Sunday, March 24, 2024

C.L. ĐT&NS #4 Chương 4: Bài tập tập trung vào trung tâm não

 

CHƯƠNG 4

Hãy nuôi dưỡng trạng thái bình lặng (calm). Học cách trải qua mọi loại trải nghiệm mà không chệch khỏi, dù chỉ trong giây lát, trạng thái đích thực của sự tĩnh lặng (serenity) sống động.

Mọi hình thức bồn chồn (restlessness) đều lãng phí năng lượng và phải được khắc phục trước khi đạt được trạng thái Điềm tĩnh (Poise) hoàn hảo. Điều tương tự cũng đúng với tất cả những gì khích động tâm trí (agitate mind) hoặc làm xáo trộn ý thức (disturb consciousness).

Bạn có thể đạt đến trạng thái nơi không gì quấy rầy được bạn; và có thể liên tục sống trong trạng thái này, ngay giữa sự hối hả và nhộn nhịp của thế giới công nghiệp.

Không thể đạt tới trạng thái này bằng cách làm giảm đi sự nhạy cảm (sensibilities); bởi việc làm chủ được các sức mạnh của cuộc sống luôn khiến cho khả năng cảm thụ trở nên tinh tế và sắc sảo hơn bao giờ hết. Vì vậy bạn nhận thức được mọi thứ, nhưng không bị quấy rầy bởi bất cứ điều gì. Sự hài hòa trong cuộc sống của bạn sâu sắc, tích cực và mạnh mẽ đến mức bất hòa không thể ảnh hưởng đến nó.

Để đạt được trạng thái tĩnh lặng (serene) này, hãy tuyệt đối yên lặng (quiet) trong 20 phút mỗi ngày, hoặc hai lần một ngày nếu có thể. Đừng chỉ im lặng; hãy cố gắng cảm nhận cuộc sống và sức mạnh của trạng thái bình lặng (calm). Đó không phải là sự yên bình (peace) chỉ đơn thuần tĩnh lặng (still) mà chúng ta tìm kiếm, mà là sự yên bình vừa mạnh mẽ vừa tĩnh lặng.

Trong bài tập này, hãy hình dung trong tâm trí ý niệm hoàn hảo nhất bạn có thể tạo dựng về trạng thái bình thản (calm), và cảm nhận trong óc (mentally feelrằng bạn đang ở trong trạng thái đó. Sau một vài ngày bạn sẽ bắt đầu ý thức được trạng thái tĩnh lặng (serene). Điều này có nghĩa là trạng thái tĩnh lặng đang được hình thành.

Giá trị của việc hình dung trong tâm trí (mind-picturing) ở đây là rất lớn, cũng giống như trong hầu hết mọi thứ chúng ta đạt được trong cuộc sống. Có thể chúng ta chưa từng nghĩ đến điều này trước đây, nhưng thực tế là gần như mọi việc con người từng làm được đều bắt đầu từ một hình ảnh của tâm trí.

Hình dung trong tâm trí đang nhanh chóng trở thành một nghệ thuật tuyệt vời, và những ai thờ ơ với việc nghiên cứu các nguyên tắc của nó sẽ bị bỏ lại phía sau.

Trước khi cố gắng bước vào trạng thái yên lặng (quiet) này, hãy thư giãn cơ thể và tâm trí; hãy hướng sự chú ý vào chiều sâu con người bạn (depth of your being), biết rằng chiều sâu con người bạn vẫn tĩnh lặng (still) – tuyệt đối tĩnh lặng, giống như lòng biển sâu.

Sau khi dành một chút thời gian cho sự yên lặng sâu sắc (deep silence) bên trong, hãy nhường toàn bộ con người bên ngoài của bạn (entire personality) cho ý nghĩ câm lặng (silent thought) sẽ tự nhiên theo sau; nhưng đừng bao giờ cố gắng im lặng. Trạng thái tĩnh lặng (serene) đến từ việc không cố gắng. Chúng ta đạt đến trạng thái này không phải bằng cách cố gắng trở nên tĩnh lặng (trying to be still) mà bằng cách tĩnh lặng (being still).

Về vấn đề này, nên nhớ rằng khả năng lớn nhất của tâm trí đến từ sức sống mạnh mẽ và thầm lặng (strong, silent life force); và rằng sức sống này chỉ biểu hiện khi chúng ta ở trạng thái bình thản (calm).

Ý tưởng rằng bạn phải vất vả (strenous) để làm mọi việc nên bị loại bỏ hoàn toàn, bởi vì nó trái với sự thật. Một tâm trí luôn ở trong trạng thái tĩnh lặng (serene) sẽ làm được nhiều việc hơn trong một ngày so với một tâm trí căng thẳng; và tuyệt vời hơn nữa, một tâm trí tĩnh lặng sẽ làm việc tốt hơn và sống lâu hơn.

Lý do là vì một tâm trí tĩnh lặng không chỉ tiết kiệm được năng suất (power) của nó cho công việc thực tế, ích lợi, mà còn tiếp xúc được với những chiều sâu của cuộc sống thực; và không gì cho năng suất lớn hơn cuộc sống thực.

Hai mươi phút một hoặc hai lần mỗi ngày, với mục tiêu là hoàn toàn yên lặng (being absolutely quiet), nếu áp dụng đúng cách, sẽ tạo ra trạng thái bình thản (calm) sau vài tuần, sau đó việc luôn được tĩnh lặng (serene) sẽ trở thành bản chất thứ hai.

Mỗi đêm trước khi đi ngủ, hãy tập trung một cách yên lặng (quietly) vào trung tâm não trong vài phút. Trong quá trình này, hãy nhẹ nhàng kéo toàn bộ các lực tinh tế của tâm trí về trung tâm này.

Hiệu quả của phương pháp này thực sự tuyệt vời, không chỉ về mặt tổng thể mà còn ở một số điểm cụ thể.

Tất cả các dạng căng thẳng (nervousness) đều có thể được chữa khỏi bằng phương pháp này, và người ta chưa bao giờ thấy nó thất bại trong việc chữa khỏi chứng mất ngủ. Nó là trợ thủ đắc lực trong khắc phục mọi loại rối loạn về thể chất hoặc tinh thần, và có thể chữa lành mọi loại đau và nhức đầu gần như ngay lập tức.

Một thực tế ai cũng biết là tất cả các loại căng thẳng, bao gồm cả trạng thái suy nhược thần kinh, đều do những rung động trái ngược nhau của các lực thần kinh (nerve-forces) gây ra; và rằng tất cả những lực thần kinh này đều xuất phát từ trung tâm não. Vì vậy, khi trạng thái tinh thần yên bình hài hòa (peace and harmonyhoàn hảo được tập trung vào trung tâm não thì những rung động của các lực thần kinh sẽ trở nên hài hòa. Kết quả sẽ là sự nhẹ nhõm sau giây lát, với sự hài hòa hoàn hảo trong toàn bộ hệ thống.

Sự căng thẳng gây lãng phí năng lượng ở mức độ rất lớn; do đó, nếu muốn giữ được năng suất, chúng ta phải tiến hành loại bỏ tình trạng này ngay lập tức. Phương pháp vừa trình bày sẽ loại bỏ hoàn toàn mọi dấu vết của căng thẳng và nó đơn giản đến mức bất kỳ ai cũng có thể áp dụng đúng cách.

Trung tâm não có thể nằm ở một điểm ở giữa hai lỗ tai; hoặc tại điểm mà tủy sống hợp nhất với não. Lực thần kinh được tạo ra trong não và truyền từ não đến tủy sống, rồi đến mọi bộ phận của hệ thống.

Trung tâm não là nơi não và tủy sống hợp nhất. 

Tình trạng của rung động lực thần kinh này được hình thành khi lực thần kinh truyền từ não đến tủy sống; tức là, tại trung tâm não. Vì vậy, nếu chúng ta muốn thay đổi rung động lực thần kinh, chúng ta phải tác động lên trung tâm não. Hãy nhớ rằng, rung động lực thần kinh ở trung tâm não ra sao thì chúng sẽ như vậy trong toàn bộ hệ thống.

Do đó, thật dễ hiểu tại sao sự căng thẳng sẽ biến mất khỏi toàn bộ hệ thống ngay khi sự yên bình và hài hòa được thiết lập ở trung tâm não.

Khi tập trung vào trung tâm não, mục tiêu là in dấu trạng thái bình lặng (calm) sao cho sự tĩnh lặng (stillness) được thiết lập xuyên suốt chiều sâu của hoạt động tinh thần. Nghĩa là, toàn bộ trung tâm não phải được bình lặng (calm) đến tận trung tâm của mỗi nguyên tử. Điều này được thực hiện bằng cách tập trung một cách bình lặng (calmly) cùng với cảm tưởng sâu lắng và tĩnh lặng (deep and serene feeling).

Lúc này, nhất thiết phải nhẹ nhàng thu hút tất cả các lực tinh tế của tâm trí vào trung tâm não, bởi vì chính là hành động lặng lẽ (quiet action) tạo nên yên bình (peace). Khi các lực buộc phải hành động trong bình lặng (calmness), chúng sẽ tạo ra bình lặng ở nơi chúng được chỉ đạo hành động.

Nếu có khó khăn trong việc thu hút các lực tinh thần tinh tế đến trung tâm não thì nguyên nhân là do thiếu cảm tưởng (feeling). Điều này có thể được khắc phục bằng cách nhẹ nhàng suy nghĩ về các lực tinh tế đang thấm đẫm bản chất của các sự vật. Chỉ ý nghĩ về các lực tinh tế thường sẽ khiến ý thức tiếp xúc được với các lực này; và bất cứ khi nào bất kỳ lực nào chạm vào ý thức, nó sẽ tuân theo mong muốn được chú ý mà không cần thực hiện bất kỳ nỗ lực nào theo hướng đó.

Để người mới bắt đầu có thể áp dụng ngay phương pháp này, họ có thể liên tưởng sự tập trung này với hơi thở vật lý. Khi hít vào bằng phổi, hãy nỗ lực một chút trong tâm trí để thu hút các lực tinh thần tinh tế tới trung tâm não. Khi thở ra bằng phổi, hãy để các lực tinh thần tính tế đi xuống qua cơ thể bạn.

Hơi thở của cơ thể phải rất yên tĩnh (quiet) và nhẹ nhàng (easy), đồng thời cũng sâu (deep) và tràn đầy (full).

Kết hợp theo cách này việc thở oxy của cơ thể với cái có thể gọi là thở tinh thần của các năng lượng tinh tế là một bài tập không thể so sánh được về giá trị với bất cứ điều gì mà con người có thể làm. Vì vậy, đỉnh cao của trí tuệ là mọi người nên nắm vững phương pháp này một cách hoàn hảo và áp dụng nó thường xuyên.

Thời gian tốt nhất là vào buổi tối sau khi bạn lui về nghỉ ngơi, vì quá trình này sẽ làm cho toàn bộ cơ thể trở nên bình lặng (calm) và thư thái (restful) đến mức giấc ngủ ngon lành nhất sẽ theo sau. 

Tuy nhiên, bài tập này có thể được thực hiện bất cứ lúc nào trong ngày và nên thực hiện bất cứ khi nào bạn cảm thấy có xu hướng căng thẳng. Bằng cách này, bất kỳ tình trạng bất lợi nào trong hệ thần kinh đều có thể bị ngăn chặn ngay từ trong trứng nước, và lượng năng lượng giữ lại được sẽ rất đáng kể.

 StarGate dịch từ cuốn 
Điềm tĩnh và Năng suất   
Tác giả  Christian D. Larson 


*****

Bài tiếp theo: Chương 5: Học cách nắm giữ tất cả năng lượng được tạo ra trong hệ thống

MỤC LỤC


No comments:

Post a Comment