16. CẢM XÚC THẨM MỸ
‘Cảm xúc thẩm mỹ’ hàm ý những cảm tưởng cảm xúc (emotional feeling) liên quan đến cảm nhận (perception) về vẻ đẹp (beauty) hoặc gu thẩm mỹ (taste), và vì lý do đó mà chúng ta ‘thích’ hoặc ‘không thích’ một số cảm nhận nhất định về ấn tượng giác quan. Để có được một ý tưởng rõ ràng hơn, chúng ta hãy xem xét ‘vẻ đẹp’ và ‘gu thẩm mỹ’ có nghĩa là gì.
‘Vẻ đẹp’ được định nghĩa là ‘phẩm chất hoặc tập hợp các phẩm chất trong một vật thể mang lại cho mắt hoặc tai sự khoái cảm mãnh liệt; hoặc đặc tính đó ở một đối tượng làm thỏa mãn cảm tưởng trí tuệ hoặc luân lý (intellectual and moral feelings)’.
‘Gu thẩm mỹ’ (theo nghĩa này của thuật ngữ) được định nghĩa là ‘cảm nhận tinh vi (nice perception), hay khả năng cảm nhận và thưởng thức sự xuất sắc trong hoạt động của con người; khả năng đánh giá cao những phẩm chất tinh tế hơn của nghệ thuật; khả năng thấy rõ vẻ đẹp, trật tự, sự tương ứng, tỷ lệ, tính đối xứng hoặc bất cứ điều gì tạo nên sự xuất sắc, đặc biệt là trong mỹ thuật hoặc văn học; khả năng của trí óc mà qua đó chúng ta cảm nhận và tận hưởng bất cứ điều gì đẹp đẽ hoặc thăng hoa trong các tác phẩm của tự nhiên và nghệ thuật.
Việc sở hữu gu thẩm mỹ mang lại sự duyên dáng và vẻ đẹp trong các tác phẩm của một nghệ sĩ, đồng thời tránh được tất cả những gì thấp kém hoặc tầm thường. Nó thường là kết quả của năng khiếu bẩm sinh về vẻ đẹp (innate sense of beauty) hay có được nhờ giáo dục nghệ thuật, và không tài năng thiên bẩm nào có thể bù đắp được sự thiếu vắng nó. * * * Gu thẩm mỹ khác nhau rất nhiều giữa các cá nhân, các quốc gia, hoặc ở các thời đại và điều kiện văn minh khác nhau, đến mức hoàn toàn không thể thiết lập một tiêu chuẩn về gu thẩm mỹ áp dụng cho tất cả mọi người và cho mọi giai đoạn trong quá trình phát triển của xã hội.
Cảm giác (sensation), cảm tưởng (feeling) và cảm xúc (emotion) thẩm mỹ là sản phẩm của những giai đoạn tiến hóa sau này của tâm trí con người. Tuy nhiên, nguồn gốc của chúng có thể được nhìn thấy ở những nỗ lực nguyên sơ trong việc trang trí (decoration) và tô điểm (adornement) của con người thời hoang dã, và xa hơn nữa trong xu hướng của một số loài chim trang trí tổ hoặc ‘khuê phòng’ của mình. Hơn nữa, một số cảm giác (sensation) về vẻ đẹp đã phải tồn tại ở những động vật bậc thấp, gây ảnh hưởng tới sự lựa chọn bạn tình của chúng, bộ lông rực rỡ của các loài chim, màu sắc của côn trùng và động vật bậc cao chứng tỏ sự tồn tại của ít nhất là giác quan thẩm mỹ nguyên thủy (a primitive aesthetic sense). Herbert Spencer nói rằng một đặc điểm của cảm tưởng (feeling) thẩm mỹ là chúng tách biệt khỏi các chức năng cực kỳ thiết yếu và cần thiết để duy trì sự sống, và phải đến khi những chức năng sau được thỏa mãn một cách hợp lý thì những cảm giác trước mới bắt đầu biểu lộ.
Các chuyên gia uy tín cho rằng yếu tố cơ bản liên quan đến sự biểu hiện của cảm tưởng cảm xúc (emotional feeling) thẩm mỹ là yếu tố giác quan (sensory), bao gồm niềm vui phát sinh từ việc cảm nhận các đối tượng của thị giác hoặc thính giác được coi là đẹp. Có một sự thỏa mãn thần kinh nào đó nảy sinh từ cảm nhận về cảm giác nhìn thấy một vật đẹp đẽ, hay nghe thấy một âm thanh đẹp đẽ. Rất khó xác định tại sao một số cảnh tượng có vẻ dễ chịu còn những cảnh khác lại gây khó chịu, hoặc tại sao một số âm thanh nghe dễ chịu còn những âm thanh khác lại có vẻ khó chịu.
Sự liên tưởng (association) và thói quen có thể đóng vai trò nhất định trong vẻ đẹp của vật thể nhìn thấy, và có thể có sự hài hòa tự nhiên của rung động trong các màu sắc cũng như trong âm thanh. Trong trường hợp âm thanh, chắc chắn có sự hài hòa tự nhiên giữa rung động của một số nốt nhất định trong thang âm và sự không hài hòa giữa những nốt khác. Một số người cho rằng bí quyết thưởng thức âm nhạc nằm ở việc cảm nhận tự nhiên về nhịp điệu (rhythm), vì nhịp điệu là sự biểu hiện (manifestation) của vũ trụ, thể hiện rõ ràng trong mọi thứ từ lớn đến nhỏ. Nhưng những lý thuyết này không giải thích được sự khác biệt tồn tại trong thị hiếu về màu sắc và âm nhạc được biểu hiện bởi các cá nhân, chủng tộc và tầng lớp người khác nhau.
Grant Allen nói: 'Những người bình dân thích đa màu sắc, đặc biệt là đỏ, da cam và tím, những màu mang lại cho tổ chức thần kinh thô thiển của họ sự kích thích cần thiết. Những người tinh tế, với các dây thần kinh cỡ nhỏ hơn, nhưng khả năng biết phân biệt cao hơn, đòi hỏi sự kết hợp tinh tế của các yếu tố bổ sung và thích các tông màu trung tính hơn là độ chói của các màu cơ bản. Trẻ em và người hoang dã thích mặc đủ màu sắc của cầu vồng’.
Tương tự như vậy, những người có sở thích nhất định thích nhạc ‘rag time’ và những bài hát hoặc điệu nhảy ồn ào, rẻ tiền, trong khi những người khác rùng mình trước những thứ này và thấy thích thú với những tác phẩm cổ điển của các nhà soạn nhạc vĩ đại.
Ngoài ra còn cần tính đến yếu tố trí tuệ (intellect) trong các cảm xúc thẩm mỹ. Trí tuệ phải khám phá vẻ đẹp ở những đồ vật nhất định trước khi cảm xúc được khơi dậy bởi cảm nhận. Halleck nói: ‘Bất kể khi nào tâm trí thấy rõ sự thống nhất giữa sự đa dạng, trật tự, nhịp điệu, tỷ lệ hoặc sự đối xứng, một cảm xúc thẩm mỹ sẽ nảy sinh. * * * Một du khách có trí tuệ được rèn luyện sẽ thấy được nhiều vẻ đẹp hơn người thiếu hiểu biết. Khi nhìn ngắm một thánh đường, phần lớn cảm giác thích thú về mặt thẩm mỹ đến từ việc tìm ra sự đối xứng, từ việc so sánh từng phần với nhau. Chỉ cho đến khi quá trình này hoàn tất, người ta mới cảm nhận được toàn bộ vẻ đẹp của cấu trúc. Nếu du khách biết đôi điều về kiến trúc thời trung cổ trước khi bắt đầu chuyến đi châu Âu, họ sẽ thấy được nhiều vẻ đẹp hơn nữa. Ngược lại với tính thẩm mỹ mà chúng ta gọi là sự xấu xí, là cái không đối xứng, cái vô trật tự - cái mà trong đó chúng ta không thể khám phá ra nhịp điệu, bố cục hay vẻ đẹp nào cả’.
Yếu tố gợi ý liên tưởng (associative sugestion) cũng tham gia vào sự biểu hiện của cảm tưởng cảm xúc thẩm mỹ (aesthetic emotional feelings). Tâm trí chấp nhận gợi ý về vẻ đẹp của một số phong cách nghệ thuật hoặc tính ưu việt của một số thể loại âm nhạc. Mốt (fashion) tồn tại trong nghệ thuật và âm nhạc, cũng như trong trang phục, và những gì được cho là đẹp đẽ hôm nay có thể bị coi là xấu xí vào ngày mai. Điều này không hoàn toàn là do sự phát triển của gu thẩm mỹ, vì trong nhiều trường hợp, những mốt cũ được hồi sinh và lại được coi là đẹp trở lại. Hơn nữa, còn có tác động của sự liên kết giữa đối tượng của cảm xúc với các sự kiện hoặc con người nhất định. Sự liên kết này làm cho sự vật trở nên phổ biến và do đó dễ chịu và đẹp đẽ trong thời điểm hiện tại.
Gợi ý trong một câu chuyện thường làm cho vẻ đẹp của một khung cảnh nào đó, hay sự hòa hợp của một bản nhạc nào đó, khiến hàng nghìn người bừng tỉnh. Một người nổi tiếng nào đó đóng dấu phê duyệt cho một bức tranh hoặc tác phẩm âm nhạc nhất định và kìa! đám đông gọi nó là đẹp. Tuy nhiên, không được cho rằng đám đông luôn giả mạo cảm giác về vẻ đẹp và sự xuất sắc mà họ đã được gợi ý. Ngược lại, cảm tưởng (feeling) thẩm mỹ đích thực thường nảy sinh từ sự khám phá được thực hiện theo cách này.
Có một phong cách và kiểu mốt trong việc sử dụng từ ngữ, xuất phát từ một kiểu mốt, làm nảy sinh những cảm tưởng (feeling) thẩm mỹ đối với chúng. Những cảm tưởng này không phát sinh từ việc xem xét bản chất của đối tượng được diễn đạt bằng từ ngữ; trong hai từ có nghĩa giống nhau, một từ gây ra sự ghê tởm và từ còn lại ít nhất là sự khoan dung thụ động. Ví dụ, khi nói về độ ẩm có khả năng cảm nhận được thoát ra từ các lỗ chân lông của da, chúng ta có thể sử dụng một trong hai thuật ngữ tương ứng là 'sweat' hoặc 'perspiration' (đều có nghĩa là mồ hôi). Cả hai đều có nghĩa giống nhau và có nguồn gốc đáng kính như nhau. Nhưng đối với nhiều người từ 'sweat' gây ra cảm xúc thẩm mỹ khó chịu, trong khi từ 'perspiration' lại được chấp nhận mà không bị phản đối.
Một số người ghét thuật ngữ ‘victuals’, trong khi ‘viands’ hay ‘food’ (đều có nghĩa là ‘đồ ăn’) lại được chấp nhận không phản đối. Thường có một sự liên tưởng khó chịu, thấp kém, thô tục gắn liền với một số từ khiến người ta không ưa khi tiếp nhận chúng, và sự liên tưởng của nó không có mặt trong các thuật ngữ ‘lịch sự’ hơn được sử dụng để chỉ điều tương tự. Nhưng trong những trường hợp khác, chẳng có gì ngoài gợi ý đơn giản về kiểu mốt và phong cách để giải thích cho sự chấp nhận hay bác bỏ về mặt thẩm mỹ.
* * * Mặc dù đúng là tiêu chuẩn về sở thích có thể thay đổi trong những giới hạn nhất định, nhưng nó không nhiều hơn so với tiêu chuẩn về đạo đức. Vì hệ thống thần kinh, trình độ học vấn và các mối liên hệ của con người khác nhau, chúng ta có thể kết luận một cách khoa học rằng sở thích của họ chắc chắn phải khác nhau. Tính đồng nhất của các yếu tố càng cao thì sản phẩm càng ít biến đổi.
Mặt khác, trong những giới hạn nhất định, tiêu chuẩn về thẩm mỹ tương đối đồng đều. Nó được ấn định bởi đa phần những người thông minh ở mọi lứa tuổi và quốc gia. Để đánh giá tiêu chuẩn dùng để đánh giá tính chính xác của ngôn ngữ hoặc sở thích văn học của bất kỳ thời đại nào, chúng ta xem xét các cuộc trò chuyện của những diễn giả giỏi nhất, tác phẩm của những nhà văn chuẩn mực’.
Những cảm xúc thẩm mỹ có thể được phát triển và trau dồi bằng cách luyện tập và thực hành, đặc biệt là bằng sự kết hợp và làm quen với những thứ đẹp đẽ, và với những người có ‘gu thẩm mỹ tốt’. Việc đánh giá cao cái đẹp ít nhiều có tính lây lan, ít nhất là ở một mức độ phát triển nhất định, và nếu một người muốn nhận biết, hiểu và trân trọng cái đẹp, người đó nên đến nơi có cái đẹp và nơi tập trung những người ngưỡng mộ nó. Việc nghiên cứu các tác phẩm nghệ thuật mẫu mực, hoặc các vật thể của thiên nhiên, hoặc những tác phẩm âm nhạc hay nhất của các nhà soạn nhạc, sẽ góp phần rất lớn trong việc phát triển và bộc lộ những cảm tưởng (feeling) và hiểu biết thẩm mỹ cao hơn của một người.
Một số chuyên gia uy tín nhất tuyên bố rằng để phát triển những cảm tưởng (feeling) và hiểu biết thẩm mỹ tinh tế hơn và cao hơn, chúng ta phải học cách tìm ra vẻ đẹp và sự xuất sắc trong những thứ tách rời khỏi bản thân chúng ta hoặc những lợi ích ích kỷ của chúng ta. Những cảm xúc hẹp hòi, ích kỷ giết chết những cảm xúc thẩm mỹ – cả hai không thể tồn tại cùng nhau. Một người chỉ tập trung suy nghĩ vào bản thân mình hiếm khi tìm thấy vẻ đẹp hay sự hoàn hảo trong các tác phẩm nghệ thuật hoặc âm nhạc. Grant Allen đã tóm tắt chủ đề này rất hay bằng những từ sau: ‘Khiếu thẩm mỹ là sản phẩm tiến bộ của sự tinh tế và khả năng phân biệt ngày càng phát triển của các dây thần kinh, sự chú ý được rèn luyện, khuynh hướng (constitution) cảm xúc cao quý và ưu tú cũng như khả năng trí tuệ ngày càng tăng’.
*****
Bài tiếp theo: #17 Cảm xúc trí tuệ
No comments:
Post a Comment