Tuesday, March 5, 2024

W.A. TTCB #15 Cảm xúc tôn giáo

 

15. CẢM XÚC TÔN GIÁO 

‘Cảm xúc tôn giáo’ hàm ý một loại của cảm tưởng cảm xúc (emotional feeling) phát sinh từ đức tin (faith) và niềm tin (belief), hoặc ý thức về sự hiện diện của các sinh vật, quyền năng, thực thể hay thế lực siêu nhiên (supernatural beings, powers, entities, forces). Dạng cảm xúc này được coi là khác biệt với các cảm xúc đạo đức và luân lý, mặc dù thường được thấy có liên quan đến chúng. 

Tương tự như vậy, nó độc lập với bất kỳ hình thức niềm tin trí tuệ đặc biệt nào, vì nó sơ đẳng hơn nhiều và thường tồn tại mà không có tín ngưỡng, triết học hoặc niềm tin đã được tuyên bố, biểu hiện duy nhất trong những trường hợp như vậy là ‘cảm tưởng’ (feeling) về sự tồn tại của các sinh vật, thế lực siêu nhiên, và những quyền năng mà con người có mối quan hệ và buộc phải tuân theo.

Đối với những người có thể nghĩ rằng đây là một quan niệm quá hạn hẹp về cảm xúc tôn giáo, chúng tôi xin giới thiệu định nghĩa sau đây về ‘tôn giáo’ trong từ điển: 'Những hành động hoặc cảm tưởng (feeling) xuất phát từ niềm tin vào một vị thần, hoặc các vị thần, có quyền kiểm soát cao hơn với vật chất, cuộc sống hay số phận. Tôn giáo mang tính chủ quan, biểu thị cảm tưởng (feeling) và hành động của con người liên quan đến Chúa; thần học mang tính khách quan, biểu thị khoa học nghiên cứu sự tồn tại, quy luật và thuộc tính của Chúa’; hoặc (một cách khách quan) ‘hình dạng bên ngoài và hiện thân mà linh hồn bên trong của một sự sùng kính thật hay giả sử dụng’, (một cách chủ quan) ‘cảm tưởng tôn kính mà người tôn thờ dành cho Đấng mà anh ta tôn thờ’. 

Darwin, trong tác phẩm ‘Hậu duệ của con người’, nói rằng cảm tưởng (feeling) sùng đạo tôn giáo là một cảm tưởng rất phức tạp, bao gồm tình yêu, sự phục tùng hoàn toàn trước một đấng bề trên được tán dương và đầy bí ẩn, cảm giác phụ thuộc mạnh mẽ, sợ hãi, lòng sùng kính, biết ơn, hy vọng vào tương lai, và có lẽ cả những yếu tố khác. Ông cho rằng không một người nào có thể trải qua một cảm xúc phức tạp như vậy cho đến khi khả năng trí tuệ và đạo đức của mình ít nhất đạt mức cao vừa phải. Các chuyên gia uy tín nói chung đồng ý với Darwin, mặc dù nghiên cứu gần đây hơn về lịch sử của tôn giáo đã chỉ ra rằng cảm tưởng tôn giáo có nguồn gốc nguyên thủy hơn nhiều so với những gì được Darwin chỉ ra.

Đúng là những loài động vật bậc thấp không được coi là có khả năng có bất cứ điều gì gần giống với cảm tưởng tôn giáo, trừ khi có một cảm tưởng gần giống với nó trong thái độ của chó, ngựa và các vật nuôi khác với chủ nhân của chúng. Nhưng con người, ngay khi có thể gán các hiện tượng tự nhiên cho một nguyên nhân và sức mạnh siêu nhiên, sẽ bộc lộ cảm tưởng (feeling) và cảm xúc tôn giáo nguyên sơ. Họ bắt đầu bằng việc tin vào, sợ hãi và tôn thờ các thế lực và vật thể tự nhiên, như mặt trời, mặt trăng, gió, sấm sét, đại dương, sông, núi, v.v. Người ta khẳng định rằng không có vật thể tự nhiên nào mà không được thần thánh hóa và tôn thờ bởi một số người nào đó vào một thời điểm nào đó trong lịch sử chủng tộc.

Sau đó, con người áp dụng khái niệm nhân hình (giống hình người ) vào các vị thần và tạo ra nhiều vị thần theo hình ảnh của chính mình, tặng cho họ những thuộc tính, phẩm chất và đặc điểm riêng của mình. Những đặc điểm tinh thần và luân lý của một dân tộc luôn có thể được ấn định bằng kiến thức về quan niệm thông thường của họ về thần thánh. Thuyết đa thần, hay niềm tin vào nhiều vị thần, đã được kế thừa bởi thuyết độc thần, hay niềm tin vào một vị thần. Thuyết độc thần bao gồm từ quan niệm nguyên sơ nhất về một vị thần giống con người cho đến quan niệm cao nhất của một Sinh vật tâm linh vượt lên hẳn mọi phẩm chất, thuộc tính hoặc đặc điểm của con người. Con người bắt đầu bằng việc tin vào nhiều vật thần, rồi vào nhiều người thần, rồi vào một thần-người, rồi vào một Chúa là một linh hồn, rồi vào Một Linh hồn Phổ quát là Chúa. 

Nó khác xa với vị thần hoang dã, giống con người, của thời xa xưa trước quan niệm về Linh hồn Phổ quát của ‘triết gia ngây ngất vì Chúa’, Spinoza. Sự cực đoan của niềm tin tôn giáo chính là niềm tin cho rằng không có gì ngoài Chúa - tất cả những thứ khác chỉ là ảo ảnh’ của chủ nghĩa duy tâm phiếm thần (pantheistic idealism). Phật giáo (ít nhất là ở dạng ban đầu) đã loại bỏ ý tưởng về một Đấng tối cao và cho rằng Thực tại tối thượng chỉ là Luật phổ quát; do đó có lời buộc tội rằng Phật giáo là một 'tôn giáo vô thần', mặc dù đây là một trong những tôn giáo lớn nhất thế giới, có hơn 400.000.000 tín đồ.

Nhưng niềm tin của người tôn giáo có thể được coi là kết quả của quá trình trí lực; những cảm tưởng (feeling) và cảm xúc tôn giáo của họ nảy sinh từ một phần khác của con người tinh thần của họ. Các nhà thẩm quyền của tất cả các tôn giáo đều chứng thực rằng niềm tin tôn giáo là một trải nghiệm nội tâm chứ không phải một khái niệm trí lực. Yếu tố cảm xúc luôn năng động trong các biểu hiện tôn giáo ở khắp mọi nơi. Tôn giáo thuần túy trí lực không là gì ngoài một triết lý. Tôn giáo không có cảm tưởng và cảm xúc là một điều bất thường. 

Trong tất cả các tôn giáo chân chính đều tồn tại cảm tưởng (feeling) về sự tự tin bên trong và đức tin, tình yêu, sự kính sợ, phụ thuộc, phục tùng, lòng sùng kính, biết ơn, hy vọng và có lẽ cả sự sợ hãi. Yếu tố cảm xúc phải luôn hiện diện, không nhất thiết ở dạng cảm xúc thái quá, như trong trường hợp cơn cuồng loạn liên quan tới hoạt động của phong trào tôn giáo phục hưng (làm thức tỉnh lại lòng mộ đạo) hay vũ điệu xoay tròn của các thày tu Sufi, nhưng ít nhất là ở dạng cảm tưởng bình an, nhiệt thành của ‘sự bình an vượt qua tất cả sự hiểu biết’. Khi tôn giáo tách rời khỏi giai đoạn cảm xúc, nó đơn giản trở thành một ‘trường phái triết học’ hay một ‘xã hội văn hóa đạo đức’.

Học viên không được quên ảnh hưởng khích lệ của cảm xúc tôn giáo đích thực chỉ vì biết về nguồn gốc khiêm tốn của nó. Giống như hoa sen, có rễ nằm trong bùn nhớp nháp, bẩn thỉu của dòng sông, và thân nằm trong nước bùn lầy, tù đọng và hôi hám, nhưng bông hoa xinh đẹp của nó nở ra trong không khí trong lành và hướng về phía mặt trời, cũng vậy cảm tưởng (feeling) tôn giáo chịu trách nhiệm cho một số lý tưởng và hành động tốt đẹp và khích lệ nhất của nhân loại. 

Nếu nguồn gốc và lịch sử của nó chứa đựng nhiều điều không phù hợp với những lý tưởng cao nhất của chủng tộc ngày nay thì đó không phải là lỗi của tôn giáo mà là lỗi của chính chủng tộc. Tôn giáo, giống như mọi thứ khác trong biểu hiện phổ quát, đều tuân theo quy luật tiến hóa, tăng trưởng và phát triển. Chúng ta không biết tôn giáo của tương lai sẽ ra sao. Nhưng các nhà tiên tri của chủng tộc đang mơ nhìn thấy một tôn giáo cao hơn nhiều so với tôn giáo ngày nay, cũng như tôn giáo ngày nay cao hơn chủ nghĩa sùng bái nguyên sơ của người hoang dã.

Câu trích dẫn sau đây từ cuốn sách ‘Qua tự nhiên đến với Chúa’ của John Fiske là thích hợp cho chỗ này.  Fiske nói: ‘Mục đích của tôi là chứng tỏ rằng 'ảnh hưởng khác này', sự quả quyết bên trong, sự khao khát một nguyên nhân cuối cùng, giả thiết hữu thần, bản thân nó là một trong những sự thật chủ yếu của vũ trụ, và cũng có quyền được tôn trọng nhiều như những gì được dành cho bất kỳ sự thật nào có tính chất vật lý. 

Lập luận này lóe lên trong tôi khoảng mười năm trước khi đọc cuộc tranh cãi của Herbert Spencer với Frederic Harrison liên quan đến bản chất và thực tế của tôn giáo. Bởi vì về mặt lịch sử, Spencer cho rằng phần lớn niềm tin hiện đại về một Thế giới vô hình bắt nguồn từ thế giới nguyên sơ của những giấc mơ và ma quái, một số nhà phê bình của ông cho rằng tính nhất quán hợp lý đòi hỏi ông phải bác bỏ niềm tin hiện đại như một thứ hoàn toàn sai lầm; nếu không thì ông sẽ phạm tội tìm cách phát triển sự thật từ sự giả dối. ‘Không đời nào’, Spencer trả lời. ‘Ngược lại, hình thức tối thượng của ý thức tôn giáo là sự phát triển cuối cùng của một ý thức mà ngay từ đầu đã chứa đựng mầm mống của sự thật bị che khuất bởi vô số sai lầm’. Fiske, về vấn đề này, đã trích dẫn câu hỏi của Tennysonian:—

‘Ai đã tạo ra ảnh hưởng khác này, 
Sức nóng của bằng chứng bên trong này,
Nhờ nó họ nghi ngờ điều gì trái với lẽ thường?'

Các cảm xúc tôn giáo có thể được phát triển bằng cách cho phép tâm trí tập trung vào Quyền năng làm nền tảng cho vũ trụ của những hình thức nhất thời, thay đổi; bằng cách đọc văn xuôi và thơ trong đó bản năng tôn giáo được khơi dậy; bằng cách nghe nhạc đánh thức lòng sùng kính và kính sợ; và cuối cùng, bằng cách thiền định về tinh thần nội tại, vốn có ở mỗi sinh vật. Như một nhà hiền triết Ấn Độ giáo xưa đã từng nói: ‘Có nhiều con đường để con người đạt được sự hiểu biết về sự hiện diện của Chúa, nhưng chỉ có một mục tiêu và đích đến duy nhất’.

StarGate dịch từ cuốn 
Tâm trí của bạn và cách sử dụng nó 
Tác giả William Walker Atkins 

*****

Bài tiếp theo: #16 Cảm xúc thẩm mỹ

MỤC LỤC 


No comments:

Post a Comment