Friday, March 8, 2024

W.A. TTCB #19 Cảm xúc và hạnh phúc

 19. CẢM XÚC VÀ HẠNH PHÚC 

‘Hạnh phúc’đã dược định nghĩa bởi một chuyên gia uy tín là ‘cảm xúc dễ chịu phát sinh từ việc thỏa mãn mọi ham muốn; sự tận hưởng niềm vui không đau đớn’. Một người khác đã nói rằng ‘hạnh phúc là trạng thái trong đó mọi ham muốn đều được thỏa mãn’. Nhưng những định nghĩa này đã bị tấn công.  

Nhiều người cho rằng trạng thái thỏa mãn tuyệt đối các ham muốn sẽ không phải là hạnh phúc, vì hạnh phúc chủ yếu bao gồm những mong đợi và hình dung dễ chịu, thứ sẽ biến mất khi ham muốn được thực hiện. Người ta cho rằng sự thỏa mãn tuyệt đối sẽ là một trạng thái tiêu cực. Paley có ý tưởng hay hơn khi ông nói rằng ‘bất kỳ trạng thái nào cũng có thể được gọi là 'hạnh phúc' nếu trong đó số lượng hoặc tổng hợp niềm vui vượt quá nỗi đau, và mức độ hạnh phúc phụ thuộc vào sự dư thừa này’.

Một số người tin rằng sự tương phản hiện tại giữa nỗi đau và niềm vui (cán cân nghiêng về phía niềm vui) là cần thiết để đạt được hạnh phúc. Dù thế nào đi nữa, mọi người đều thừa nhận rằng hạnh phúc hay nỗi bất hạnh của một người phụ thuộc hoàn toàn vào bản chất cảm xúc của người đó và mức độ thỏa mãn của nó.

Người ta cho rằng hạnh phúc là mục tiêu và mục đích sống lớn nhất của hầu hết mọi người - nếu không nói là của mọi người - hạnh phúc, tất nhiên, phụ thuộc vào chất lượng và mức độ của cảm xúc hình thành nên bản chất cảm xúc của con người. Do đó, có thể thấy rằng chúng ta phụ thuộc vào khía cạnh cảm xúc của đời sống tinh thần về điều này, cũng như về hầu hết mọi thứ khác khiến cuộc sống trở nên có giá trị.

Các nhà thần học thường cố gắng chỉ ra rằng hạnh phúc không phải là mục tiêu của cuộc sống và sự tồn tại, nhưng bản chất con người luôn khẳng định rằng hạnh phúc là mục tiêu cao nhất và triết học nói chung đã ủng hộ điều này. Nhưng sự khôn ngoan cho thấy rằng hạnh phúc không phải lúc nào cũng phụ thuộc vào niềm vui nhất thời, vì việc hy sinh niềm vui trước mắt thường mang lại hạnh phúc lớn hơn nhiều trong tương lai. 

Tương tự như vậy, một nhiệm vụ khó chịu trước mắt thường mang lại cho chúng ta sự hài lòng lớn hơn trong tương lai. Cũng vậy, việc hy sinh niềm vui cá nhân vì hạnh phúc của người khác thường là hạnh phúc lớn hơn so với việc tận hưởng niềm vui hiện tại mà phải trả giá bằng nỗi đau của người khác. Thông thường, hành động vị tha, hy sinh bản thân mang lại niềm vui lớn hơn so với khi thực hiện một hành động ích kỷ, cá nhân. 

Nhưng như một nhà lý luận tinh xảo có thể quả quyết, kết quả vẫn như nhau - hạnh phúc và sự thỏa mãn tối thượng của bản thân. Tuy nhiên, kết luận này không làm mất đi đức hạnh của hành động vị tha, bởi vì người tìm thấy niềm vui lớn nhất khi mang lại niềm vui cho người khác sẽ được chúc mừng – và cộng đồng che chở người đó cũng vậy.

Không có đức hạnh nào trong đau đớn, thống khổ, hy sinh hay bất hạnh vì chính những thứ đó. Ảo tưởng về chủ nghĩa khổ hạnh này đang dần biến mất khỏi tâm trí con người. Sự hy sinh của một người chỉ có giá trị và hợp lệ khi nó mang lại hạnh phúc lớn hơn trong hiện tại hoặc tương lai cho người đó hoặc người khác. Không có đức hạnh nào trong nỗi đau, thể chất hay tinh thần, ngoại trừ như một bước hướng tới điều tốt đẹp hơn cho bản thân hoặc những người khác. Nỗi đau, nhiều nhất, chỉ đơn giản là hồi chuông và sự cảnh báo của tự nhiên ‘đừng đi lối này’.

Người ta cũng cho rằng nỗi đau trái lại có tác dụng mang lại niềm vui, và do đó có giá trị theo cách này. Dù vậy, không một cá nhân bình thường nào cố tình tìm kiếm nỗi đau tột cùng thay cho hạnh phúc tuyệt đối; hạnh phúc tối thượng lớn nhất cho bản thân và cho những người mình yêu thương là mục tiêu bình thường và tự nhiên của một người bình thường. Nhưng khái niệm ‘những người mình yêu thương’ trong nhiều trường hợp bao gồm cả chủng tộc cũng như gia đình trực hệ.

Sự khôn ngoan cho con người thấy rằng hạnh phúc lớn nhất sẽ đến với ai biết kiểm soát và kiềm chế được nhiều cảm xúc của mình. Sự phân tán cuối cùng sẽ dẫn đến đau khổ và bất hạnh. Học thuyết về sự buông thả thiếu suy nghĩ là phi triết học và mâu thuẫn với kinh nghiệm của nhân loại. Hơn nữa, sự khôn ngoan cho thấy rằng hạnh phúc cao nhất không chỉ đến từ việc chiều chuộng những cảm xúc thể chất riêng một mình hoặc thái quá, mà đến từ sự trau dồi, phát triển và biểu hiện những cảm nghĩ cao hơn - những cảm xúc xã hội, thẩm mỹ và trí tuệ (intellect).

Những niềm vui cao hơn trong cuộc sống, văn học, nghệ thuật, âm nhạc, khoa học, phát minh, trí tưởng tượng mang tính xây dựng, v.v., mang lại sự hài lòng và hạnh phúc sâu sắc và lâu dài hơn so với những hình thức cảm nghĩ thấp hơn. Nhưng một người không nên xem thường bất kỳ phần nào trong con người cảm xúc của mình. Mọi thứ đều có công dụng của chúng, là những điều tốt; và sự lạm dụng chúng, là những điều xấu. Mọi bộ phận trong cơ thể bạn, tinh thần và thể chất, đều hữu ích để sử dụng; nhưng không có bộ phận nào được sử dụng đúng cách nếu nó lạm dụng con người thay vì chính nó được sử dụng.

 Một nhà văn gần đây đã cho rằng mục đích và mục tiêu của cuộc sống không phải là theo đuổi hạnh phúc mà là xây dựng nhân cách. Câu trả lời hiển nhiên là chúng đều giống nhau về mặt tinh thần, vì đối với người đánh giá cao giá trị của tính cách thì việc đạt được nó là hạnh phúc tuyệt vời nhất; các bậc hiền triết dạy rằng hạnh phúc lớn nhất sẽ đến với người có nhân cách phát triển toàn diện. 

Một nhà văn khác nói rằng ‘mục tiêu của cuộc sống là hoàn thiện bản thân, quan tâm đúng mức đến lợi ích của người khác'. Đây chính là nói rằng hạnh phúc lớn nhất của người khôn ngoan nằm ở con đường này. Bất kỳ ai đủ khôn ngoan hoặc đủ vĩ đại để biến những mục tiêu này thành mục đích và chủ đích của cuộc sống sẽ tìm thấy niềm hạnh phúc lớn lao nhất từ đó. Arnold Bennett đề cao một triết lý sống tốt đẹp: ‘vui vẻ, tử tế và chính trực’. Có ai nghi ngờ rằng con đường này sẽ mang lại hạnh phúc tối thượng vĩ đại không?

Hạnh phúc bao gồm những gì ‘làm mãn nguyện tinh thần’, và tinh thần phụ thuộc hoàn toàn vào đặc điểm của cảm nghĩ và cảm xúc mà một người trải qua, được cân nhắc trên bàn cân lý trí và được thể hiện trên cơ sở phán đoán và ý thức hành động đúng đắn. Mức độ hạnh phúc lớn nhất, hoặc ít nhất là tỷ lệ vui sướng và đau đớn lớn nhất, đạt được bằng cách trau dồi kỹ lưỡng và thông minh khía cạnh cảm nghĩ của con người, kết hợp với mở mang trí tuệ và làm chủ ý chí. Để có thể phát huy tối đa khả năng trải nghiệm niềm vui của bạn; để có thể lựa chọn một cách khôn ngoan điều sẽ mang lại hạnh phúc tối thượng lớn nhất phù hợp với hành động đúng đắn; và cuối cùng để có thể sử dụng ý chí theo hướng theo sát điều tốt và loại bỏ điều xấu - đây là sức mạnh tạo ra hạnh phúc. Cảm nghĩ, trí tuệ và ý chí - ở đây, như thường lệ  – phối hợp để biểu hiện kết quả.

Cuối cùng, cần nhớ rằng mọi hạnh phúc của con người đều bao gồm một phần khả năng chịu đựng nỗi đau – đau khổ. Chắc hẳn phải có chút gì đó của Chủ nghĩa khắc kỷ trong một người theo chủ nghĩa Khoái lạc có trí tuệ. Tận dụng nỗi đau, biến đau khổ thành niềm vui, biến bất hạnh hiện tại thành hạnh phúc lớn hơn trong tương lai - đây là đặc quyền của triết gia. Người ta phải học cách rút ra từ nỗi đau, sự đau khổ và bất hạnh giọt mật bí mật nằm trong trái tim mình, chứa đựng hiểu biết về ý nghĩa và cách sử dụng nỗi đau, cũng như phương tiện để chuyển hóa nó thành kiến thức và kinh nghiệm, mà từ đó sau này hạnh phúc có thể được chắt lọc. Tận dụng nỗi đau, biến đau khổ thành niềm vui, biến nỗi bất hạnh hiện tại thành niềm hạnh phúc lớn lao hơn trong tương lai - đây là đặc quyền của triết gia.

Các trạng thái và hoạt động tinh thần được gọi là 'ham muốn' là sự phát triển trực tiếp của giai đoạn cảm nghĩ và cảm xúc của tâm trí và hình thành nên động lực của ý chí. Trên thực tế, có thể nói rằng ham muốn được cấu thành từ một bên là cảm nghĩ và một bên là ý chí. Nhưng ảnh hưởng của trí tuệ hoặc khả năng lý luận đóng vai trò quan trọng nhất trong quá trình tiến hóa cảm nghĩ thành ham muốn, và trong hành động tiếp theo của ý chí bằng cách thể hiện và cân nhắc những ham muốn xung đột.

Vì vậy, vị trí hợp lý để xem xét hoạt động của trí tuệ chính là ở đây - giữa cảm xúc và ý chí. Theo đó, chúng ta sẽ tạm dừng chủ đề về cảm nghĩ và cảm xúc để quay lại chủ đề ham muốn, sau khi đã xem xét các quá trình trí tuệ của tâm trí. Tuy nhiên, như đã chỉ ra, chúng ta sẽ thấy sự hiện diện và ảnh hưởng của cảm nghĩ và cảm xúc ngay cả trong hoạt động của trí tuệ.


StarGate dịch từ cuốn 
Tâm trí của bạn và cách sử dụng nó 
Tác giả William Walker Atkins 

*****

Bài tiếp theo: #20 Trí tuệ

MỤC LỤC 

No comments:

Post a Comment