20. TRÍ TUỆ
Nhóm các trạng thái hoặc quá trình tinh thần được tập hợp dưới cái tên ‘các quá trình trí tuệ’, tạo thành nhóm lớn thứ hai của các trạng thái tinh thần, hai nhóm còn lại lần lượt là ‘cảm nghĩ’ và ‘ý chí.
‘Trí tuệ’ (intellect) được định nghĩa như sau: ‘Phần hoặc năng lực của tâm trí con người mà nhờ đó nó biết được, khác với khả năng cảm nhận và mong muốn; năng lực tư duy; sự hiểu biết’; và được định nghĩa là ‘năng lực của tâm trí con người nhờ đó nó tiếp nhận hoặc hiểu được những ý tưởng được truyền đạt đến nó bằng cảm giác hoặc cảm nhận, hoặc các phương tiện khác, khác với khả năng cảm nhận và mong muốn; quyền năng hoặc năng lực cảm nhận các đối tượng trong mối quan hệ của chúng; khả năng phán đoán và hiểu biết; cũng như khả năng tiếp nhận những dạng kiến thức cao hơn, khác biệt với khả năng cảm nhận và tưởng tượng’.
Trong các chương trước, chúng ta đã thấy rằng cá nhân có thể trải nghiệm các cảm giác trong ý thức và có thể cảm nhận chúng bằng tâm trí, sự cảm nhận này là bước đầu tiên trong hoạt động trí tuệ. Chúng ta cũng thấy rằng một người có thể tái tạo cảm nhận bằng trí nhớ và trí tưởng tượng, đồng thời bằng trí tưởng tượng, người đó có thể kết hợp lại và sắp xếp lại các đối tượng của cảm nhận. Chúng ta cũng thấy rằng anh ta có cái được gọi là ‘cảm nghĩ’, điều này phụ thuộc vào kinh nghiệm trước đây của người đó và của tổ tiên mình. Cho đến nay tâm trí chỉ được coi là một công cụ tiếp nhận và tái tạo, có gắn thêm sức mạnh tái kết hợp của trí tưởng tượng. Cho đến thời điểm này, tâm trí có thể được so sánh với chiếc đĩa hát, với một phần đính kèm có khả năng kết hợp lại những ấn tượng đã được ghi lại của nó. Các ấn tượng được tiếp nhận và cảm nhận, được lưu trữ, được tái tạo và và với sự trợ giúp của trí tưởng tượng, chúng được kết hợp lại.
Cho đến thời điểm này, tâm trí ít nhiều được coi là một năng lực tự động, có tính bản năng. Nó có thể được truy ngược lại từ hoạt động phản xạ thuần túy của các dạng sống thấp nhất cho đến các loài động vật bậc thấp, từng bước một, cho đến khi người ta cảm nhận được mức độ năng lực tinh thần rất cao ở các loài động vật như con ngựa, chó hoặc voi. Nhưng có điều gì đó còn thiếu. Còn thiếu sức mạnh đặc biệt của tư duy bằng các biểu tượng và khái niệm trừu tượng, giúp phân biệt loài người và là thứ được gắn chặt với khả năng ngôn ngữ hoặc diễn đạt suy nghĩ bằng lời nói. Quá trình tinh thần tương đối cao của các loài động vật bậc thấp bị lu mờ bởi khả năng ‘suy nghĩ’ của con người. Và suy nghĩ là biểu hiện của trí tuệ.
Suy nghĩ cái gì vậy? Điều kỳ lạ là ban đầu rất ít người có thể trả lời đúng câu hỏi này. Họ thấy mình có xu hướng trả lời câu hỏi bằng lời của một đứa trẻ: ‘Sao cơ, suy nghĩ có nghĩa là suy nghĩ!” Hãy xem liệu chúng ta có thể giải thích điều này rõ ràng hay không. Định nghĩa trong từ điển quá mang tính kỹ thuật nên không thể áp dụng nhiều cho người mới bắt đầu, nhưng đây rồi: ‘Việc sử dụng bất kỳ năng lực trí tuệ nào khác ngoài khả năng cảm nhận đơn thuần thông qua các giác quan’. Nhưng những ‘sức mạnh trí tuệ’ này là gì và chúng được sử dụng như thế nào? Hãy cùng xem.
Nói một cách đơn giản, chúng ta có thể nói rằng 'suy nghĩ' là quá trình tinh thần (1) so sánh cảm nhận của chúng ta về các sự vật với nhau, ghi nhận hững điểm giống và khác nhau; (2) phân loại chúng theo những điểm tương đồng hoặc khác biệt đã được xác định, sau đó bó chặt chúng với nhau thành các bó tinh thần, mỗi tập hợp ‘sự vật cùng loại’ trong một bó riêng; (3) hình thành ý tưởng (khái niệm) tinh thần trừu tượng, mang tính biểu tượng về từng loại sự vật được nhóm lại, mà sau này chúng ta có thể sử dụng giống như việc sử dụng các con số trong các phép tính toán học; (4) sử dụng các khái niệm này để hình thành các phép nội suy, nghĩa là suy luận từ cái đã biết đến cái chưa biết, và đưa ra các phán đoán về sự vật; (5) so sánh các phán đoán này và từ đó suy ra các phán đoán cao hơn; và cứ như thế.
Nếu không suy nghĩ, con người sẽ phụ thuộc vào từng trải nghiệm cụ thể để có được kiến thức, ngoại trừ những trường hợp trí nhớ và trí tưởng tượng có thể giúp họ theo bản năng. Thông qua các quá trình suy nghĩ, họ có thể suy luận rằng nếu một số điều nhất định đúng với một sự vật thuộc một loại nhất định, thì điều tương tự cũng có thể xảy ra với những sự vật khác cùng loại.
Khi họ có thể ghi nhận những điểm giống hoặc khác nhau, họ có thể đưa ra những phép nội suy rõ ràng và chân thực hơn. Ngoài ra, họ có thể áp dụng trí tưởng tượng mang tính xây dựng của mình vào việc sắp xếp lại và kết hợp lại những thứ mà họ đã khám phá ra bản chất, và do đó mà tiến bộ cả về thành tựu vật chất cũng như kiến thức. Tuy nhiên, cần nhớ rằng trí tuệ phụ thuộc hoàn toàn vào cảm nhận để có chất liệu, về phần mình cảm nhận nhận được chất liệu thô từ các giác quan.
Trí tuệ chỉ tập hợp các chất liệu của cảm nhận lại với nhau, thực hiện các phép nội suy, rút ra kết luận và hình thành các kết luận liên quan tới chúng, và trong trường hợp trí tưởng tượng mang tính xây dựng, nó tái kết hợp chúng thành những hình thức và sự sắp xếp hiệu quả. Trí tuệ chiếm vị trí cuối cùng trong quá trình tiến hóa tinh thần. Nó xuất hiện cuối cùng theo thứ tự trong tâm trí của đứa trẻ, nhưng nó thường vẫn tiếp tục ở tuổi già sau khi cảm nghĩ đã mờ nhạt và trí nhớ yếu đi.
Các khái niệm
Cái được gọi là ‘khái niệm’ (concept) là thành quả đầu tiên của các quá trình tư duy cơ bản. Các hình ảnh khác nhau của các đối tượng bên ngoài được các giác quan tiếp nhận, rồi được cảm nhận và sau đó được nhóm lại theo những điểm tương đồng và khác biệt của chúng, và tạo ra các khái niệm. Thật khó để định nghĩa khái niệm sao cho có thể truyền đạt được một ý nghĩa nào đó cho người mới bắt đầu. Ví dụ, từ điển đưa ra định nghĩa khái niệm là ‘một nhận thức, ý tưởng hoặc ý niệm chung chung, trừu tượng được hình thành trong tâm trí’. Nó không rõ ràng lắm đúng không?
Có lẽ chúng ta có thể hiểu rõ hơn nếu nói rằng các thuật ngữ chó, mèo, người, ngựa, ngôi nhà, v.v., mỗi thuật ngữ thể hiện một khái niệm. Mỗi thuật ngữ thể hiện một khái niệm; mọi tên gọi chung của một sự vật hoặc chất lượng đều là một thuật ngữ áp dụng cho khái niệm đó. Chúng ta sẽ thấy điều này rõ ràng hơn một chút khi đi tiếp.
Có sự khác biệt giữa hình ảnh tinh thần của trí tưởng tượng và một khái niệm. Hình ảnh tinh thần luôn phải là một sự vật cụ thể, trong khi khái niệm luôn là ý tưởng về một loại sự vật chung chung không thể hình dung rõ ràng trong tâm trí.
Ví dụ, trí tưởng tượng có thể hình thành nên hình ảnh tâm trí về bất kỳ loài chim nào đã biết, hoặc thậm chí về một con chim tưởng tượng, nhưng con chim đó sẽ luôn là một con chim đặc biệt, cụ thể. Hãy cố gắng hình dung trong đầu một bức tranh chung về các loài chim – bạn sẽ làm điều đó như thế nào? Bạn có nhận ra sự khó khăn không?
Đầu tiên, một hình ảnh như vậy sẽ phải bao gồm các đặc điểm của các loài chim lớn, chẳng hạn như đại bàng, đà điểu và thần ưng; và các loài chim nhỏ, chẳng hạn như chim hồng tước và chim ruồi. Nó phải là sự tổng hợp hình dạng của tất cả các loài chim, từ đà điểu, thiên nga, đại bàng, sếu, cho đến chim sẻ, chim én và chim ruồi. Nó phải phản ánh những phẩm chất đặc biệt của các loài chim săn mồi, chim nước và chim nhà, cũng như các loài ăn ngũ cốc. Nó phải thể hiện tất cả các màu sắc có trong đời sống của loài chim, từ màu đỏ và xanh lá cây tươi nhất cho đến màu xám và nâu trang nhã. Suy nghẫm một chút sẽ thấy rằng không thể hình dung rõ ràng về một khái niệm như vậy trong đầu. Điều mà hầu hết chúng ta làm khi nghĩ đến ‘chim’ là hình dung ra một hình dạng bay mơ hồ, màu sắc mờ nhạt; nhưng khi chúng ta dừng lại để nghĩ rằng thuật ngữ này cũng phải bao gồm cả con vịt lạch bạch và con gà đang mổ thóc trong chuồng, chúng ta thấy rằng hình ảnh trong đầu của chúng ta đã sai lầm.
Rắc rối là thuật ngữ 'chim' thực sự có nghĩa là 'toàn loài chim' và chúng ta không thể hình dung ra 'toàn loài chim' theo đúng bản chất của vấn đề. Do đó, các thuật ngữ của chúng ta giống như các con số toán học hoặc các ký hiệu đại số được sử dụng để giúp tư duy dễ dàng, nhanh chóng và rõ ràng.
Rắc rối không kết thúc ở đây. Khái niệm không chỉ bao gồm ý tưởng chung về các sự vật mà còn bao gồm ý tưởng chung về phẩm chất của các sự vật . Vì vậy, độ ngọt, độ cứng, lòng can đảm và năng lượng là những khái niệm, nhưng chúng ta không thể tạo dựng hình ảnh tinh thần về chúng.
Chúng ta có thể hình dung ra một vật ngọt, nhưng không thể hình dung ra chính độ ngọt. Vì vậy, bạn thấy rằng một khái niệm là một ý tưởng tinh thần trừu tượng thuần túy - một biểu tượng - giống như các con số 1, 2, 3, v.v., và được sử dụng theo cách tương tự. Chúng đại diện cho các loại chung của sự vật. Một ‘thuật ngữ’ là sự diễn đạt bằng lời nói và văn bản của ý tưởng hoặc khái niệm chung. Học viên được yêu cầu ghi nhớ những khác biệt này trong tâm trí của mình, để có thể hiểu sâu hơn về chúng một cách dễ dàng.
*****
Bài tiếp theo: #21 Khái niệm hóa
No comments:
Post a Comment