Monday, March 4, 2024

W.A. TTCB #13 Đam mê (Passion)

13. ĐAM MÊ 

Phát sinh từ những cảm xúc bản năng cơ bản nhất, chúng ta tìm thấy thứ có thể được gọi là ‘đam mê’. Thuật ngữ ‘đam mê’ đề cập đến những cảm tưởng (feeling) mạnh mẽ trong đó bản năng ích kỷ cơ bản được biểu hiện trong mối quan hệ với người khác, trong giai đoạn cuốn hút (attraction) hay trong giai đoạn chán ghét (repulsion). 

Trong loại này, chúng ta thấy những giai đoạn sơ đẳng (elemental) của tình yêu, cũng như những cảm tưởng (feeling) hận thù, giận dữ, ghen tuông, trả thù, v.v. Loại cảm xúc này thường biểu hiện dữ dội so với những cảm xúc khác. Những đam mê thường nảy sinh từ sự tự bảo tồn, bảo tồn và tái tạo chủng tộc, tính tư lợi, tự đề cao bản thân, v.v., và có thể được coi là một giai đoạn phức tạp hơn của những cảm xúc bản năng sơ đẳng. 

Những cảm xúc bản năng sơ đẳng về tự bảo tồn tự an ủi khiến con người trải nghiệm và bộc lộ những cảm xúc đam mê của khát khao chiến đấu, giận dữ, hận thù, trả thù, v.v., trong khi những cảm xúc bản năng dẫn đến sự sinh sản tiếp tục nòi giống lại làm nảy sinh những cảm xúc đam mê của tình dục, ghen tuông, v.v. Ham muốn thu hút người khác giới làm tăng tham vọng (ambition), sự tự phụ (vanity) và tình yêu trình diễn (love of display), và những cảm tưởng (feeling) khác. 

Chỉ khi loại cảm xúc này được hòa trộn với những cảm xúc cao hơn thì đam mê mới trở nên thanh khiết và tinh tế. Nhưng không được quên rằng những cảm xúc này rất cần thiết cho sự thịnh vượng của chủng tộc trong giai đoạn đầu của quá trình tiến hóa, và chúng vẫn đóng một vai trò tích cực trong đời sống con người, dưới sự kiềm chế ít nhiều do xã hội văn minh áp đặt. 

Cũng không nên quên rằng từ những cảm xúc này đã hình thành nên tình yêu cao quý nhất của người này dành cho người khác. Từ tình yêu tình dục bản năng (instintive sexual love) và ‘bản năng chủng tộc’ (racial instinct) đã hình thành nên tình yêu thương cao cả hơn của đàn ông dành cho đàn bà và đàn bà dành cho đàn ông, dưới mọi biểu hiện đẹp đẽ của chúng – và tình yêu cha mẹ dành cho con cái, tình yêu con cái dành cho cha mẹ. 

Biểu hiện đầu tiên của lòng vị tha (altruism) nảy sinh trong tình yêu của một sinh vật dành cho bạn đời của mình, và tình yêu của cha mẹ dành cho con cái. Trong một số dạng sống mà sự phối hợp của hai giới chỉ mang tính nhất thời, và không kèm theo sự bảo vệ, giúp đỡ lẫn nhau và sự kết thân, người ta nhận thấy sự thiếu vắng tình yêu thương lẫn nhau (mutual affection) dưới bất kỳ hình thức nào, cảm tưởng (feeling) duy nhất là bản năng sinh sản sơ đẳng đưa con đực và con cái đến gần nhau trong khoảng khắc —một hoạt động phản xạ gần như thuần túy. Tương tự như vậy, trong trường hợp của một số loài động vật (chẳng hạn như rắn đuôi chuông) mà con non có thể tự bảo vệ mình ngay từ khi mới sinh ra, người ta thấy hoàn toàn thiếu vắng tình thương yêu của cha mẹ hoặc sự hồi đáp lại tình cảm đó. 

Tình yêu của con người giữa hai giới, ở mức độ cao hơn và thấp hơn, là một sự tiến hóa tự nhiên từ cảm xúc đam mê ở mức độ thấp, do sự phát triển của cảm xúc xã hội, đạo đức, luân lý và thẩm mỹ, phát sinh từ nhu cầu ngày càng phức tạp và sự phát triển của cuộc sống con người. Những hình thức đơn giản hơn của cảm xúc đam mê gần như hoàn toàn mang tính bản năng trong biểu hiện của chúng. Quả thực, trong nhiều trường hợp, nó dường như không hơn gì mấy so với dạng cao cấp của hoạt động thần kinh phản xạ. 

Những lời sau đây của William James cho chúng ta một cái nhìn thú vị về thực tế cuộc sống này: ‘Mèo đuổi theo chuột, bỏ chạy hoặc chống cự trước chó, tránh rơi khỏi tường và cây, lánh xa lửa và nước, không phải vì nó có khái niệm về sự sống hoặc cái chết hoặc về sự tự bảo tồn. Nó hành động trong từng trường hợp một cách riêng biệt và đơn giản vì nó không làm khác được; bị đóng khung đến mức khi thứ đặc biệt đang chạy được gọi là chuột xuất hiện trong tầm nhìn của mình, nó phải đuổi theo; rằng khi thứ đặc biệt đang sủa và làm om sòm được gọi là chó xuất hiện ở đó, nó phải lùi lại nếu ở xa và cào xé nếu ở gần; rằng nó phải rút chân ra khỏi nước, đưa mặt xa khỏi ngọn lửa, v.v. 

* * * Bây giờ, tại sao các loài động vật khác nhau lại làm những điều mà chúng ta thấy có vẻ kỳ cục như vậy khi có những kích thích lạ lùng như vậy? Chẳng hạn, tại sao con gà mái lại nộp mình cho sự tẻ nhạt của việc ấp một tập hợp những đối tượng tẻ nhạt đến đáng sợ như một ổ đầy trứng, trừ khi nó có ý niệm mơ hồ mang tính tiên tri nào đó về kết quả? Câu trả lời duy nhất là ad hominem (nhắm tới con người). Chúng ta chỉ có thể giải thích bản năng của động vật bằng những gì chúng ta biết về bản năng bên trong chính mình. Tại sao con người, khi có thể, luôn nằm trên giường mềm thay vì trên sàn mềm? Tại sao họ ngồi quanh bếp lửa vào một ngày lạnh giá? Tại sao trong một căn phòng, chín mươi chín trên một trăm lần, họ lại quay mặt vào giữa phòng chứ không phải vào tường? Tại sao chàng trai lại quan tâm tới cô gái đến mức mọi thứ về cô ấy dường như quan trọng và có ý nghĩa hơn bất cứ điều gì khác trên thế gian? 

Không thể nói gì hơn ngoài việc đây là những cách sống của con người, và mỗi sinh vật đều thích những cách riêng của mình, và tuân theo chúng như một lẽ đương nhiên. Khoa học có thể nghiên cứu những cách này và thấy rằng hầu hết chúng đều hữu ích. Nhưng chúng được tuân thủ chẳng phải vì tính hữu ích của mình, mà vì tại thời điểm tuân theo chúng, chúng ta cảm thấy đó là điều tự nhiên và thích hợp duy nhất nên làm. Không một người nào trong hàng triệu người khi ăn bữa tối lại nghĩ đến công dụng của nó. Họ ăn vì thức ăn ngon miệng và khiến họ muốn ăn thêm. Nếu bạn hỏi họ tại sao lại muốn ăn thêm những thứ có mùi vị như vậy, thay vì tôn vinh bạn như một triết gia, họ có thể sẽ cười nhạo bạn là một kẻ ngốc’.

James tiếp tục: 'Tóm lại, để đặt câu hỏi tại sao về bất kỳ hành động bản năng nào của con người đều cần đến cái mà Berkeley gọi là một tâm trí sa đọa, được huấn luyện để thực hiện quá trình biến điều tự nhiên thành điều kỳ lạ. Chỉ riêng nhà siêu hình học mới có thể đặt ra những câu hỏi như: Tại sao chúng ta mỉm cười khi hài lòng mà không cau có? Tại sao chúng ta không thể nói chuyện với một đám đông như với một người bạn? Tại sao một cô gái cụ thể nào đó lại làm đảo lộn đầu óc chúng ta? Người bình thường chỉ có thể nói, ‘Tất nhiên là chúng tôi mỉm cười, tất nhiên là tim chúng tôi đập rộn ràng khi nhìn thấy đám đông, tất nhiên là chúng tôi yêu cô gái - tâm hồn đẹp đẽ đó khoác lên mình hình hài hoàn hảo đó, được tạo nên một cách rõ rệt và hiển nhiên từ vĩnh cửu, để được yêu thương!' 

Và có lẽ mỗi con vật cũng cảm nhận như vậy về những việc nhất định mà nó có xu hướng làm khi có sự hiện diện của những đối tượng nhất định. Chúng cũng là những tổng hợp trước trải nghiệm (a priori)*. Đối với sư tử đực đó là sư tử cái được tạo ra để được yêu thương; đối với gấu đực là gấu cái. Đối với cô gà mái đòi ấp, sẽ thật kỳ quái khi nghĩ rằng trên đời này lại có một sinh vật mà đối với nó chiếc ổ đầy trứng không phải là một vật thể vô cùng hấp dẫn, quý giá và ngồi-lên-bao-lâu-cũng-không-chán như nó đối với cô ấy.  

*****
*Thuật ngữ 'a priori' xuất phát từ tiếng Latinh và có nghĩa là 'trước kinh nghiệm'. Trong triết học và lý thuyết hiện đại, 'a priori' được sử dụng để chỉ kiến thức, sự hiểu biết hoặc nhận thức đạt được trước bất kỳ trải nghiệm cụ thể nào (ND).

*****

Vì vậy, chúng ta có thể chắc chắn rằng dù bản năng của một số loài động vật có vẻ bí ẩn đến đâu đối với chúng ta thì bản năng của chúng ta cũng sẽ không kém phần bí ẩn đối với chúng. Và chúng ta có thể kết luận rằng, đối với con vật tuân theo nó, mọi thôi thúc và mọi bước đi của bản năng này đều tỏa sáng với ánh sáng đầy đủ của riêng nó, và dường như tại thời điểm này là điều duy nhất bên ngoài đúng đắn và phù hợp để làm. Nó có thể được thực hiện chỉ vì lợi ích của riêng nó’. 

Thông thường, người ta có rất ít nhu cầu phát triển những cảm xúc đam mê. Bản năng đã làm rất tốt việc đảm bảo rằng chúng ta có phần của mình trong loại cảm xúc này. Nhưng cần phải rèn luyện, kiềm chế, quản lý và kiểm soát những cảm xúc này vì những điều kiện tạo ra sự tồn tại ban đầu của chúng đã thay đổi. 

Các quy ước xã hội yêu cầu chúng ta phải khiến những cảm xúc đam mê này tuân phục mình, ít nhất là ở một mức độ nào đó. Xã hội kiên quyết đòi chúng ta phải hạn chế những xung động tình yêu của mình ở những giới hạn nhất định và trong những phạm vi nhất định, đồng thời chúng ta phải kìm nén sự tức giận và căm ghét, ngoại trừ đối với những kẻ thù của đất nước, những kẻ gây rối trật tự công cộng và những kẻ đe dọa các quy ước xã hội của thời đại và đất nước chúng ta. Phúc lợi công cộng đòi hỏi chúng ta phải ngăn chặn các thôi thúc chiến đấu của mình, ngoại trừ trường hợp tự vệ hoặc chiến tranh. Chính sách công cộng yêu cầu chúng ta phải giữ tham vọng của mình trong giới hạn hợp lý, điều này tất nhiên đôi khi sẽ hạn chế sự thay đổi. Nói tóm lại, xã hội đã can thiệp và khẳng định rằng con người, với tư cách là một sinh vật xã hội, không chỉ phải có ý thức trách nhiệm xã hội mà còn phải phát triển những cảm xúc hòa đồng kiềm chế những cảm xúc không hòa đồng của mình. 

Sự tiến hóa của bản chất con người (evolution of man's nature) đã khiến họ một cách vô thức phải sửa đổi những cảm xúc sơ đẳng, bản năng, đam mê của mình và buộc chúng phải phục tùng mệnh lệnh của những cảm tưởng (feeling) và lý tưởng xã hội, đạo đức, luân lý và thẩm mỹ, cũng như những cân nhắc về mặt trí tuệ. Ngay cả những bản năng sơ đẳng ban đầu của các động vật bậc thấp cũng đã bị biến đổi bởi những nhu cầu xã hội của bầy, đàn hoặc nhóm cho đến khi bản năng đã được sửa đổi giờ đây trở thành lực lượng thống trị.

Các nguyên tắc chung về kiểm soát, kiềm chế và làm chủ cảm xúc, như được đưa ra trong chương trước, có thể áp dụng cho loại cảm xúc cụ thể hiện đang được xem xét ở đây.

(1) Bằng cách kiềm chế biểu cảm thể chất, ít nhất người ta có thể ức chế một phần cảm xúc. 

(2) Bằng cách nuôi dưỡng loại cảm xúc đối ngược, người ta có thể ức chế bất kỳ loại cảm xúc nào.

(3) Bằng cách từ chối tạo thói quen, người ta có thể dễ dàng thể hiện sự kiểm soát hơn.

(4) Bằng cách từ chối tập trung vào ý tưởng hoặc hình ảnh tinh thần về đối tượng gây kích động, người ta có thể giảm bớt sự kích thích.

(5) Và cuối cùng, khi có được quyền kiểm soát sự chú ý, thông qua ý chí, người ta nắm chắc dây cương trong tay, và có thể thúc giục hoặc kìm hãm những con ngựa đam mê theo ý mình.

StarGate dịch từ cuốn 
Tâm trí của bạn và cách sử dụng nó 
Tác giả William Walker Atkins 

*****

Bài tiếp theo: #14 Cảm xúc xã hội

MỤC LỤC 

No comments:

Post a Comment