác, v.v., cho đến khi cuối cùng mọi ý tưởng trong đầu một người đều được liên kết trực tiếp hoặc gián tiếp với mọi ý tưởng khác. Về mặt lý thuyết, ít nhất có thể bắt đầu với một ý tưởng trong đầu một người, sau đó dần dần tháo gỡ toàn bộ kho ý tưởng của người đó giống như sợi len trên cuộn len. Suy nghĩ của chúng ta vận hành theo quy luật này. 

Chúng ta ngồi xuống trong mơ màng và chuyển từ chủ đề này sang chủ đề khác, cho đến khi không thể nhớ được bất kỳ mối liên hệ nào giữa ý nghĩ đầu tiên và ý nghĩ cuối cùng. Nhưng mỗi bước chân mơ màng đều được kết nối với bước trước và bước tiếp theo. Thật thú vị khi truy tìm lại những kết nối này. Poe đã viết một trong những câu chuyện trinh thám nổi tiếng của ông dựa trên luật này. Sự mơ màng có thể bị gián đoạn bởi một ấn tượng bất ngờ từ bên ngoài, và sau đó chúng ta sẽ rời khỏi ấn tượng này, kết nối nó với điều gì đó khác đã có trong trải nghiệm của chúng ta, và bắt đầu một chuỗi trình tự mới.

Thông thường, chúng ta không tìm ra được những mối liên hệ chi phối các ý tưởng của mình, nhưng sợi dây xích vẫn ở đó. Một người có thể nghĩ về một cảnh hoặc một trải nghiệm trong quá khứ mà không có lý do rõ ràng. Một chút suy nghẫm sẽ cho thấy điều gì đó được nhìn thấy, hoặc một vài nốt nhạc của một bài hát vang bên tai, hoặc hương thơm của một bông hoa, đã trở thành sợi dây liên kết giữa quá khứ và hiện tại. Một gợi ý về mignonette (cây mộng tê) sẽ gợi nhớ về một số sự kiện trong quá khứ mà nước hoa đóng một vai trò nào đó; khăn tay của ai đó có thể cũng mang cùng mùi hương này. Hoặc một giai điệu quen thuộc xưa gợi nhớ về ai đó, điều gì đó hoặc địa điểm nào đó trong quá khứ. 

Một đặc điểm quen thuộc trên khuôn mặt của một người qua đường sẽ khiến một người nghĩ đến một ai đó khác có khuôn miệng giống thế, dáng mũi giống thế, hoặc ánh mắt giống thế - và người đó sẽ rời tới một chuỗi những trải nghiệm được ghi nhớ. Thường thì ý tưởng ban đầu hoặc những mối liên kết có thể chỉ xuất hiện lờ mờ trong ý thức; nhưng hãy yên tâm rằng chúng luôn ở đó. Trên thực tế, chúng ta thường chấp nhận quy luật này một cách vô thức và không hề nhận ra sự tồn tại thực sự của nó. Chẳng hạn, một người đưa ra một nhận xét và ngay lập tức chúng ta tự hỏi: ‘Làm thế nào anh ấy lại nghĩ ra điều đó?’ và nếu khôn ngoan, chúng ta có thể khám phá ra anh ấy đã nghĩ gì trong đầu trước khi nói.

Có hai loại kết hợp chung của các ý tưởng trong trí nhớ, đó là: (1) Kết hợp kề cận và (2) kết hợp logic. 

Sự kết hợp kề cận là hình thức kết hợp phụ thuộc vào sự kết hợp trước đó về thời gian hoặc không gian của những ý tưởng đã in sâu vào tâm trí. Ví dụ, nếu bạn gặp ông bà Wetterhorn và lần lượt được giới thiệu với họ, sau đó bạn sẽ tự nhiên nhớ đến ông W. khi nghĩ đến bà W. và ngược lại. Bạn sẽ tự nhiên nhớ đến Napoléon khi nghĩ đến Wellington, hay Benedict Arnold khi nghĩ đến Thiếu tá André, vì lý do tương tự. 

Theo cách tương tự, chúng ta ghi nhớ mọi thứ xảy ra ngay trước hoặc ngay sau sự kiện trong tâm trí chúng ta vào lúc đó; những thứ ở gần trong không gian với thứ mà chúng ta đang nghĩ đến. Một cách tự nhiên bạn cũng sẽ nhớ tới bc khi nghĩ đến a. Tương tự như vậy, bạn sẽ nghĩ về thời gian trừu tượng khi nghĩ về không gian trừu tượng, về sấm sét khi bạn nghĩ về chớp, về cơn đau bụng khi bạn nghĩ về những quả táo xanh, về chuyện ân ái và những đêm trăng sáng khi bạn nghĩ về những ngày học đại học. Cũng theo cách tương tự, chúng ta ghi nhớ những sự việc xảy ra ngay trước hoặc ngay sau sự kiện đang ở trong tâm trí mình vào lúc này; những thứ ở gần trong không gian với những gì chúng ta đang nghĩ đến.

Sự kết hợp logic phụ thuộc vào mối quan hệ giống hoặc khác nhau giữa một số sự vật được nghĩ đến. Những thứ được kết hợp theo cách này có thể chưa bao giờ xuất hiện trong tâm trí vào cùng thời điểm trước đó, và chúng cũng không nhất thiết phải kết nối với nhau về thời gian và không gian. Một người có thể nghĩ tới một cuốn sách, và sau đó tiếp tục liên tưởng để nghĩ về một cuốn sách khác của cùng một tác giả, hoặc của một tác giả khác viết về cùng chủ đề. Hoặc người đó có thể nghĩ về một cuốn sách đối lập trực tiếp với cuốn đầu tiên, mối quan hệ về sự khác biệt rõ ràng đã gợi lên ý tưởng kết hợp. 

Sự kết hợp logic phụ thuộc vào các mối quan hệ bên trong chứ không phải vào các mối quan hệ bên ngoài về thời gian và không gian. Tính bên trong này của mối quan hệ giữa những thứ không được kết nối trong không gian hoặc thời gian chỉ được khám phá bằng kinh nghiệm và học vấn. Một người có học thức nhận ra nhiều điểm liên quan giữa những sự việc mà người ít học cho là hoàn toàn không liên quan. Trí tuệ và kiến thức chủ yếu bao gồm việc nhận biết mối quan hệ giữa các sự vật.

Sự kết hợp trong trí nhớ 

Từ việc xem xét Luật kết hợp, có thể suy ra rằng khi một người muốn ghi dấu điều gì đó vào trí nhớ, như một chuyên gia có uy tín đã nói, ‘Hãy nhân lên các liên tưởng; hãy lồng sự thật bạn muốn ghi nhớ vào một mạng lưới gồm càng nhiều liên tưởng càng tốt, đặc biệt là những liên tưởng logic’. 

Do đó, lời khuyên là nên sắp xếp các dữ kiện của bạn theo các nhóm và phân loại trong trí nhớ. Như Blackie nói: ‘Không có gì giúp ích cho tâm trí nhiều bằng trật tự và phân loại. Các phân loại luôn ít, cá nhân thì nhiều; hiểu rõ phân loại là biết điều gì là thiết yếu nhất trong tính cách của cá nhân, và điều gì ít gây gánh nặng cho trí nhớ nhất’. 

Sự lặp lại trong trí nhớ

Một nguyên tắc quan trọng khác của trí nhớ là ấn tượng có được chiều sâu và sự rõ ràng nhờ sự lặp lại. Lặp lại một dòng thơ một lần, bạn có thể nhớ nó; lặp lại lần nữa và cơ hội ghi nhớ của bạn sẽ tăng lên rất nhiều; lặp lại nó đủ số lần và bạn không thể không ghi nhớ nó. Hình ảnh minh họa về chiếc đĩa than sẽ giúp bạn hiểu rõ lý do của điều này. Quy tắc là: Sự lặp lại liên tục sẽ làm sâu sắc thêm ấn tượng trong trí nhớ; việc lặp lại và nhớ lại thường xuyên những gì đã được ghi nhớ giúp giữ cho bản ghi rõ ràng và sáng sủa, đồng thời tạo ấn tượng sâu sắc hơn trong mỗi lần lặp lại.

Các quy tắc chung của trí nhớ

Các quy tắc chung sau đây sẽ hữu ích cho học viên muốn phát triển trí nhớ của mình: :—

Tạo ấn tượng:
(1) Tăng cường chú ý (Bestow attention).
(2) Vun trồng sự quan tâm (Cultivate interest).
(3) Biểu hiện rõ cảm nhận (Manifest perception).
(4) Trau dồi sự hiểu biết (Cultivate understanding).
(5) Tạo dựng các liên kết (Form associations).
(6) Lặp lạiôn lại (Repeat and review).

Nhớ lại ấn tượng:
(1) Cố gắng nắm bắt đầu liên kết lỏng lẻo, và sau đó tháo rời cuộn len trí nhớ của bạn.
(2) Khi nhớ lại một ấn tượng, hãy gửi nó lại cùng với năng lượng để làm sâu sắc thêm ấn tượng và gắn nó với càng nhiều liên tưởng mới càng tốt.
(3) Luyện tập ghi nhớ và nhớ lại một chút mỗi ngày, dù chỉ là một dòng thơ. Trí nhớ được cải thiện nhờ luyện tập và suy giảm do bị bỏ bê và không sử dụng.
(4) Hãy yêu cầu trí nhớ của bạn phục vụ bạn tốt và nó sẽ học cách đáp ứng. Hãy học cách tin tưởng nó, và nó sẽ nắm bắt được cơ hội. Làm sao bạn có thể mong đợi trí nhớ của mình hoạt động tốt khi bạn liên tục lạm dụng nó và kể cho mọi người nghe về ‘trí nhớ tồi tệ của tôi; tôi chả bao giờ nhớ được điều gì’ ? Trí nhớ của bạn rất giỏi chấp nhận những phát biểu của bạn là sự thật; năng lực tinh thần của chúng ta có một thói quen đáng tiếc là tin lời của chúng ta trong những vấn đề này. Hãy nói với trí nhớ của bạn những gì bạn mong đợi nó làm; rồi hãy tin tưởng nó và tránh lạm dụng nó và gán cho nó tiếng xấu.

Lời khuyên cuối cùng

Cuối cùng, hãy nhớ quy tắc này: bạn chỉ lấy ra khỏi bộ nhớ những gì bạn đã đưa vào đó. Hãy đặt vào đó những ấn tượng tốt đẹp, rõ ràng, sâu sắc và nó sẽ tái hiện những hồi ức tốt đẹp, rõ ràng và mạnh mẽ. Hãy coi trí nhớ của bạn như một chiếc đĩa than và chú ý để lại những ấn tượng phù hợp trên đó. Trong trí nhớ bạn gặt hái những gì bạn đã gieo. Bạn phải trao cho trí nhớ trước khi có thể nhận được từ nó. Bạn có thể yên tâm về một điều, đó là trừ khi bạn có đủ sự quan tâm đến những điều cần ghi nhớ, bạn sẽ thấy rằng trí nhớ không có đủ sự quan tâm đến chúng để ghi nhớ chúng. 

Trí nhớ đòi hỏi sự quan tâm trước khi nó có hứng thú với công việc. Nó đòi hỏi sự chú ý trước khi nó bày tỏ sự chú ý. Nó đòi hỏi sự hiểu biết trước khi nó thể hiện sự hiểu biết. Nó đòi hỏi sự kết hợp trước khi nó đáp lại sự kết hợp. Nó đòi hỏi sự lặp lại trước khi sẽ lặp lại. Trí nhớ là một công cụ tuyệt vời, nhưng nó đứng vững trên phẩm giá của mình và khẳng định quyền lợi của mình. Nó thuộc về hệ thống cũ – nó đòi hỏi sự đền bù và tin rằng chỉ cho đi một lượng tương đương với những gì nó nhận được. Lời khuyên của chúng tôi là hãy làm quen với trí nhớ của bạn và kết bạn với nó. Hãy đối xử tốt với nó và nó sẽ phục vụ bạn tốt. Nhưng nếu bỏ qua nó, nó sẽ quay lưng lại với bạn.

StarGate dịch từ cuốn 
Tâm trí của bạn và cách sử dụng nó 
Tác giả William Walker Atkins 

*****

Bài tiếp theo: #9 Trí tưởng tượng

MỤC LỤC 

No comments:

Post a Comment