Trí tưởng tượng thuộc nhóm chung các quá trình tinh thần được gọi là khả năng tái hiện (representative), được hiểu là các quá trình tái-hiện hoặc trình bày lại cho ý thức những ấn tượng trước đây đã được trình bày cho nó.
Như chúng tôi đã chỉ ra ở những phần khác, trí tưởng tượng phụ thuộc vào trí nhớ để có chất liệu – những bản ghi các ấn tượng trước đó. Nhưng trí tưởng tượng không chỉ đơn thuần là ký ức hay sự hồi tưởng về những ấn tượng đã được trải nghiệm và ghi lại trước đó. Ngoài việc tái-hiện và hồi tưởng lại, còn có quá trình sắp xếp những ấn tượng được nhớ lại thành những hình thức và sự kết hợp mới. Trí tưởng tượng không chỉ tập hợp những ấn tượng cũ mà còn tạo ra những sự kết hợp và hình thức mới từ chất liệu đã thu thập được.
Tâm lý học cho chúng ta nhiều định nghĩa và sự phân biệt rắm rối giữa trí tưởng tượng tái tạo đơn giản và trí nhớ, nhưng những khác biệt này mang tính kỹ thuật và thường gây bối rối cho học viên bình thường. Trên thực tế, có rất ít sự khác biệt, nếu có, giữa trí tưởng tượng tái tạo đơn thuần và trí nhớ, mặc dù khi trí tưởng tượng tham gia vào hoạt động mang tính xây dựng, một tính năng mới sẽ bước vào quá trình vốn không có trong các hoạt động trí nhớ thuần túy.
Trong trí tưởng tượng tái tạo đơn giản (reproductive imagination), những gì xảy ra chỉ đơn thuần là sự hình thành hình ảnh tinh thần của một số trải nghiệm trước đó - sự tái tạo hình ảnh tinh thần trước đó. Điều này chỉ khác rất ít so với trí nhớ, ngoại trừ việc hình ảnh được nhớ lại rõ ràng hơn và mạnh mẽ hơn. Tương tự như vậy, trong trí nhớ thông thường, trong biểu hiện của hồi ức, thường cũng có hình ảnh tinh thần rõ ràng, mạnh mẽ như được tạo ra trong trí tưởng tượng tái tạo.
Hai quá trình tinh thần hòa quyện với nhau chặt chẽ đến mức gần như không thể phân biệt được ranh giới giữa chúng, bất chấp những khác biệt về mặt kỹ thuật mà các nhà tâm lý học nhấn mạnh. Tất nhiên, ký ức đơn thuần về một người xuất hiện trước một người thì gần với trí nhớ thuần túy hơn là trí tưởng tượng, vì quá trình này là quá trình nhận biết. Nhưng ký ức hay hồi ức về cùng một người khi anh ta vắng mặt thực tế là hồi ức của trí tưởng tượng tái tạo. Trí nhớ, ở giai đoạn nhận biết, tồn tại trong tâm trí của trẻ trước khi trí tưởng tượng tái tạo được biểu hiện. Do đó, trí tưởng tượng tái tạo được coi là một quá trình tinh thần cao hơn.
Nhưng thậm chí còn cao hơn nữa là cái được gọi là trí tưởng tượng sáng tạo (constructive imagination). Hình thức tưởng tượng này xuất hiện ở giai đoạn muộn hơn trong tâm trí trẻ em, và được coi là sự tiến hóa sau này của các quá trình tinh thần của nhân loại. Gordy đưa ra sự khác biệt sau đây giữa hai giai đoạn của trí tưởng tượng: 'Sự khác biệt giữa trí tưởng tượng tái tạo và trí tưởng tượng sáng tạo là ở chỗ những hình ảnh tạo ra từ trí tưởng tượng tái tạo là bản sao của trải nghiệm trong quá khứ, trong khi những hình ảnh tạo ra từ trí tưởng tượng sáng tạo thì không.* * * Để tìm hiểu xem bất kỳ hình ảnh cụ thể nào, hoặc sự kết hợp của các hình ảnh, là sản phẩm của trí tưởng tượng tái tạo hay trí tưởng tượng mang tính xây dựng, tất cả những gì chúng ta phải làm là tìm hiểu xem liệu đó có phải là bản sao của trải nghiệm quá khứ hay không. Tất nhiên, trí nhớ của chúng ta có khiếm khuyết và chúng ta có thể không chắc chắn về điều đó; nhưng ngoài điều đó ra chúng ta không nên nghi ngờ gì nữa’.
Nhiều người lần đầu tiên nghe tuyên bố của các nhà tâm lý học rằng khả năng tưởng tượng chỉ có thể tái-hiện và tái-tạo hoặc tái-kết hợp lại những hình ảnh đã in sâu vào tâm trí trước đó, thường phản đối rằng họ có thể, và thường xuyên, hình dung thấy những điều mà trước đây họ chưa từng trải nghiệm. Nhưng họ có thể và liệu có làm được như vậy không?
Chẳng phải những gì họ tin là những sáng tạo độc đáo của trí tưởng tượng chỉ đơn thuần là sự kết hợp mới của những ấn tượng ban đầu sao? Chẳng hạn, chưa ai từng nhìn thấy con ngựa một sừng, nhưng có người ban đầu đã tưởng tượng ra hình dạng của nó. Nhưng suy nghĩ một chút sẽ thấy hình ảnh con ngựa một sừng chỉ là hình ảnh một con vật có đầu, cổ và thân ngựa, có râu dê, chân hươu, đuôi sư tử và một chiếc sừng dài thuôn nhọn xoắn ốc ở giữa trán. Mỗi bộ phận của ngựa một sừng đều tồn tại ở một số động vật sống, mặc dù ngựa một sừng, bao gồm tất cả các bộ phận này, không tồn tại bên ngoài truyện ngụ ngôn. Tương tự như vậy, nhân mã bao gồm mình, chân, đuôi ngựa và thân, đầu và cánh tay của con người.
Ở đây chúng ta cũng phải cảnh báo học viên không lãng phí sức mạnh của trí tưởng tượng và phung phí nó vào những tưởng tượng và mơ mộng vu vơ. Nhiều người lạm dụng trí tưởng tượng của mình theo cách này và không chỉ làm suy yếu khả năng làm việc hiệu quả của nó mà còn lãng phí thời gian và sức lực của họ. Việc mơ mộng không phù hợp với công việc thực tế, thiết thực của cuộc sống.
Trí tưởng tượng và lý tưởng
Cuối cùng, học viên cần nhớ rằng trong phạm trù năng lực tưởng tượng phải kể đến giai đoạn hoạt động tinh thần gắn liền chặt chẽ với việc hình thành hoặc hủy hoại cuộc sống của một người—sự hình thành các lý tưởng. Lý tưởng của chúng ta là hình mẫu để chúng ta xây dựng cuộc sống của mình. Bản chất lý tưởng của chúng ta quyết định tính cách cuộc sống mà chúng ta hướng tới.
Lý tưởng của chúng ta là nền tảng của cái mà chúng ta gọi là tính cách.
Đó là một sự thật, xưa như loài người, và hiện đang được các nhà tư tưởng nhận thức rõ ràng nhất, rằng thực sự ‘con người nghĩ gì trong lòng thì anh ta là như vậy’. Ảnh hưởng của lý tưởng được coi là ảnh hưởng không chỉ đến tính cách mà còn cả vị trí và mức độ thành công của chúng ta trong cuộc sống. Chúng ta lớn lên để trở thành người mà chúng ta luôn ấp ủ lý tưởng.
Nếu chúng ta tạo ra một lý tưởng, hoặc mang những phẩm chất chung, hoặc mang những phẩm chất được thể hiện bởi ai đó còn sống hay đã qua đời, và luôn giữ lý tưởng này trước mắt, chúng ta không thể không phát triển những đặc điểm và phẩm chất tương ứng với những đặc tính này của lý tưởng của mình. Suy nghĩ cẩn thận sẽ cho thấy tính cách phụ thuộc rất nhiều vào bản chất lý tưởng của chúng ta; do đó chúng ta thấy được tác động của trí tưởng tượng trong việc xây dựng tính cách.
Hơn nữa, trí tưởng tượng của chúng ta có ảnh hưởng quan trọng đến hành động của chúng ta. Nhiều người đàn ông đã phạm phải một hành động thiếu thận trọng hoặc vô đạo đức mà lẽ ra anh ta sẽ không làm nếu sở hữu trí tưởng tượng cho thấy những kết quả có thể xảy ra của hành động. Tương tự như vậy, nhiều người được truyền cảm hứng để làm những điều vĩ đại và đạt được thành tựu nhờ trí tưởng tượng của họ hình dung những kết quả có thể có của một số hành động nào đó.
‘Những điều to lớn' ở mọi lĩnh vực của cuộc sống đều được thực hiện bởi những người có đủ trí tưởng tượng để hình dung ra khả năng của những tiến trình hay kế hoạch nhất định. Các tuyến đường sắt, các cây cầu, đường dây điện báo, đường dây cáp và những sáng tạo khác của con người là sản phẩm trí tưởng tượng của một số người. Bà tiên đỡ đầu tốt bụng luôn mang đến trí tưởng tượng sống động và sôi nổi trong số những món quà bà dành tặng cho những đứa con đỡ đầu yêu quý của mình.
Nhà triết học già đã cầu nguyện rất hay với các vị thần: ‘Và, với tất cả, hãy ban cho tôi một trí tưởng tượng rõ ràng và năng động’. Một người có trí tưởng tượng rõ ràng và năng động ở một mức độ nào đó là người tạo ra thế giới của mình, hoặc ít nhất là người tái tạo thế giới đó. Anh ta tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo của Vũ trụ, chứ không phải chỉ là một con tốt bị đẩy qua đẩy lại trong trò chơi cuộc sống.
Những giá trị gây ấn tượng mạnh của cuộc sống phụ thuộc vào chất lượng của trí tưởng tượng. Cuộc sống thiếu trí tưởng tượng thì máy móc và buồn tẻ. Trí tưởng tượng có thể làm tăng tính nhạy cảm với nỗi đau, nhưng nó bù đắp cho điều này bằng cách tăng khả năng vui vẻ và hạnh phúc. Con lợn có rất ít trí tưởng tượng, ít đau đớn và ít niềm vui, nhưng ai lại ghen tị với con lợn? Người có trí tưởng tượng rõ ràng và năng động ở một mức độ nào đó là người sáng tạo ra thế giới của mình, hoặc ít nhất là người đổi mới. Người đó tham gia tích cực vào các hoạt động sáng tạo của vũ trụ, thay vì chỉ là một con tốt bị đẩy qua đẩy lại trong trò chơi cuộc sống.
Một lần nữa, món quà thiêng liêng về sự đồng cảm và thấu hiểu phụ thuộc chủ yếu vào việc có trí tưởng tượng tốt. Một người không bao giờ có thể hiểu được nỗi đau hay rắc rối của người khác nếu trước tiên anh ta không thể tưởng tượng mình ở vị trí của người kia. Trí tưởng tượng là trung tâm của sự đồng cảm. Một người có thể có khả năng cảm nhận rất tốt, nhưng do thiếu trí tưởng tượng nên anh ta không bao giờ có thể biến cảm giác đó thành hành động. Một người có khả năng đồng cảm với người khác trước tiên phải học cách hiểu họ và cảm nhận được cảm xúc của họ. Anh ta chỉ có thể làm được điều này nếu có mức độ tưởng tượng phù hợp.
Những ai đi được vào lòng người trước tiên phải chạm được đến cảm tưởng của họ. Và điều này chỉ là có thể với người mà trí tưởng tượng cho phép hình dung mình trong trạng thái giống như những người khác, và do đó đánh thức những cảm tưởng, sự đồng cảm và thấu hiểu tiềm ẩn của anh ta. Như vậy có thể thấy trí tưởng tượng không chỉ ảnh hưởng đến đời sống tri thức mà còn chạm đến bản chất cảm xúc của chúng ta. Trí tưởng tượng chính là sự sống của tâm hồn.
*****
Bài tiếp theo: #10 Cảm tưởng
No comments:
Post a Comment