Trong chương trước chúng ta đã tìm hiểu quá trình khái niệm hóa - hình thành các khái niệm. Ý tưởng về một loại sự vật hoặc phẩm chất chung là một khái niệm. Mỗi khái niệm chứa đựng những phẩm chất chung cho tất cả các cá thể trong loại, nhưng không phải những phẩm chất chỉ liên quan đến các loại nhỏ hoặc các cá nhân.
Ví dụ, khái niệm ‘chim’ nhất thiết phải bao gồm những phẩm chất chung là máu nóng, có lông, có cánh, đẻ trứng và có xương sống. Nhưng nó sẽ không bao gồm màu sắc, hình dạng, kích thước đặc biệt hoặc các tính năng hoặc đặc điểm đặc biệt của các phân họ hoặc các cá thể tạo nên loại lớn. Một loại bao gồm các cá thể và các loại con cấu thành nên nó; khái niệm này bao gồm những phẩm chất chung và phổ biến mà tất cả mọi cá thể trong loại đều có.
Cảm nhận là hình ảnh tinh thần của một sự vật cụ thể; khái niệm là ý tưởng tinh thần về những phẩm chất chung của một loại sự vật. Cảm nhận phát sinh từ sự cảm nhận về một cảm giác; khái niệm thuần túy là sự sáng tạo tinh thần trừu tượng, nó tồn tại duy nhất trong thế giới ý tưởng và không có đối tượng riêng lẻ tương ứng trong thế giới giác quan.
Có hai loại khái niệm chung, đó là: (1) các khái niệm cụ thể, trong đó những đặc tính chung của một loại sự vật được kết hợp thành một ý tưởng khái niệm, chẳng hạn như 'chim' mà chúng ta đã nói đến; (2) các khái niệm trừu tượng, trong đó kết hợp ý tưởng của một số phẩm chất chung cho một số thứ, chẳng hạn như ‘độ ngọt’ hay 'độ đỏ’. Quy tắc nổi tiếng về thuật ngữ của Jevons giúp ghi nhớ sự phân loại này: 'Một thuật ngữ cụ thể là tên của một sự vật; một thuật ngữ trừu tượng là tên gọi phẩm chất của một sự vật’.
Cuối cùng, khi cá thể được tiếp cận, chúng ta thấy rằng nó có nhiều phẩm chất hơn bất kỳ loại nào có thể có; nhưng nó bao gồm số lượng cá thể nhỏ nhất có thể, một. Bí mật là thế này: Không có hai cá thể nào có thể có nhiều phẩm chất chung như mỗi cá thể có thể có, trừ khi chúng hoàn toàn giống nhau, điều này về bản chất là không thể.
Những khái niệm không hoàn hảo
Người ta nói rằng ngoài những định nghĩa khoa học chặt chẽ, rất ít người đồng thuận với nhau về khái niệm riêng cho cùng một sự vật. Mỗi người có khái niệm riêng của mình về sự vật cụ thể mà họ thể hiện bằng cùng một thuật ngữ.
Một số người được yêu cầu định nghĩa một thuật ngữ phổ biến như ‘tình yêu’, ‘tôn giáo’, ‘đức tin’, ‘niềm tin’, v.v., sẽ đưa ra nhiều câu trả lời khác nhau đến mức gây ra sự ngạc nhiên. Như Green nói: ‘Ý tưởng hoặc hình ảnh của tôi là của riêng tôi - nó sẽ không hoàn hảo nếu quan sát bất cẩn, nó sẽ đúng nếu quan sát chăm chú, cẩn thận và từ nhiều góc cạnh. Có một khoảng cách rất lớn giữa ý tưởng của tôi và của bạn. Không ai có thể đi từ ý tưởng của tôi sang ý tưởng của bạn hoặc từ ý tưởng của bạn sang ý tưởng của tôi. Ý tưởng của tôi cũng không thể được chuyển tải đến bạn theo bất kỳ nghĩa đen nào của từ này. Lời nói không truyền tải được ý nghĩ; chúng không phải là phương tiện của ý nghĩ theo đúng nghĩa của từ này. Một từ chỉ đơn giản là một biểu tượng chung mà mọi người liên tưởng đến ý tưởng hoặc hình ảnh của riêng mình’.
Lý do có sự khác biệt trong các khái niệm của một số người là vì rất ít khái niệm của chúng ta gần với hoàn hảo; hầu hết chúng không hoàn hảo và không đầy đủ. Jevons cho chúng ta ý tưởng về điều này trong nhận xét của ông về phân loại: ‘Mọi thứ có vẻ rất giống nhau nhưng thực ra không phải vậy. Cá voi, cá heo, hải cẩu và một số loài động vật khác sống ở biển giống hệt như cá; chúng có hình dạng tương tự và thường được xếp vào nhóm cá. Người ta nói rằng mọi người đi đánh bắt cá voi. Tuy nhiên, những loài động vật này thực ra không phải là cá mà giống với chó, ngựa và các động vật bốn chân khác hơn là cá. Chúng không thể sống hoàn toàn dưới nước và hít thở không khí có trong nước như cá, thỉnh thoảng chúng phải ngoi lên mặt nước để lấy hơi. Tương tự như vậy, chúng ta không nên phân loại dơi là chim bởi vì chúng bay, mặc dù chúng có thứ có thể gọi là cánh; những đôi cánh này không giống cánh của chim, và trên thực tế, dơi giống chuột cống và chuột nhắt hơn là giống chim.
Các nhà thực vật học đã từng phân loại thực vật theo kích thước của chúng như cây gỗ, cây bụi hoặc cây thân thảo, nhưng giờ đây chúng ta biết rằng một cây lớn thường có đặc điểm giống với một loại thảo mộc nhỏ hơn là với những cây lớn khác. Cây hoa cúc có ít sự tương đồng với cây kế sữa; tuy nhiên nhà thực vật học lại cho rằng chúng rất giống nhau. Cây tre mọc cao vút là một loại cỏ, mía cũng cùng loại với lúa mì và yến mạch’.
Điều quan trọng là phải hình thành được những khái niệm rõ ràng, ít nhất là về những điều quen thuộc trong cuộc sống. Danh sách các khái niệm rõ ràng nên được bổ sung thường xuyên bằng cách nghiên cứu, điều tra và thử nghiệm.
Nên tra cứu từ điển thường xuyên và nghiên cứu thuật ngữ cho đến khi hiểu rõ ý nghĩa của khái niệm mà thuật ngữ đó muốn diễn đạt.
Một bộ bách khoa toàn thư tốt (không nhất thiết phải là một bộ bách khoa đắt tiền, trong thời buổi xuất bản giá rẻ ngày nay) cũng sẽ tỏ ra rất hữu ích về mặt này. Như Halleck nói: ‘Phải nhớ rằng hầu hết các khái niệm của chúng ta đều có thể thay đổi trong suốt cuộc đời; rằng lúc đầu chúng chỉ được tạo ra một cách tạm thời; kinh nghiệm có thể cho chúng ta thấy bất cứ lúc nào, rằng chúng đã được hình thành một cách sai lầm, chúng ta đã trừu tượng hóa quá ít hoặc quá nhiều, tạo nên một loại quá lớn hoặc quá nhỏ, hoặc có một phẩm chất cần được thêm vào ở chỗ này và bớt đi ở chỗ kia’.
Một cách thực hành tốt là ghi lại bất cứ điều gì mà bạn có thể nghe thấy nhưng không biết gì về nó, sau đó thực hiện một cuộc điều tra ngắn gọn nhưng kỹ lưỡng về điều đó, bằng từ điển và bách khoa toàn thư, và bất cứ tác phẩm chất lượng nào có thể có được về chủ đề này, không ngừng lại trước khi bạn cảm thấy rằng ít nhất mình đã có một ý tưởng rõ ràng về ý nghĩa thực sự của sự việc.
StarGate dịch từ cuốn
*****
Bài tiếp theo: #23 Phán đoán
No comments:
Post a Comment