Saturday, March 9, 2024

W.A. TTCB #21 Khái niệm hóa


21. KHÁI NIỆM HÓA (CONCEPTION)

Quá trình khái niệm hóa đã được Gordy định nghĩa rõ ràng là ‘hành động của tâm trí nhờ đó nó hình thành ý tưởng về một loại (class); hoặc hành động của tâm trí cho phép chúng ta sử dụng những cái tên chung một cách thông minh’. Ông nói thêm: ‘Tất nhiên, cần hiểu rằng tôi đang dùng từ ‘loại’ để biểu thị một số lượng không xác định các cá nhân giống nhau ở một số điểm nhất định’.

Cảm nhận 

Bước đầu tiên trong quá trình khái niệm hóa, như chúng ta đã thấy, là cảm nhận. Dễ dàng nhận thấy rằng đặc điểm của quá trình trí tuệ của chúng ta phụ thuộc chủ yếu vào sự đa dạng, rõ ràng và chính xác của cảm nhận của mình. Vì vậy, một lần nữa, chúng tôi nhắc lại với các học viên về chương trong đó chúng tôi đã nêu tầm quan trọng của sự cảm nhận rõ ràng.

Trí nhớ 

Các bước khái niệm hóa trong tương lai phụ thuộc chủ yếu vào độ rõ ràng của trí nhớ, vì chúng ta chỉ có thể phân loại các đối tượng bằng cách ghi nhớ các phẩm chất của chúng vượt ra ngoài khoảnh khắc tức thời của cảm nhận thực tế ban đầu. Vì vậy, trí nhớ cần được tăng cường cho hoạt động này cũng như các đối tượng khác.

Trừu tượng hóa 

Bước thứ hai trong khái niệm hóa là trừu tượng hóa các phẩm chất của sự vật được quan sát. Nghĩa là, chúng ta phải cảm nhận và sau đó bằng ý nghĩ gạt sang một bên những phẩm chất quan sát được của sự vật. Chẳng hạn, con người đầu tiên cảm nhận được sự hiện diện của những phẩm chất nhất định trong sự vật. Họ phát hiện ra rằng một số thứ nhất định có một số đặc điểm chung, trong khi những thứ khác có những đặc điểm khác theo cách tương tự, và do đó nảy sinh sự phân loại dựa trên sự so sánh. 

Nhưng cả sự so sánh và phân loại chỉ có thể thực hiện được bằng cách trừu tượng hóa, hay cảm nhận về phẩm chất như một ‘vật’; bằng cách này diễn ra sự trừu tượng hóa ý tưởng về phẩm chất của độ ngọt từ ý tưởng về đường. Độ ngọt là một phẩm chất đúng hơn là một sự vật. Đó là thứ mà đường sở hữu, và giúp đường trở thành nó như nó là.

Màu sắc, hình dạng, kích thước, phẩm chất tinh thần, thói quen hành động là một số phẩm chất đầu tiên được quan sát thấy ở sự vật và được trừu tượng hóa trong suy nghĩ. Độ đỏ, độ ngọt, độ cứng, độ mềm, độ lớn, độ nhỏ, hương thơm, độ nhanh nhẹn, độ chậm chạp, độ hung dữ, độ dịu dàng, độ ấm áp, độ lạnh lùng, v.v. là những phẩm chất trừu tượng của sự vật. Tất nhiên, những phẩm chất này không bao giờ thực sự tách rời khỏi sự vật, nhưng tâm trí tách chúng ra để giúp việc suy nghĩ trở nên dễ dàng hơn. 

Một chuyên gia uy tín nói: ‘Động vật không có khả năng trừu tượng hóa, và đó là lý do tại sao chúng không thể phát triển tư duy hình thức. * * * Tư duy trừu tượng giống với tư duy lý trí, là một đặc điểm đặc trưng của tư duy của những sinh vật biết nói. Đây là lý do tại sao tư duy trừu tượng trên trái đất là tài sản độc quyền của con người, và tại sao loài vật không có khả năng tư duy trừu tượng. Quá trình đặt tên là cơ chế của trừu tượng hóa, vì những cái tên thiết lập sự độc lập về mặt tinh thần của các đối tượng được đặt tên’. 

Quá trình trừu tượng hóa phụ thuộc vào sự chú ý – sự chú ý được tập trung. Sự chú ý hướng tới những phẩm chất của một sự vật sẽ giúp trừu tượng hóa chính sự vật thành những phẩm chất trong suy nghĩ. Mill nói: ‘Sự trừu tượng hóa chủ yếu là kết quả của sự chú ý’. Hamilton nói: ‘Sự chú ý và sự trừu tượng hóa chỉ là cùng một quá trình được xem xét trong các mối quan hệ khác nhau’. Trau dồi khả năng trừu tượng hóa chủ yếu có nghĩa là trau dồi sự chú ý. Bất kỳ hoạt động tinh thần nào nghiêng về sự phân tích hoặc tách riêng một sự vật thành các phần, các phẩm chất hoặc yếu tố sẽ giúp trau dồi và phát triển khả năng trừu tượng hóa.

Thói quen chuyển các phẩm chất thành khái niệm có được bằng cách chuyển các thuật ngữ tính từ thành các thuật ngữ danh từ tương ứng. Ví dụ, một viên kẹo có màu sắc mang phẩm chất tròn, cứng, đỏ, ngọt, v.v.. Bằng cách chuyển những phẩm chất tính từ này thành thuật ngữ danh từ, chúng ta có các khái niệm lần lượt là độ tròn, độ cứng, độ đỏ và độ ngọt.

So sánh 

Các loại được hình thành từ sự giống nhau hoặc sự tương tự, trong khi các cá thể được tách ra khỏi các loại bằng cách phát hiện sự khác biệt. Cuối cùng, người ta thấy rằng những sự vật riêng biệt, tuy có nhiều điểm khác biệt thể hiện tính cá nhân của chúng, nhưng vẫn có một vài điểm tương đồng cho thấy chúng thuộc cùng một họ hoặc một loại chung. Việc khám phá những điểm tương đồng và khác biệt về phẩm chất của những sự vật khác nhau là một quá trình tinh thần quan trọng. Nhiều quá trình suy nghĩ cao hơn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng so sánh mọi thứ một cách chính xác. Mở rộng khả năng chú ý và cảm nhận sẽ giúp phát triển khả năng so sánh.

Phân loại hay Khái quát hóa

Bước thứ tư của khái niệm hóa là phân loại hoặc khái quát hóa, theo đó chúng ta tập hợp các sự vật riêng lẻ thành một gói tinh thần hoặc một loại, sau đó tập hợp gói này cùng với các gói khác thành một lớp cao hơn và cứ tiếp tục như vậy. Bằng cách này chúng ta nhóm tất cả các con chim nhỏ riêng lẻ có những phẩm chất nhất định thành một loài, sau đó một số loài có liên quan thành một họ lớn hơn, và sau đó thành một họ lớn hơn nữa, cho đến khi cuối cùng chúng ta nhóm tất cả các họ chim thành một họ lớn mà chúng ta gọi là ‘các con chim’ và tên gọi đơn giản của nó là thuật ngữ ‘chim’ thể hiện khái niệm chung.

Jevons nói: ‘Chúng ta phân loại mọi thứ cùng nhau bất cứ khi nào chúng ta nhận thấy chúng giống nhau ở bất kỳ khía cạnh nào, và do đó nghĩ về chúng cùng nhau. Khi phân loại một tập hợp đối tượng, chúng ta không chỉ gộp các đối tượng giống nhau thành các nhóm, mà còn chia mỗi lớp thành những nhóm nhỏ hơn trong đó sự tương đồng hoàn chỉnh hơn. 

Như vậy, lớp chất màu trắng có thể được chia thành các chất rắn và các chất lỏng, do đó chúng ta có hai lớp nhỏ: các chất chất trắng-rắn và các chất trắng-lỏng. Điều mong muốn là có những cái tên để chỉ ra rằng một lớp được chứa trong một lớp khác, và theo đó, chúng ta gọi lớp được chia thành hai hoặc nhiều lớp nhỏ hơn là chi, và những lớp nhỏ hơn mà nó được chia thành là loài’.

Mỗi loài là một họ nhỏ gồm các cá thể hợp thành nó, đồng thời là một loài riêng lẻ của chi ngay trên nó; đến lượt mình, chi này là họ của một số loài, đồng thời là một chi riêng lẻ trong họ hoặc chi lớn hơn phía trên nó.

Học viên có thể làm quen với ý tưởng khái quát hóa bằng cách coi mình là một cá nhân, John Smith. John đại diện cho đơn vị khái quát đó. Bước tiếp theo là kết hợp John với những người mang họ Smith khác trong gia đình trực hệ của anh ấy. Sau đó, gia đình này có thể được nhóm lại với những mối quan hệ huyết thống gần gũi của John, v.v., cho đến khi cuối cùng tất cả những người mang họ Smith có liên quan, gần và xa, được nhóm lại với nhau trong một đại gia đình Smith.

Hoặc, theo cách tương tự, nhóm gia đình có thể được mở rộng cho đến khi bao gồm tất cả người da trắng trong một quận, sau đó là tất cả người da trắng trong bang, rồi trong nước Mỹ; rồi đến tất cả các chủng tộc da trắng, rồi đến tất cả các chủng tộc da trắng và da sáng khác, rồi đến tất cả nhân loại. Sau đó, nếu muốn, quá trình này có thể được tiếp tục cho đến khi nó bao trùm mọi sinh vật sống từ các sinh vật khởi sinh đến con người. 

Đảo ngược quá trình này, các sinh vật sống có thể được phân chia và chia nhỏ cho đến khi tất cả nhân loại được coi là một lớp. Khi đó chủng tộc con người có thể được chia thành các chủng tộc phụ tùy theo màu da; sau đó chủng tộc da trắng có thể được chia thành người Mỹ và người không phải người Mỹ. Rồi người Mỹ có thể được chia thành cư dân của một số bang, hoặc thành người bang Indiana và người không phải người bang Indiana; sau đó thành cư dân của một số quận của Indiana, và rồi đến cư dân của quận Posey. Người dân Quận Posey sau đó được chia thành người mang họ Smith và người không mang họ Smith; sau đó gia đình Smith được chia thành các nhóm gia đình cấu thành của nó, rồi thành các gia đình nhỏ hơn, v.v., cho đến khi sự phân loại đạt đến một John Smith cụ thể, người cuối cùng được nhận thấy là một cá nhân - trong một lớp riêng của mình. Đây là câu chuyện về quá trình khái quát hóa tăng dần và giảm dần.

StarGate dịch từ cuốn 
Tâm trí của bạn và cách sử dụng nó 
Tác giả William Walker Atkins 

*****

Bài tiếp theo: #22 Các loại khái niệm

MỤC LỤC


No comments:

Post a Comment