Lập luận, bước lớn thứ ba trong tư duy, có thể nói là việc thiết lập những chân lý mới từ những chân lý cũ, những phán đoán mới từ những phán đoán cũ, những sự kiện chưa biết từ những sự kiện đã biết; tóm lại, là chuyển một cách logic từ cái đã biết đến cái chưa biết, sử dụng cái đã biết làm cơ sở cho cái chưa biết mà người ta đang muốn biết.
Gordy cho chúng ta định nghĩa xuất sắc sau đây về thuật ngữ này: ‘Lập luận là hành động đi từ cái đã biết đến cái chưa biết thông qua những niềm tin khác; phán đoán dựa trên phán đoán; đạt được niềm tin thông qua niềm tin’. Khi đó, lập luận được coi là một quá trình xây dựng một cấu trúc phán đoán, cái này dựa vào cái kia, điểm trên cùng là phán đoán cuối cùng, nhưng toàn bộ cấu thành một dinh thự phán đoán. Điều này có thể được thấy rõ hơn khi xem xét các hình thức lập luận khác nhau.
Lập luận trực tiếp
Hình thức lập luận đơn giản nhất được gọi là ‘lập luận trực tiếp’, có nghĩa là lý luận bằng cách so sánh trực tiếp hai phán đoán mà không có sự can thiệp của phán đoán thứ ba, vốn được tìm thấy trong các loại lý luận kiểu cách hơn. Hình thức lập luận này phụ thuộc phần lớn vào việc áp dụng Ba Quy luật cơ bản của Tư duy mà chúng tôi đã đề cập ở chương trước.
Sẽ thấy rằng nếu (a) một sự vật luôn luôn là chính nó, thì (b) mọi thứ bao gồm trong nó đều phải tham dự vào bản chất của nó. Ví dụ, một họ chim có những đặc điểm của lớp (class) chung nhất định, do đó bằng lý luận trực tiếp, chúng ta biết rằng bất kỳ thành viên nào trong họ này đều phải mang những đặc điểm của lớp chung, bất kể nó có thể có thêm những những đặc điểm đặc biệt nào. Và chúng ta cũng biết rằng tất nhiên chúng ta không thể gán những đặc điểm cụ thể cho các thành viên khác của lớp. Vì vậy, mặc dù tất cả chim sẻ đều là chim, nhưng không phải tất cả các loài chim đều là chim sẻ. ‘Tất cả bánh quy đều là bánh mì; nhưng tất cả bánh mì không phải là bánh quy’.
Tương tự như vậy, chúng ta biết rằng một vật không thể vừa là chim vừa là động vật có vú, vì động vật có vú tạo thành một họ không phải chim. Và, tương tự như vậy, chúng ta biết rằng mọi thứ đều phải là chim hoặc không phải chim, nhưng không phải là chim không có nghĩa là là động vật có vú, vì còn có nhiều thứ khác không phải chim ngoài động vật có vú.
Nhiều người không nhận thấy sự khác biệt này trong lập luận của họ, và lập luận một cách sai lầm, chẳng hạn, rằng vì một số con thiên nga có màu trắng nên tất cả các con thiên nga đều phải như vậy, điều này khác xa với lập luận rằng nếu tất cả đều thế này thế kia thì một số phải thế này thế kia. Những người quan tâm đến chủ đề này có thể tham khảo một số sách giáo khoa cơ bản về logic, vì việc xem xét chi tiết sẽ nặng về kỹ thuật quá nên không thể bàn bạc ở đây.
Lập luận bằng phép loại suy (analogy)
Lập luận bằng phép loại suy (tương tự) là một hình thức lập luận cơ bản và là kiểu lập luận đặc biệt được hầu hết mọi người sử dụng trong tư duy thông thường. Nó dựa trên sự thừa nhận vô thức của tâm trí con người về một nguyên tắc mà Jevons đã diễn đạt như sau: ‘Nếu hai hoặc nhiều thứ giống nhau ở nhiều điểm, thì chúng có khả năng giống nhau ở nhiều điểm nữa’.
Cùng chuyên gia uy tín này nói: ‘Lập luận bằng phép loại suy chỉ khác ở mức độ so với kiểu lập luận được gọi là ‘khái quát hóa’. Khi nhiều thứ giống nhau ở một vài đặc tính, chúng ta bàn luận về chúng bằng cách khái quát hóa. Khi một vài thứ giống nhau về nhiều đặc tính thì đó là trường hợp của ngoại suy (tương tự)’.
Mặc dù dạng lập luận này thường được áp dụng với kết quả ít nhiều thỏa đáng, nhưng nó luôn có tỷ lệ sai sót lớn. Ví dụ, người ta đã bị ngộ độc bởi những cây nấm cóc vì lập luận ngoại suy sai lầm rằng vì nấm có thể ăn được nên những cây nấm cóc giống với chúng cũng phải phù hợp để làm thức ăn; hoặc, theo cách tương tự, vì một số loại quả mọng giống với những quả mọng ăn được khác nên chúng cũng phải là thực phẩm tốt.
Như Brooks nói: 'Để kết luận rằng vì John Smith có mũi đỏ và cũng là một người say rượu nên Henry Jones, người cũng có mũi đỏ, cũng là một người say rượu, sẽ là một kết luận nguy hiểm. Những kết luận kiểu này, được rút ra bằng phép loại suy, thường rất nguy hiểm'.
Halleck nói: 'Có nhiều phép loại suy sai lầm được tạo ra, và việc rèn luyện tư duy để vạch trần chúng là điều tuyệt vời. Hầu hết mọi người nghĩ ít đến mức họ nuốt chửng những phép loại suy sai lầm này, giống như những con chim cổ đỏ mới nở nuốt những viên sỏi nhỏ rơi vào miệng chúng’.
Jevons, một trong những chuyên gia có uy tín nhất về chủ đề này, nói: 'Không có cách nào chúng ta có thể thực sự chắc chắn rằng chúng ta đang tranh luận một cách an toàn bằng phép loại suy. Quy tắc duy nhất có thể được đưa ra là: Hai vật càng giống nhau thì càng có nhiều khả năng chúng giống nhau ở các khía cạnh khác, đặc biệt là ở những điểm có mối liên hệ chặt chẽ với những điểm được quan sát. Để rõ ràng về các kết luận của mình, trên thực tế, chúng ta không bao giờ được hài lòng với phép loại suy đơn thuần, mà phải cố gắng khám phá các quy luật chung chi phối sự việc đó. * * * Chúng tôi nhận thấy rằng không thể dựa vào lập luận bằng phép loại suy, trừ khi chúng ta thực hiện việc điều tra nguyên nhân và quy luật của sự vật đang được đề cập đến mức chúng ta thực sự sử dụng lý luận quy nạp và suy diễn’.
Các hình thức lập luận cao hơn
Hai hình thức lập luận cao hơn lần lượt được gọi là (1) lập luận quy nạp, hoặc suy luận từ các sự kiện cụ thể đến các quy luật chung; và (2) lập luận suy diễn, hay suy luận từ những sự thật tổng quát đến những sự thật cụ thể. Mặc dù việc phân biệt các loại suy luận được thực hiện để việc xem xét rõ ràng hơn, không nên quên rằng hai hình thức lập luận này thường xuất hiện cùng nhau. Ví dụ, trong lập luận quy nạp, nhiều bước được thực hiện với sự hỗ trợ của lập luận suy diễn; và tương tự như vậy, trước khi chúng ta có thể lập luận theo cách suy diễn từ những sự thật tổng quát đến những sự thật cụ thể, chúng ta phải khám phá ra những sự thật tổng quát bằng lập luận quy nạp từ những sự thật cụ thể. Như vậy có sự thống nhất trong mọi quá trình lập luận cũng như trong mọi hoạt động tinh thần. Lập luận quy nạp là một quá trình tổng hợp; lập luận suy diễn là quá trình phân tích. Trong trường hợp thứ nhất chúng ta kết hợp và xây dựng, trong trường hợp thứ hai chúng ta mổ xẻ và tách rời.
*****
Bài tiếp theo: #26 Lập luận quy nạp
No comments:
Post a Comment