10. CẢM TƯỞNG
Khi nghĩ về tâm trí và các hoạt động của nó, chúng ta quen với ý tưởng chung rằng các quá trình tinh thần chủ yếu là các quá trình của trí tuệ (intellect), biện luận (reason) và ý nghĩ (thought). Nhưng trên thực tế, hầu hết hoạt động tinh thần đều gắn liền với cảm tưởng (feeling) và cảm xúc (emotion).
Trí tuệ (intellect) là đứa con út của tâm trí, và trong khi tích cực tuyên bố sự hiện diện của mình, giống như cách mà mọi đứa trẻ nhỏ nhất vẫn làm, để có thể được coi một cách chính đáng là ‘tất cả’ trong gia đình, tuy nhiên nó thực sự chỉ đóng vai trò tương đối nhỏ trong công việc chung của gia đình tinh thần.
Trong cuộc sống, các hoạt động của mặt ‘cảm tưởng’ (feeling) vượt xa đáng kể so với hoạt động của mặt ‘suy nghĩ’ (thought), về nguyên tắc mạnh hơn nhiều về tầm ảnh hưởng và tác động, và trên thực tế, một cách vô thức chúng tô màu cho các quá trình trí tuệ, nhiều đến mức tạo nên những phẩm chất nổi bật của các hoạt động này, ngoại trừ trường hợp của rất ít nhà tư tưởng tiến bộ.
Nhưng có sự khác biệt giữa ‘cảm tưởng’ (feeling) và ‘cảm xúc’ (emotion) khi các thuật ngữ được sử dụng trong tâm lý học. Cảm tưởng là giai đoạn đơn giản, cảm xúc là giai đoạn phức tạp. Nói chung, sự tương đồng hay khác biệt cũng giống như những gì tồn tại giữa cảm giác (sensation) và cảm nhận (perception), như đã giải thích ở chương trước. Bắt đầu từ cái đơn giản, để sau này đến cái phức tạp, bây giờ chúng ta sẽ xem xét cái được gọi là ‘cảm tưởng’ đơn thuần.
Thuật ngữ ‘cảm tưởng’(feeling), được sử dụng trong mối liên hệ này trong tâm lý học, đã được định nghĩa là ‘mặt dễ chịu hoặc khó chịu đơn thuần của bất kỳ trạng thái tinh thần nào’. Những mặt dễ chịu hay khó chịu này của các trạng thái tinh thần hoàn toàn khác biệt với hành động biết (knowing) đi kèm với chúng. Một người có thể cảm nhận (perceive) và do đó ‘biết’ (know) rằng người khác đang nói chuyện với mình và hoàn toàn nhận thức được những từ ngữ được sử dụng cũng như ý nghĩa của chúng. Thông thường, đối với các tiến trình tư duy thuần túy, điều này sẽ hoàn thiện trạng thái tinh thần.
Nhưng chúng ta phải tính đến mặt cảm tưởng (feeling) cũng như mặt suy nghĩ (thingking) của trạng thái tinh thần. Theo đó, chúng ta thấy rằng sự hiểu về lời nói của người khác và ý nghĩa của chúng đưa đến một trạng thái tinh thần dễ chịu hay khó chịu. Tương tự như vậy, việc đọc lời của một cuốn sách, nghe một bài hát, hay cảm nhận một cảnh tượng hay quang cảnh, có thể đưa đến một cảm tưởng (feeling) ít nhiều mạnh mẽ, dễ chịu hoặc khó chịu. Cảm giác (sense) về ý thức (consciousness) dễ chịu hay khó chịu này là đặc tính thiết yếu của cái mà chúng ta gọi là ‘cảm tưởng’ (feeling).
Rất khó để giải thích cảm tưởng ngoại trừ bằng những thuật ngữ riêng của nó. Chúng ta biết rất rõ ý của mình, hoặc ý của người khác, khi nói rằng chúng ta hoặc anh ấy ‘cảm thấy buồn’ (feel sad) hoặc có ‘cảm tưởng vui vẻ’ (joyous feeling) hoặc ‘cảm thấy thích thú’ (feeling of interest). Tuy nhiên, chúng ta sẽ thấy rất khó để giải thích trạng thái tinh thần ngoại trừ từ quan điểm của chính cảm tưởng. Hiểu biết của chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào trải nghiệm trước đây của mình về cảm tưởng. Như một chuyên gia uy tín đã nói: 'Nếu chúng ta chưa bao giờ cảm thấy vui sướng, đau đớn, sợ hãi hay buồn phiền thì một cuốn sách tám trang cũng không thể khiến chúng ta hiểu được trạng thái tinh thần đó là gì’.
Không phải mọi trạng thái tinh thần đều được đặc trưng bởi một cảm tưởng (feeling) mạnh mẽ. Có một số trạng thái tinh thần liên quan chủ yếu đến nỗ lực trí tuệ (intellect), và trong đó mọi dấu vết của cảm tưởng dường như vắng mặt, trừ khi, như một số người đã khẳng định, ‘cảm tưởng' thích thú (feeling of interest) hoặc sự thiếu vắng cảm tưởng đó là một dạng yếu ớt của cảm tưởng vui sướng hay đau đớn (feeling of pleasure or pain). Thói quen có thể làm mờ đi cảm tưởng về một trạng thái tinh thần cho đến khi nó trở nên trung tính, nhưng nhìn chung vẫn còn lại một cảm giác thích hay không thích mờ nhạt.
Các dạng cảm tưởng (feeling) sơ đẳng có liên quan chặt chẽ với các dạng cảm giác (sensation) đơn giản. Nhưng các thí nghiệm đã chỉ ra rằng có sự khác biệt trong ý thức (consciousness). Người ta phát hiện ra rằng một người thường ý thức được việc 'chạm' (touch) vào một vật nóng trước khi người đó trải nghiệm cảm tưởng (feeling) hoặc nỗi đau (pain) do nó gây ra. Các nhà tâm lý học đã chỉ ra một điểm khác biệt khác, đó là: Khi chúng ta trải qua một cảm giác (sensation), chúng ta quen quy nó cho một vật thể bên ngoài là đối tượng của nó, như khi chúng ta chạm vào vật nóng; nhưng khi chúng ta trải nghiệm một cảm tưởng (feeling), theo bản năng chúng ta quy nó về chính chúng ta, như khi vật nóng làm chúng ta đau đớn. Như một chuyên gia có thẩm quyền đã nói: ‘cảm tưởng (feeling) của tôi thuộc về tôi; nhưng cảm giác (sensation) của tôi dường như thuộc về đối tượng đã gây ra chúng’.
Một bằng chứng nữa về sự khác nhau và riêng biệt giữa cảm giác (sensation) và cảm tưởng (feeling) là thực tế rằng cùng một cảm giác (sensation) sẽ tạo ra những cảm tưởng (feeling) khác nhau ở những người khác nhau cùng trải nghiệm cảm giác đó, thậm chí cùng một lúc. Chẳng hạn, cùng một cảnh tượng sẽ khiến người này cảm thấy phấn khởi, còn người kia thì chán nản; cùng một lời nói sẽ tạo ra cảm tưởng vui vẻ ở người này vả cảm tưởng buồn chán ở người kia.
Cùng một cảm giác sẽ tạo ra những cảm tưởng khác nhau ở cùng một người, tại những thời điểm khác nhau. Một chuyên gia có uy tín nói: ‘Bạn đánh rơi chiếc ví và thấy nó nằm trên đất, bạn cúi xuống nhặt nó lên mà không thấy vui hay đau đớn gì. Nhưng nếu bạn nhìn thấy nó sau khi đánh mất nó và đã săn lùng nó trong một thời gian dài vô ích, bạn sẽ cảm thấy vui sướng rõ rệt’.
Có rất nhiều mức độ và loại cảm tưởng khác nhau. Gordy nói: ‘Mọi hình thức của vui thú (pleasure) và nỗi đau (pain) được gọi là cảm tưởng (feeling). Giữa sự vui thú đến từ việc ăn một quả đào và niềm vui đến từ việc giải quyết một vấn đề hóc búa, hay nhận được tin vui từ một người bạn, hoặc suy ngẫm về sự tiến bộ của nền văn minh - giữa nỗi đau đến từ việc bị đứt tay và nỗi đau đến từ sự thất bại của một kế hoạch được ấp ủ từ lâu, hay cái chết của một người bạn – có một khoảng cách rất xa. Nhưng một nhóm bao gồm toàn sự vui thú, và nhóm kia gồm toàn nỗi đau. Và bất kể nguồn vui hay đau khổ là gì thì cảm tưởng đều giống nhau’.
Có rất nhiều loại cảm tưởng khác nhau. Một số phát sinh từ cảm giác thoải mái hoặc khó chịu về thể chất (sensation of physical comfort or discomfort) ; một số khác từ điều kiện sinh lý thuần túy; một số khác là do thỏa mãn những thị hiếu (tastes) quen thuộc, hoặc sự không hài lòng phát sinh từ việc kích thích những thị hiếu không quen thuộc; một số khác từ sự hiện diện hay vắng mặt của sự thoải mái (comfort); một số khác đến từ sự hiện diện hay vắng mặt của những đồ vật hoặc những người mà chúng ta có cảm tình hoặc thích.
Sự nuông chiều quá mức thường biến cảm tưởng vui sướng (pleisure) thành cảm tưởng đau đớn (pain); và tương tự như vậy, thói quen và sự thực hành có thể khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu từ những gì trước đây khiến chúng ta cảm thấy ngược lại. Cảm tưởng cũng khác nhau về mức độ; nghĩa là, một số thứ khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu với cường độ mạnh hơn những thứ khác, và một số khiến chúng ta thấy đau đớn với cường độ mạnh hơn những thứ khác. Những mức độ mãnh liệt này phụ thuộc ít nhiều vào thói quen hoặc kinh nghiệm của cá nhân.
Theo nguyên tắc chung, cảm tưởng có thể được phân loại thành:
(1) những cảm tưởng phát sinh từ cảm giác vật lý (physical sensation) và
(2) những cảm tưởng phát sinh từ ý tưởng (ideas).
Cảm tưởng phụ thuộc vào cảm giác vật lý phát sinh từ những sở thích và khuynh hướng được thừa hưởng hoặc từ những thói quen và kinh nghiệm có được. Một tiên đề của trường phái tiến hóa là bất kỳ hoạt động thể chất nào vốn là thói quen của một chủng tộc, được duy trì đã lâu, đều trở thành hoạt động mang lại khoái cảm theo bản năng ở mỗi cá nhân.
Ví dụ, một chủng tộc trong nhiều thế hệ buộc phải săn bắn, bắt cá, di cư, bơi lội, v.v. để duy trì sự tồn tại. Kết quả là chúng ta, các thế hệ con cháu, có xu hướng tìm thấy niềm vui trong các hoạt động tương tự như thể thao, trò chơi, tập thể dục, v.v. Nhiều khuynh hướng và cảm tưởng của chúng ta được di truyền theo cách này. Chúng ta đã bổ sung thêm vào đó nhiều thói quen hoạt động thể chất thu được, tuân theo cùng một quy tắc, đó là thói quen và việc luyện tập mang lại ít nhiều cảm tưởng dễ chịu. Chúng ta thấy vui hơn khi làm những việc mà chúng ta có thể làm dễ dàng hoặc khá tốt so với những việc có tính chất ngược lại.
Cảm tưởng phụ thuộc vào ý tưởng cũng có thể nảy sinh thông qua sự kế thừa. Nhiều sở thích và khuynh hướng tinh thần của chúng ta đã được truyền lại cho chúng ta từ quá khứ. Chắc chắn có những cảm tưởng nhất định đã được sinh ra trong con người; nghĩa là có một khả năng rất lớn cho những cảm tưởng như vậy, chúng sẽ được chuyển thành biểu hiện khi có kích thích thích hợp.
Các cảm tưởng tinh thần khác phụ thuộc vào kinh nghiệm trong quá khứ của cá nhân chúng ta, sự liên kết hoặc gợi ý từ người khác - trên thực tế là vào môi trường trong quá khứ của chúng ta. Lý tưởng của những người xung quanh sẽ khiến chúng ta trải qua niềm vui hay nỗi đau, tùy từng trường hợp, trong những hoàn cảnh nhất định; sức mạnh của sự gợi ý theo hướng này thực sự rất mạnh mẽ. Chúng ta không chỉ trải nghiệm cảm tưởng để đáp lại những cảm giác hiện tại, nhưng việc hồi tưởng một số trải nghiệm trước đó cũng sẽ khơi dậy cảm tưởng.
Trên thực tế, những cảm tưởng kiểu này gắn bó chặt chẽ với trí nhớ và trí tưởng tượng. Những người có trí tưởng tượng sống động có xu hướng cảm nhận nhiều hơn những người khác. Họ đau khổ nhiều hơn và tận hưởng nhiều hơn. Sự đồng cảm của chúng ta, vốn phụ thuộc phần lớn vào năng lực tưởng tượng, là nguyên nhân gây ra nhiều loại cảm tưởng như vậy.
Nhiều sự kiện mà chúng ta thường gán cho cảm tưởng thực sự là một phần của hiện tượng cảm xúc, vốn là giai đoạn phức tạp hơn của cảm tưởng. Vì mục đích của việc xem xét này, chúng tôi đã coi cảm tưởng đơn thuần là nguyên liệu thô của cảm xúc, và mối quan hệ này được so sánh với mối quan hệ tồn tại giữa cảm giác và cảm nhận. Khi xem xét cảm xúc, chúng ta sẽ thấy sự thể hiện đầy đủ hơn của cảm tưởng và những biểu hiện phức tạp hơn của nó.
Tâm trí của bạn và cách sử dụng nó
Tác giả William Walker Atkins
*****
Bài tiếp theo: #11 Cảm xúc
MỤC LỤC
No comments:
Post a Comment