17. CẢM XÚC TRÍ TUỆ
Việc luyện tập cảm nhận, nếu chúng ta thành thạo nó, sẽ mang lại cảm nghĩ dễ chịu, và nếu nhờ nó chúng ta thành công trong việc thực hiện một khám phá thú vị hoặc quan trọng, chúng ta sẽ cảm thấy thỏa mãn về mặt cảm xúc ở mức độ mạnh mẽ. Tương tự như vậy, chúng ta trải nghiệm những cảm nghĩ dễ chịu khi có thể nhớ rõ ràng điều gì đó mà lẽ ra đã bị lãng quên, hoặc khi chúng ta thành công trong việc nhớ lại điều gì đó đã thoát khỏi trí nhớ của mình vào lúc đó.
Cũng vậy, việc rèn luyện trí tưởng tượng là nguồn vui lớn trong nhiều trường hợp theo hướng viết, lập kế hoạch, phát minh hoặc các quá trình sáng tạo khác, hoặc thậm chí trong việc xây dựng các lâu đài trên không. Việc rèn luyện các năng lực logic mang lại niềm vui lớn cho những ai đã phát triển tốt các năng lực này.
Halleck đã nói rất hay: ‘Có lẽ không có khoảnh khắc nào hạnh phúc hơn trong cuộc đời Newton so với khi ông thành công trong việc chứng minh rằng cùng sức mạnh khiến quả táo rơi đã giữ mặt trăng và các hành tinh trong quỹ đạo của chúng. Khi Watts phát hiện ra rằng hơi nước có thể được khai thác giống như ngựa, khi một nhà phát minh thành công trong việc hoàn thiện một thiết bị giảm nhẹ sức lao động, bất cứ khi nào một điều mơ hồ được xóa bỏ, lý do của một việc đã được hiểu rõ, và một trường hợp khó hiểu được đưa vào một quy luật chung, cảm xúc trí tuệ phát sinh’.
Việc nghiên cứu các môn khoa học là nguồn vui lớn cho những ai có khuynh hướng theo đuổi những lĩnh vực đó. Đối với bộ óc khoa học, việc nghiên cứu công trình mới nhất trong lĩnh vực yêu thích mang lại niềm vui mà không điều gì khác có thể khơi dậy được. Đối với một triết gia, tác phẩm của các triết gia khác cùng trường phái mang lại sự hài lòng mãnh liệt.
Người ta cho rằng tính hài hước và hóm hỉnh là một cảm xúc trí tuệ, vì nó phụ thuộc vào việc phát hiện những đặc điểm nực cười của sự kiện. Một số nhà tâm lý học tin rằng yếu tố đặc biệt của tính hài hước là cảm nghĩ đi kèm với cảm nhận về sự không nhất quán, còn đối với sự hóm hỉnh là cảm nghĩ mình hay hơn người từ phía người hóm hỉnh, và sự đau khổ tương ứng của đối tượng của sự hóm hỉnh của anh ta.
Tuy nhiên, có vẻ như việc đánh giá cao sự hóm hỉnh phải phụ thuộc vào cảm nhận trí tuệ về sự khéo léo trong cách diễn đạt và niềm vui khi khám phá ra nó, còn cảm nghĩ hài hước nảy sinh chủ yếu từ yếu tố không nhất quán; cảm nghĩ tự mãn đối lập với sự bất mãn của người khác thuộc về những cảm xúc ích kỷ hơn.
Một chuyên gia có thẩm quyền nói: ‘Tính hài hước là một khả năng tinh thần có xu hướng phát hiện ra những điểm tương đồng khó tin giữa những sự vật về cơ bản là khác nhau, hoặc những khác biệt đáng kể giữa những sự vật được cho là giống nhau, dẫn đến sự vui vẻ bên trong hoặc một tràng cười. Tính hóm hỉnh cũng làm như vậy, nhưng chúng khác nhau. Sự hài hước có sự đồng cảm sâu sắc với con người và yêu thương con người trong khi chế nhạo những điểm yếu của họ. Sự hóm hỉnh thiếu sự thông cảm và những lời chế giễu của nó thường gây xúc phạm. Có phần khinh thường loài người, nó không đủ kiên nhẫn để nghiên cứu họ một cách kỹ lưỡng mà phải bằng lòng với việc ghi nhận những điểm giống hoặc khác nhau ở bề mặt. Tính hài hước kiên nhẫn và có khả năng quan sát nhạy bén, và thâm nhập sâu vào dưới bề mặt; do đó, trong khi những lời nói dí dỏm thường phiến diện và không công bằng, thì những lời nói hài hước thường công bằng và khôn ngoan’.
Tất nhiên, sự phát triển và trau dồi những cảm xúc trí tuệ phụ thuộc vào việc giáo dục, đào tạo, luyện tập và thực hành. Việc trau dồi trí tuệ (đã được đề cập một phần trong các phần trước của cuốn sách này, và sẽ được xem xét lại trong các chương dành cho trí tuệ) dẫn đến sự phát triển và nuôi dưỡng những cảm xúc đi kèm với nỗ lực trí tuệ. Tuy nhiên, một cách tổng quát, có thể nói rằng việc đọc những tác phẩm viễn tưởng, khoa học và triết học hay nhất, theo thời gian sẽ mang tới các hình thức tốt nhất của niềm vui và cảm nhận trí tuệ. Cái cao nhất mang lại cái tốt nhất - đó là quy luật. Chương này nên được đọc và nghiên cứu cùng với những chương liên quan tới trí tuệ.
Các cảm xúc pha trộn
Như chúng tôi đã nói khi bắt đầu xem xét chủ đề cảm xúc, phần lớn cảm xúc bao gồm nhiều cảm nghĩ và có xu hướng hòa trộn và kết hợp các yếu tố cảm xúc. Chẳng hạn, cảm xúc yêu đương chắc chắn có nguồn gốc từ những cảm nghĩ bản năng của chủng tộc, và yếu tố động cơ của nó là đam mê. Nhưng đam mê không phải là tất cả những gì có trong tình yêu tình dục của con người.
Phía trên bình diện đam mê là cảm xúc xã hội về tình bạn, sự bảo vệ và chăm sóc; mong muốn hạnh phúc của người thân yêu; sự hòa quyện giữa tình yêu của cha mẹ với tình yêu của người bạn đời. Tình yêu của con người thể hiện nhiều cảm xúc vị tha trong suốt quá trình của nó. Hạnh phúc của người thân yêu trở thành mối quan tâm chính của cuộc sống, thường thậm chí còn mạnh hơn cả việc tự bảo vệ mình. Niềm vui của người thân yêu trở thành niềm vui lớn lao nhất, vượt xa những hình thức hạnh phúc ích kỷ hơn. Sau đó là đến cảm nghĩ thẩm mỹ, tìm thấy sự hài lòng trong việc cả hai ‘thích những điều giống nhau’, sự đồng cảm và chung cảm nghĩ là sợi dây kết nối. Một số lý tưởng của cả hai kết hợp lại sẽ tạo nên một liên minh lý tưởng, thường được gọi là ‘sự hòa hợp tinh thần’.
Vì vậy, rõ ràng là mặc dù được sinh ra từ bản năng và đam mê cơ bản, tình yêu tình dục của con người lại là một cái gì đó hoàn toàn khác trong quá trình nở hoa. Tuy nhiên, nếu không có gốc rễ thì nó sẽ không tồn tại và không thể tồn tại. Đây là một ví dụ tuyệt vời về bản chất phức tạp của những cảm xúc phổ biến nhất. Nó có thể được sử dụng như một minh họa điển hình.
Điều đúng với cảm xúc này, theo cách nào đó và ở mức độ nào đó, cũng đúng với mọi dạng cảm xúc khác. Vì vậy, khi nghiên cứu một cảm xúc cụ thể, đừng vội kêu lên: ‘Nó là cái này; nó là cái kia!’ mà tốt hơn hãy thử nói: ‘Nó bao gồm cái này và cái kia, cái này và cái kia!’. Rất ít, nếu có, những cảm xúc đơn giản; phần lớn chúng rất phức tạp. Do đó khó có thể phân loại thỏa đáng và sẽ nguy hiểm nếu đưa ra định nghĩa giáo điều.
*****
Bài tiếp theo: #18 Vai trò của cảm xúc
No comments:
Post a Comment